Tổng kết Cuộc thi Ký ức Điện Biên “Ký ức Điện Biên” – Ký ức của những nhân chứng sống lịch sử

(BCCBVN) - Hướng tới kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, TƯ Hội CCB Việt Nam phối hợp với Đài tiếng nói Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tổ chức Cuộc thi viết “Ký ức Điện Biên” nhằm khơi dạy lòng tự hào về Chiến thắng lịch sử, cùng toàn Đảng toàn dân, toàn quân phát huy tinh thần “Quyết chiến quyết thắng” của Điện Biên phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Ngày 15-4-2014, Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết “Ký ức Điện Biên” đã được tổ chức tại Hà Nội. Tham dự lễ trao giải có các đồng chí: Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam, Nguyễn Đăng Tiến, Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, Trần Quang Dũng, Ủy viên thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, cùng các lãnh đạo các ban, ngành 3 đơn vị.
Phát biểu khai mạc lễ trao giải, Phó Chủ tịch Hội CCB Việt Nam Phùng Khắc Đăng đã khẳng định, đây là một cuộc thi rất “đặc biệt” bởi nội dung các bài dự thi đều do những người đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ghi lại hoặc kể lại. Do đó, đây là cơ hội rất quý để có thêm những tư liệu giá trị góp phần cho thế hệ sau hiểu đầy đủ hơn về chiến thắng Điện Biên Phủ từ những nhân chứng sống của lịch sử.
Sau gần một năm phát động, đã có 1810 bài thi được gửi tới tham dự. Thành phần tham gia cuộc thi hết sức đa dạng: Có những CCB tuổi trên 70, 80; có những sinh viên còn đang ngồi trên ghế nhà trường; có những vị tướng lĩnh, trí thức, công nhân, nông dân, người dân tộc thiểu số… cho thấy sức mạnh kết nối cuộc thi với những tấm lòng, những tình cảm chân thành và mãnh liệt của người dân hướng về cội nguồn, hướng về chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, một mốc son chói lọi trong lịch sử dụng nước và giữ nước. 1810 bài thi là 1810 con người cụ thể với những nhiệm vụ, tâm tư tình cảm cụ thể, 1810 tình huống với những câu chuyện đầy ắp kỷ niệm làm xúc động lòng người. Các bài thi đã đưa người đọc trở về giai đoạn gian khổ nhất mà cũng hào hùng nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chiến dịch Điện Biên Phủ qua các bài thi đã được dựng lại một cách sinh động và chân thực hơn bất cứ tài liệu lịch sử chính thức nào, bởi nó đem lại cái nhìn toàn cảnh lại cụ thể, cụ thể tới từng chi tiết các nẻo đường chiến dịch, những bước chân chiến sĩ, từng góc hào, từng trận đánh. Nó cũng chạm tới từng ngóc ngách tâm hồn của những người tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, từng biểu hiện sinh động của tình cảm quân dân thắm thiết, sự bao bọc che chở của đồng bào các dân tộc Tây Bắc đối với Bộ đội Cụ Hồ. Hơn thế nữa, các bài dự thi đã góp phần làm sâu sắc thêm các bài học kinh nghiệm tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân. Tinh thần của cuộc chiến tranh nhân dân ấy thấm đẫm vào từng người, từng việc, từ những quyết định chiến lược tới những triển khai tác chiến cụ thể, từ việc huy động lực lượng tới tinh thần chiến sĩ và nhân dân tham gia chiến dịch. Cùng với đó, những bài học về xây dựng lực lượng, về hợp đồng binh chủng, những bài học về sự quyết đoán và tinh thần trách nhiệm của người chỉ huy mà nổi bật là Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp qua bài viết của Trung tướng Đặng Quân Thụy, Trung tướng Phạm Hồng Cư cũng như các vị tướng lĩnh khác.
Các bài thi cũng đem đến những góc nhìn mới mẻ với những đề tài, những vấn đề mà sách sử và tài liệu, thậm chí cả báo chí chưa hoặc ít đề cập. Ví như đội quân cối xay trong tác phẩm của Minh Nguyệt, lực lượng xay lúa cung cấp lương thực tại chỗ, hay năng lực sáng tạo vô song của anh hùng Phan Tư và các đồng đội, với tư duy chân chất của một nông dân đã tìm ra cách gói bộc phá như gói bánh chưng, dùng cơm nếp nát trát khe hở thay nhựa đường… trong tác phẩm của Trường Sơn. Không hề né tránh, các bài thi cũng nói về những hy sinh, mất mát, những khó khăn gian khổ mà quân và dân ta đã phải trải qua trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Có những khó khăn về vật chất như thiếu gạo, thiếu thuốc, thiếu phương tiện, thiết bị, đạn dược…, có những khó khăn về tinh thần phải vượt qua những thời khắc khốc liệt của chiến tranh, có những khó khăn về tâm lý như đang tập trung cao độ chuẩn bị đánh thì được lệnh rút không lý do, không giải thích, hay biết đồng đội bị vây mà không thể sang tiếp viện trợ giúp.., cũng còn có cả phút hoảng loạn rất đời thường của một số cán bộ, chiến sĩ trước cái khắc nghiệt của cuộc chiến. Tuy nhiên những đau thương, mất mát đó là kinh khủng, là khắc nghiệt nhưng không hề bi lụy mà trái lại còn làm nổi bật lên tinh thần bất diệt của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tạo nên bản hùng ca bi tráng và đậm chất sử thi, những phút yếu lòng chỉ là sự thường của cuộc sống nhưng không bao giờ là sự hèn nhát.

Ban tổ chức đã trao1 giải nhất cho tác giả Đặng Đức Song với tắc phẩm “Đánh lấy lại lô cốt cột cờ Đồi C1”, 5 giải nhì, 10 giải 3 và 35 giải khuyến khích và 7 giải đặc biệt cho 7 tác phẩm của Trung tướng Đặng Quân Thụy, Trung tướng Phạm Hồng Cư, Trung tướng Nguyễn Hải Bằng, Thiếu tướng Bùi Phan Kỳ, Thiếu tướng Đinh Mộng Tiên, Thiếu tướng Nguyễn Hiền, Thiếu tướng Trần Xuân Thu. Có 10 đơn vị có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự thành công của cuộc thi được Ban tổ chức tặng Bằng khen.
Bài và ảnh: Quang Vinh