Tổng rà soát người có công: Quyết tâm chỉnh lý những sai sót để người có công không thiệt thòi
PV: Thưa đồng chí Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam, một trong những mục tiêu của chương trình là đánh giá khách quan việc thực hiện chính sách đối với người có công trong những năm qua. Xin CT cho biết một số ý kiến đánh giá về vấn đề này.
Chủ tịch UB TƯ MTTQ: Từ trước tới nay, chưa bao giờ chúng ta có một cuộc điều tra cụ thể về việc áp dụng chính sách đối với người có công với đất nước, đây chính là cuộc tổng rà soát đầu tiên. Ước tính lần này có khoảng gần 5 triệu người có công, gồm 7/14 đối tượng cơ bản sẽ được rà soát tổng hợp. Phải nói rằng, về cơ bản, hầu hết người có công đã được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, còn một số vì nhiều điều kiện khách quan đã không được hưởng hay được hưởng không đầy đủ các chính sách ưu việt đầy tính nhân văn của Đảng, Nhà nước, tuy rằng số lượng này chắc chắn là rất nhỏ so với số những người đáng được hưởng. Chính vì vậy, Chính phủ mới có Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi với những người đã có công với đất nước.Việc này chứng tỏ quyết tâm của Nhà nước, cần thực hiện tốt chính sách với người có công, còn có gì sai sót phải quyết tâm chỉnh lý cho hoàn thiện, tránh thiệt thòi cho người có công với đất nước.
PV: Với chức năng phản biện xã hội, MTTQ có những giải pháp gì để góp phần xác định rõ những người có công và gia đình chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi của Nhà nước để giải quyết kịp thời.
Chủ tịch UB TƯ MTTQ: Chắc chắn qua lần này, sẽ phát hiện được những người có công và gia đình chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi của Nhà nước, ngoài ra cũng sẽ phát hiện những đối tưởng được hưởng sai chính sách để loại bỏ. Nhằm rà soát có hiệu quả, khâu tập huấn chính sách vô cùng quan trọng, sẽ được triển khai từ trung ương đến cơ sở sao cho những cán bộ trong tổ rà soát phải nắm chắc những điều kiện được hưởng của các đối tượng đang rà soát. Mặt sau của phiếu rà soát đã ghi cụ thể những tiêu chuẩn, chế độ được hưởng của từng đối tượng để đối chiếu so sánh. Mặt khác ta biết rằng, 7 đối tượng cần rà soát kỳ này, không phải chỉ có Bộ LĐTB-XH chịu trách nhiệm mà huy động cả 6 đoàn thể Chính trị xã hội phối hợp cùng các ban ngành chức năng hữu quan cùng tiến hành rà soát nên khả năng phát hiện sai sót khá cao như Đoàn thể Phụ nữ tập trung đối tượng Bà mẹ VNAH, Hội CCB rà soát đối tượng là CCB, thương binh…Đặc biệt với các đối tượng là Thanh niên xung phong mà Hội Cựu TNXP được giao rà soát, đến hơn 30% còn chưa được hưởng chế độ chính sách, trong thời gian tới, sẽ có những giải pháp giải quyết cụ thể để những người đã có thời đóng góp cho đất nước được hưởng chế độ ưu đãi.
PV: Theo Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam Nguyễn Song Phi, Hội Cựu chiến binh nhận rà soát hai đối tượng là thương binh, bệnh binh với số lượng rất lớn. Vậy trong cuộc tổng rà soát này, MTTQ có những giải pháp gì để giúp đỡ và chỉ đạo các đoàn thể khác phối kết hợp với Hội CCB thực hiện chính sách đầy tính nhân văn này có hiệu quả.
Chủ tịch UB TƯ MTTQ: Trong công tác rà soát này, Hội CCB Việt Nam đã có nhiều đóng góp tham mưu để hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải pháp triển khai chương trình, đặc biệt trong việc xây dựng các văn bản pháp quy của chương trình. Đối với cơ sở, MTTQ và Bộ LĐ TB-XH sẽ có tổ chức tập huấn riêng cho các cán bộ trong tổ rà soát của CCB để họ nắm chắc những điều kiện chế độ chính sách của các đối tượng đang rà soát nhằm thực hiện có cơ sở vững chắc và chính xác nhất. Ngoài ra, Nhà nước sẽ có một khoản kinh phí nhất định cho rà soát để tạo điều kiện thuận lợi cho các hội viên CCB trong công tác rà soát. Mặt khác, chúng tôi cũng chỉ đạo các đoàn thể khác như Hội Phụ nữ, Hội trợ giúp gia đình Liệt sĩ… cùng Hội CCB lên kế hoạch phối kết hợp cụ thể để triển khai chương trình có kết quả nhất.
PV: Theo Chủ tịch, hiện Chính sách ưu đãi người có công có còn những vấn đề chưa hợp lý nào cần kiến nghị để điều chỉnh cho phù hợp.
Chủ tịch UB TƯ MTTQ: Chắc chắn rằng trong chính sách ưu đãi còn có những vấn đề chưa hợp lý thì mới cần có cuộc rà soát hôm nay. Theo tôi việc đầu tiên là những người chưa đủ thông tin cần phải có chính sách, quy phạm hướng dẫn để xác nhận được cho các đối tượng này. Thứ hai là chính sách hỗ trợ vẫn chưa theo kịp với thời cuộc, chắc hẳn sau này vẫn còn phải có những bổ xung cho kịp thời. Lấy ví dụ với TNXP, các trường hợp hưởng trợ cấp 1 lần chủ yếu chỉ được hưởng 2 năm, mà với TNXP đa phần hết nghĩa vụ là phải 3 năm. Đây là một bất cập mà Bộ LĐ TB – XH đang xem xét đề nghị sửa đổi. Thứ ba nữa là vấn đề xếp loại đối tượng, ví dụ liệt sĩ, hy sinh trong làm nhiệm vụ là hai đối tượng khác nhau, xếp sao cho đúng và hợp lý, hoặc những người vừa hưởng thương binh, vừa là nạn nhân da cam cần kết hợp sao cho hài hòa.... và chắc rằng qua cuộc rà soát này những vấn đề còn chưa hợp lý sẽ được phát hiện và kiến nghị lên cấp trên kịp thời giải quyết.
PV: Xin cảm ơn Chủ tịch.
Quang Vinh (thực hiện)