Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma: Hướng trọng tâm châu Á trong nhiệm kỳ hai (19/11/2012)

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi tái đắc cử, Tổng thống Ô-ba-ma có kế hoạch thực hiện chuyến thăm lịch sử nhằm khuyến khích tiến trình cải cách tại quốc gia Đông Nam Á Mi-an-ma, vốn được nhìn nhận là một dấu son trong nhiệm kỳ một của nhà lãnh đạo này; đồng thời tới thăm Thái Lan và Cam-pu-chia, nơi ông sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS). Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn và Bộ trưởng Quốc phòng Lê-ôn Pa-nét-ta cũng sẽ thăm châu Á trong tháng này.

Việc các chuyến thăm nói trên diễn ra cùng thời điểm được giới chuyên gia đánh giá là một tín hiệu có sức ảnh hưởng lớn. Rõ ràng, hành động bao giờ cũng có ý nghĩa hơn lời nói; chuyến thăm này cho thấy chủ ý của Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma đặt trọng tâm vào châu Á trong nhiệm kỳ hai.

Trung Quốc hiện đang hành động ngày một kiên quyết trên các vùng biển ở Đông Á. Cuộc tranh chấp lãnh thổ về các đảo do đồng minh theo hiệp ước của Mỹ và Nhật Bản quản lý có thể biến thành một cuộc đối đầu quân sự giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á. Trong năm nay, Trung Quốc đã đối mặt với Phi-líp-pin về chủ quyền của một dãy đá ngầm ở Biển Đông, nơi cũng diễn ra một cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng về nguồn cá, về dự trữ dầu và khí tiềm năng dưới đáy biển, có thể tiến triển thành xung đột nếu không được quản lý tốt. Cách đây hai năm, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn đã từng tuyên bố rằng Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo hòa bình và tự do hàng hải Biển Đông. Bước đi đó làm Bắc Kinh mếch lòng và hòa giải những căng thẳng ngoại giao đó sẽ ngày càng có ý nghĩa quan trọng trong nhiệm kỳ hai của ông Ô-ba-ma. Oa-sinh-tơn ủng hộ nỗ lực thương lượng tập thể của các nước ASEAN với Trung Quốc về tranh chấp, nhưng Trung Quốc vẫn còn lưỡng lự với cuộc chơi.

Ông Ô-ba-ma đã từng có một thử nghiệm cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc, tìm cách xây dựng một mối quan hệ sâu sắc hơn và khuyến khích Trung Quốc tuân thủ các thông lệ quốc tế nhằm gạt bỏ khả năng xảy ra một cuộc đối đầu, nhưng đồng thời cũng đưa ra nhiều khiếu nại về thương mại trong một nỗ lực bảo vệ quyền lợi của các công ty Mỹ. Tuy nhiên, sau đó lập trường của ông đã trở nên cứng rắn, tăng cường vai trò quân sự của Mỹ tại khu vực trong bối cảnh các quốc gia Đông Nam Á và đồng minh của Oa-sinh-tơn là Nhật Bản cáo buộc Bắc Kinh ngày càng quyết đoán trong các vụ tranh chấp chủ quyền.

Nhiệm kỳ hai của Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma rất có thể sẽ chứng kiến chính quyền Mỹ quan tâm nhiều hơn đến mối quan hệ kinh tế với châu Á. Mỹ sẽ nỗ lực hơn trong việc thúc đẩy Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định khu vực gồm nhiều nền kinh tế nhưng không có Trung Quốc. Vào thời điểm đang có những chia rẽ đảng phái nghiêm trọng ở Oa-sinh-tơn, đây có thể trở thành chủ đề ông Ô-ba-ma có tiếng nói chung với những nghị sĩ đảng Cộng hòa.

Tuấn Minh