Tổng kết 5 năm Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” (2016-2021): Luôn đề cao tính hiệu quả, thiết thực

Đồng chí Vũ Ngọc Bình kiểm tra hoạt động kinh tế tại Hội CCB huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) năm 2019.

Ngày 24-12-2021, Hội CCB Việt Nam tổng kết phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi lần thứ 5, giai đoạn 2016-2021. Hội nghị đã đánh giá toàn diện kết quả thực hiện phong trào; biểu dương các điển hình tiên tiến và rút ra những bài học kinh nghiệm của công tác giảm nghèo, làm kinh tế giỏi cho những năm tiếp theo. Nhân dịp này, phóng viên Báo CCB Việt Nam có cuộc trao đổi với Đại tá Vũ Ngọc Bình - Trưởng ban Kinh tế T.Ư Hội CCB Việt Nam về việc thực hiện và kết quả của phong trào. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

PV: Đề nghị đồng chí đánh giá khái quát về việc triển khai và kết quả  phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” 5 năm qua?

Đại tá Vũ Ngọc Bình: Trong 5 năm qua, ngoài những thuận lợi do kết quả công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, nền kinh tế nước ta cũng gặp không ít thách thức. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, cán bộ, hội viên luôn nỗ lực phấn đấu, đạt nhiều thành tích quan trọng trong thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, làm kinh tế giỏi mà Nghị quyết Đại hội lần thứ VI Hội CCB Việt Nam đề ra. Các cấp Hội chủ động tổ chức học tập, nghiên cứu nắm vững chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các kế hoạch của Chính phủ và của địa phương để tham gia phát triển kinh tế, xã hội.

T.Ư Hội tổ chức tổng kết và ký kết các chương trình với một số Bộ, ngành; phối hợp với MTTQ Việt Nam chỉ đạo thực hiện các cuộc vận động lớn, các phong trào thi đua. Chỉ đạo tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm của các tập thể, cá nhân làm kinh tế giỏi; vận động hội viên phát huy mọi tiềm năng, tranh thủ mọi nguồn lực, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, sự giúp đỡ của các ngành, các cấp để phát triển các mô hình kinh tế. Phối hợp hướng dẫn các doanh nghiệp do CCB làm chủ, tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế của doanh nghiệp CCB… sản xuất, kinh doanh, hội nhập kinh tế quốc tế, khẳng định được vai trò vị thế của CCB trên lĩnh vực kinh tế.

Sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn Hội giảm từ 7,66% cuối 2016 xuống còn 3,88%. Đã có 5.724/10.617 xã, phường, thị trấn (53,92%), 274/702 huyện, thị, thành phố (39,3%), 44/63 tỉnh, thành Hội cơ bản hết hộ CCB nghèo. Tỷ lệ hộ khá và giàu là 57,24%. Các cấp Hội tích cực triển khai vận động, khai thác các nguồn lực để xóa nhà dột nát, nhà tạm cho hội viên. Toàn Hội xóa được hơn 23.930 nhà.

PV: Như đồng chí đã nói, các mô hình kinh tế CCB, doanh nhân, doanh nghiệp CCB phát triển tạo sức lôi cuốn đối với phong trào. Vậy sự phát triển đó được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Vũ Ngọc Bình:Hoạt động phong trào của CCB làm kinh tế những năm qua đang phát huy tốt hiệu quả, tiếp tục phát triển, tăng nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng. Hiện nay, Hội có 8.587 doanh nghiệp, 1.684 HTX, 3.667 tổ hợp tác, 186.736 trang trại, gia trại. Các mô hình kinh tế thu hút trên 815.000 lao động. Đã có 63/63 tỉnh, thành phố thành lập Hội Doanh nhân, CLB doanh nhân CCB. Hằng năm có hàng chục nghìn hội viên đạt danh hiệu “Sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp, tập trung phát triển nhiều mô hình kinh tế trọng điểm.

PV: Đề nghị đồng chí cho biết một số mô hình CCB làm kinh tế hiệu quả, vươn lên làm giàu?

Đại tá Vũ Ngọc Bình: Về mô hình CCB làm kinh tế hiệu quả, vươn lên làm giàu có mô hình HTX Vĩnh Kim do CCB Nguyễn Thanh Sơn của Giám đốc - kiêm Chủ tịch hội đồng quản trị ở tỉnh Tiền Giang. HTX chủ động sáng tạo, điều hành hoạt động chế biến và bảo quản rau quả, sản xuất đồ uống, nước khoáng… 5 năm qua, tổng doanh thu 187 tỷ đồng. Mô hình Tổng Công ty TMDV của CCB Nguyễn Thị Bảo Hiền là Giám đốc, đã tiên phong đón đầu công nghệ, xây dựng dây chuyền công nghệ hiện đại linh kiện điện tử, chế biến nông sản sạch. Mô hình Tổng Công ty do CCB Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng Công ty giống cây trồng Thái Bình Seed. Nặng lòng với quê lúa Thái Bình, CCB Trần Mạnh Báo đã vượt khó, vươn lên học tập, nghiên cứu khoa học, điều hành doanh nghiệp sản xuất thành công nhiều giống lúa hàng đầu Việt Nam; cung cấp gần 30% thị phần giống lúa trên toàn quốc, góp phần nâng cao năng suất, thu nhập cho nông dân. Năm 2020, ông được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Ngoài ra còn rất nhiều mô hình CCB vươn lên sản xuất kinh doanh hiệu quả, làm ra nhiều của cải cho xã hội…

Tổng kết 5 năm phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, T.Ư Hội đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động cho 18 cá nhân; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 24 cá nhân; T.Ư Hội tặng Bằng khen cho 283 cá nhân, 4 tập thể là điển hình tiêu biểu xuất sắc.

PV: Ngân hàng CSXH và các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ CCB thực hiện xóa đói, giảm nghèo như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Vũ Ngọc Bình: Kết quả vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, đến 30-11-2021, tổng dư nợ ủy thác qua Hội CCB là hơn 41.346 tỷ đồng, tăng 18.159 tỷ so với năm 2016; với hơn 1 triệu hộ vay, thuộc 30.373 tổ Tiết kiệm và Vay vốn. Mức vay bình quân gần 38 triệu đồng/hộ. Tỷ lệ các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn  đạt loại khá, tốt là 94,6%. Tỷ lệ thu nợ, thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm vượt kế hoạch đề ra và vốn vay được sử dụng có hiệu quả. Vốn vay tạo việc làm và vay từ các tổ chức tín dụng khác là hơn 7.525 tỷ đồng. Bằng hình thức huy động của cấp chi Hội, của Hội CCB cấp xã, phường bằng hình thức Quỹ giúp nhau giảm nghèo, cho vay không tính lãi hoặc lãi xuất thấp để phát triển sản xuất là hơn 2.100 tỷ đồng, bình quân 200 triệu/1cơ sở Hội, tạo việc làm ổn định cho 589.795 CCB và nhân dân địa phương.

PV: Theo đồng chí, cần có những định hướng gì để phong trào những năm tiếp theo phát huy hiệu quả cao nhất?

Đại tá Vũ Ngọc Bình: Để phong trào phát triển rộng, chất lượng và thực sự hiệu quả, các cấp Hội cần xây dựng thành chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể hàng năm. Phát triển các mô hình kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh. Tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực, gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế đối ngoại, kinh tế số. Gắn hoạt động kinh tế với thực hiện nhiệm vụ chính trị của Hội, xây dựng Hội vững mạnh, toàn diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của CCB.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Võ Hóa (thực hiện)