Tổng hợp COVID-19 ngày 21/7: Hà Nội và Đà Nẵng thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19

Phong tỏa nhà thuốc Đức Tâm tại số 95 Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội) trong đêm 20/7.  

 Ngày 21/7, Việt Nam ghi nhận 5.357 ca mắc mới, riêng TP Hồ Chí Minh có 3.556 ca; từ 0 giờ ngày 22/7, Hà Nội cách ly tập trung toàn bộ người về từ các địa phương đang giãn cách xã hội; từ 12 giờ ngày 22/7, Đà Nẵng yêu cầu mọi người dân ở nhà; 506 trường hợp nghi mắc COVID-19 tại Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương); TP Hồ Chí Minh hướng dẫn tổ chức cơ sở cách ly tập trung cho người F0 không triệu chứng… là những tin nổi bật trong ngày 21/7.

Ngày 21/7, Việt Nam ghi nhận 5.357 ca mắc mới, riêng TP Hồ Chí Minh có 3.556 ca

Trong ngày 21/7, Việt Nam ghi nhận 5.357 ca mắc mới, trong đó 14 ca nhập cảnh và 5.343 ca ghi nhận trong nước; trong đó TP Hồ Chí Minh cao nhất là 3.556 ca.

Đến 19 giờ ngày 21/7, Việt Nam có tổng cộng 66.078 ca ghi nhận trong nước và 2.099 ca nhập cảnh.

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 64.508 ca, trong đó có 9.197 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 10/60 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hoà Bình, Bắc Kạn.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 4.754.692 mẫu cho 12.853.317 lượt người.

Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 4.336.833 liều, trong đó số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 317.672 liều.

Cũng trong ngày 21/7, cả nước có 528 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 11.971 ca. Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số bệnh nhân nặng đang điều trị hồi sức tích cực (ICU) 123 ca và 18 bệnh nhân đang điều trị tim phổi nhân tạo (ECMO).

Từ 0 giờ ngày 22/7, Hà Nội cách ly tập trung toàn bộ người về từ các địa phương đang giãn cách xã hội

Từ 0 giờ ngày 22/7, Hà Nội tổ chức cách ly tập trung tại các địa điểm cách ly tập trung trên địa bàn Thành phố đối với toàn bộ người về từ các địa phương có dịch đang thực hiện giãn cách xã hội theo văn bản số 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Tối 21/7, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có công điện về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố, gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội và các đoàn thể chính trị xã hội Thành phố; Giám đốc các sở, ban, ngành Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Tổng Công ty Hàng không Việt Nam.

Theo công điện, Thành phố đã triển khai các biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19, bước đầu đã khống chế, kiểm soát một số chùm ca bệnh mới phát sinh. Cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, Thành phố đã có các phương án vận chuyển, cung cấp đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho Nhân dân. Tuy nhiên, trong những ngày qua, vẫn có một bộ phận nhỏ người dân chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và tồn tại tình trạng tập trung đông người tại một số nơi, hàng ngày vẫn có hàng ngàn người từ các địa phương khác trở về Thành phố mang theo nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng; đã xuất hiện một số ca nhiễm tại cơ sở dược phẩm và ca nhiễm được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc người có biểu hiện ho, sốt, khó thở...

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy tại cuộc họp ngày 21/7/2021, để tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch và chủ động sàng lọc, truy vết, kiểm soát tình hình dịch bệnh, Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, các đoàn thể chính trị xã hội Thành phố; Giám đốc các sở, ban, ngành Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam thực hiện ngay một số nội dung sau:

Từ 0 giờ ngày 22/7, tổ chức cách ly tập trung tại các địa điểm cách ly tập trung trên địa bàn Thành phố đối với toàn bộ người về từ các địa phương có dịch đang thực hiện giãn cách xã hội theo văn bản số 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; trừ các lực lượng phục vụ công tác phòng chống dịch; công tác công vụ đảm bảo các yêu cầu, quy định phòng chống dịch được cấp thẩm quyền cho phép.

Chính phủ ban hành Nghị quyết về phòng, chống dịch COVID-19

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20/7/2021 phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19.

Nghị quyết nêu rõ: Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg (Chỉ thị 16) tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam nhằm sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch của một số cơ quan nhà nước và một bộ phận người dân chưa cao, chưa đúng quy định, hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương thực hiện giãn cách với các địa phương khác vẫn thiếu hụt và ách tắc cục bộ; việc cung ứng hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân tại các địa phương thực hiện giãn cách có nơi, có lúc vẫn còn chưa thật sự chủ động, hiệu quả; việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa thật chặt chẽ; một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực phòng, chống dịch trên địa bàn.

Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các bộ, ngành tăng cường chỉ đạo tập trung, thống nhất, chuyên sâu đối với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam ở cấp liên vùng; đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức chấp hành của người dân, bảo đảm thực hiện chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16, đặc biệt có thể thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao hơn đối với các địa bàn có diễn biến dịch tễ phức tạp tại một số địa phương; với mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết.

Chính phủ quyết nghị thành lập Tổ công tác “đặc biệt” của Chính phủ, đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 để xử lý, giải quyết ngay những nhiệm vụ, các vấn đề cấp bách, phát sinh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội.

TP Hồ Chí Minh hướng dẫn tổ chức cơ sở cách ly tập trung cho người F0 không triệu chứng

Ngày 21/7, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản hướng dẫn phối hợp giữa y tế, địa phương và gia đình tổ chức cơ sở cách ly tập trung cho đối tượng F0 trên địa bàn thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị trấn.

UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các địa phương ban hành ngay quyết định thành lập các cơ sở cách ly tập trung cho đối tượng F0 thuộc địa bàn quản lý nhằm tăng cường sự phối hợp giữa y tế, địa phương và gia đình trong chăm sóc và giám sát người nhiễm COVID-19.

Đối tượng được áp dụng là các trường hợp F0 (có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm RT-PCR dương tính) và không có triệu chứng lâm sàng, không kèm bệnh lý nền hoặc nếu có bệnh lý nền thì đã được điều trị ổn định, không béo phì.

Cơ sở cách ly trên địa bàn sử dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có tại địa phương như: Khu ký túc xá của trường học, khu chung cư mới chưa đưa vào sử dụng, khách sạn, nhà nghỉ, trường học... trên địa bàn. Căn cứ vào tình hình số trường hợp F0 được phát hiện trong thời gian qua, điều kiện cơ sở hạ tầng sẵn có tại mỗi địa phương để xác định quy mô giường bệnh phù hợp với yêu cầu thực tế của mỗi địa phương.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các địa phương bố trí khu vực cách ly riêng biệt cho người có xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính (chưa có kết quả RT-PCR) và người đã có kết quả RT- PCR dương tính. Đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cho người được cách ly như: nhà vệ sinh, giường nghỉ, cung cấp thức ăn đầy đủ theo quy định, xử lý rác y tế, bồn rửa tay...

Mỗi cơ sở cách ly tập trung phải bố trí phòng sơ cấp cứu với các trang thiết bị cấp cứu cơ bản, có bình oxy, phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc hạ sốt, vitamin...

Từ ngày 22/7, TP Hồ Chí Minh đồng loạt tiêm vaccine COVID-19 đợt 5

Chiều 21/7, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, bắt đầu từ ngày 22/7, TP Hồ Chí Minh đồng loạt tổ chức chiến dịch tiêm vacine phòng COVID-19 đợt 5 cho người dân.

Theo đó, trong chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 đợt 5, TP Hồ Chí Minh được cung cấp 930.000 liều. Đối tượng tiêm chủng lần này vẫn thực hiện theo Nghị quyết 21, tuy nhiên với tình hình dịch bệnh như hiện nay, những người lớn tuổi và mắc các bệnh lý nền sẽ là đối tượng được ưu tiên hàng đầu.

Dự kiến chiến dịch tiêm chủng đợt 5 này sẽ diễn ra trong 2- 3 tuần, hoặc có thể kéo dài hơn để không chịu áp lực về thời gian, dẫn đến việc hoàn thành chỉ tiêu nhưng lại không đảm bảo các điều kiện an toàn và giãn cách.

"Trong đợt này, chúng ta đã rút kinh nghiệm sâu sắc trong chiến dịch tiêm chủng lần thứ 4 và tuyệt đối không để xảy ra tình trạng như trong đợt thứ 4. Khi nào chưa chuẩn bị an toàn và chưa tốt thì chưa được triển khai", bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cho biết.

Nhiều ca nghi mắc COVID-19 tại Cơ sở cai nghiện Bố Lá (Bình Dương)

Tại họp báo về tình hình dịch bệnh COVID-19 do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức chiều ngày 21/7, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết có 506 trường hợp nghi mắc COVID-19 tại Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương).

Theo đó, các ca nghi mắc này đã được phân loại và ngay trong đêm nay, một tổ y, bác sĩ sẽ đến Cơ sở cai nghiện ma tuý Bố Lá để khám sàng lọc, xét nghiệm và điều trị. Các trường hợp bệnh nặng sẽ được chuyển lên Bệnh viện Nhân Ái của tỉnh Bình Phước. Ngoài ra, Sở đang triển khai giải pháp thiết lập các phòng cách ly ở các đơn vị trực thuộc để ngăn chặn kịp thời các tình huống phát sinh.

Trước đó, tối 17/7, 2 nhân viên của cơ sở cai nghiện này bị sốt nhẹ, nhức đầu. Qua test nhanh, mẫu xét nghiệm của 2 người này cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Sau đó, 34 nhân viên ở đơn vị được test nhanh ngẫu nhiên và 21 người đã cho kết quả dương tính. Đến chiều ngày 20/7, toàn bộ 689 người ở đây được xét nghiệm, ghi nhận 506 người dương tính, trong đó có 450 học viên và 56 nhân viên.

Tối 21/7, Hà Nội có thêm 20 trường hợp mắc COVID-19 của 5 chùm ca bệnh

Sở Y tế Hà Nội thông báo tiếp tục ghi nhận thêm 20 trường hợp dương tính mới với SARS-CoV-2 tại 7 quận, huyện: Quốc Oai (4 ca), Hai Bà Trưng (4 ca), Hoàng Mai (8 ca); Đông Anh, Mỹ Đức, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức (mỗi nơi ghi nhận 1 trường hợp). Như vậy, trong ngày 21/7, Hà Nội có tổng số 46 ca mắc, trong đó có 18 trường hợp tại cộng đồng.

Theo Sở Y tế Hà Nội, 20 trường hợp mắc mới COVID-19 được ghi nhận ở 5 chùm ca bệnh, trong đó có 15 trường hợp phát hiện tại cộng đồng, 5 trường hợp tại khu cách ly tập trung.

Từ 12 giờ ngày 22/7, Đà Nẵng yêu cầu mọi người dân ở nhà, ai ở nhà đó

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng, tính từ 13 giờ ngày 20/7 đến 14 giờ 30 ngày 21/7, Đà Nẵng ghi nhận 28 ca mắc COVID-19. Trong đó, 16 trường hợp F1 đã được cách ly tập trung khi phát hiện dương tính, 12 trường hợp ghi nhận tại cộng đồng chưa được cách ly khi phát hiện dương tính. Như vậy, tính từ ngày 10/7 đến 14 giờ 30 ngày 21/7, thành phố ghi nhận 279 ca mắc COVID-19.

Hiện, thành phố đang thực hiện cách ly, giám sát 2.610 trường hợp F1 và 3.403 trường hợp F2 (tất cả F1 đều được cách ly tập trung hoặc tại cơ sở y tế). Trong ngày 21/7, thành phố đã lấy mẫu xét nghiệm cho 56.327 lượt người. Đây là con số kỷ lục của thành phố Đà Nẵng về số lượng mẫu được xét nghiệm trong ngày.

Hiện thành phố Đà Nẵng đã có 36/56 xã phường có ca cộng đồng.

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh, đây là thời điểm mọi cơ quan, đơn vị phải tập trung, lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Chủ tịch UBND thành phố thống nhất với đề xuất của Văn phòng UBND, theo đó yêu cầu mọi người dân ở nhà, ai ở nhà đó, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết như đi công tác, công vụ, làm việc tại cơ sở, nhà máy; thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp, tập trung không quá 2 người nơi công cộng; dừng hoạt động thể thao, trong đó bao gồm cả hoạt động đi bộ, tập thể dục, đi xe đạp; dừng hoạt động kinh doanh không thiết yếu, chỉ hoạt động cơ sở sản xuất kinh doanh thiết yếu, buôn bán lương thực, thực phẩm, khám bệnh chữa bệnh, cấp cứu, tang lễ; dừng hoạt động shipper, chỉ cho phép bán mang về.

Các cơ sở sản xuất kinh doanh bảo đảm phương châm 3 tại chỗ; các trung tâm thương mai, chợ, siêu thị tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách. Các chợ, siêu thị dừng hoạt động của các cửa hàng không thiết yếu. Các cơ quan, đơn vị đi làm đảm bảo số lượng 50% số người trong cơ quan, không tổ chức cuộc họp không cần thiết, nếu tổ chức cuộc họp trong phòng không quá 20 người. Mọi người khi đi ra ngoài phải có thẻ hoặc giấy chứng nhận của cơ quan, đơn vị; chỉ được phép ra ngoài mua sắm những đồ dùng, vật liệu thiết yếu; dừng hoạt động taxi, xe 9 chỗ ngồi và grab car; không được tổ chức tiệc trong nhà…

Các biện pháp kể trên sẽ được thực hiện kể từ 12 giờ ngày 22/7/2021 cho đến khi có thông báo mới.

Bình Dương vận hành Bệnh viện dã chiến 500 giường do Quân đội hỗ trợ

Ngày 21/7, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương đã công bố đưa vào vận hành Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 5B, đặt tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh (phường Phú Lợi, Thành phố Thủ Dầu Một) và sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.

Bệnh viện Dã chiến có quy mô 500 giường do Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 7 phối hợp với các lực lượng trong Quân khu triển khai. Bệnh viện dự kiến vận hành với 150 bác sĩ quân y, nhân viên y tế và lực lượng phục vụ thuộc Quân khu 7 và tỉnh Bình Dương đảm trách nhiệm vụ.

Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm 5B được Quân đội hỗ trợ đã giúp tỉnh Bình Dương tăng năng thêm lực điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Báo Tin tức (tổng hợp)