Tổng Bí thư: Tạo điều kiện cho văn nghệ sỹ sáng tạo (22/09/2013)
Cùng tham dự cuộc làm việc có các ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Đến nay, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật có 73 tổ chức thành viên gồm 10 hội chuyên ngành ở Trung ương và 63 hội ở các địa phương, tập hợp gần 40.000 văn nghệ sỹ. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa, 5 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) về văn học, nghệ thuật, nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiếp tục có bước phát triển, đạt được những kết quả quan trọng.
Quyền tự do sáng tạo và điều kiện hoạt động của văn nghệ sỹ được bảo đảm và cải thiện, tiềm năng và cảm hứng sáng tạo được khơi dậy. Các giá trị văn hóa, văn nghệ bền vững của dân tộc tiếp tục được kế thừa, phát huy. Sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng, tăng đáng kể về số lượng và chất lượng. Đề tài lịch sử hào hùng của đất nước; những trang sử vẻ vang của dân tộc, cả trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tiếp tục thu hút các thế hệ văn nghệ sỹ khai thác, thể hiện thành công.
Đề tài về công cuộc đổi mới đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi nhân dân, cũng được anh chị em văn nghệ sỹ trân trọng và có những thành công đáng ghi nhận. Văn học, nghệ thuật tích cực phát hiện, cổ vũ cái mới, cái tốt đẹp, tiến bộ; biểu dương, nêu gương những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong lao động, học tập, rèn luyện, phấn đấu; đấu tranh phê phán những thói hư, tật xấu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội.
Đảng đoàn và lãnh đạo Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, lãnh đạo các hội thành viên đã phát huy vai trò là tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tập hợp, đoàn kết, động viên hội viên và đông đảo văn nghệ sỹ nâng cao nhận thức chính trị, năng lực sáng tạo, trách nhiệm công dân, sáng tác, quảng bá nhiều tác phẩm có giá trị.
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực và kết quả đạt được, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật những năm qua còn bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém, khuyết điểm. Văn học, nghệ thuật phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu hưởng thụ của nhân dân; chưa có nhiều tác phẩm có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật. Đáng lưu ý là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập, đã và đang xuất hiện xu hướng “thương mại hóa” cùng những biểu hiện “bắt chước, lai căng”... trên nhiều phương diện, làm hạ thấp hoặc méo mó những giá trị đích thực của văn học nghệ thuật, ảnh hưởng đến giáo dục tư tưởng, thẩm mỹ trong công chúng người đọc, người xem; không động viên, khuyến khích được những văn nghệ sỹ tâm huyết với nghề, gắn bó với những giá trị văn học nghệ thuật chân chính.
Bên cạnh số đông văn nghệ sỹ gắn bó máu thịt và cống hiến hết mình cho cách mạng, cũng có những người, những biểu hiện phai nhạt mục tiêu, lý tưởng, xem nhẹ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân...
Các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc đều cơ bản nhất trí với báo cáo đánh giá của Đảng đoàn Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật về tình hình hoạt động văn học, nghệ thuật những năm gần đây, cả về những thành tựu, cũng như hạn chế, khó khăn.
Nhiều ý kiến cho rằng, Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động, đoàn kết, tập hợp hội viên... góp phần thúc đẩy hoạt động văn học nghệ thuật phát triển tương xứng với tiềm năng, hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng, cao cả là phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư chỉ rõ hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực phấn đấu thực hiện đường lối đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, Việt Nam cũng đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức lớn. Hiện thực phong phú, sôi động của đất nước đang mở ra chân trời rộng lớn cho sự sáng tạo, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề lớn và mới mà những người hoạt động văn hóa, nghệ thuật thông qua những tác phẩm sáng tạo của mình phải cắt nghĩa, trả lời và định hướng đi lên cho xã hội.
Thực tế những năm qua, lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới, trong đó có cuộc đấu tranh quyết liệt về tư tưởng, văn hóa - đó là cuộc đấu tranh giữa chân, thiện, mỹ với cái giả dối, cái ác, cái xấu xa; giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu.
Tổng Bí thư khẳng định Đảng và Nhà nước luôn coi trọng công tác xây dựng, bổ sung hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về lĩnh vực này, cố gắng tạo điều kiện để anh chị em văn nghệ sỹ phát huy hết tài năng; định hướng đúng đắn cho văn học nghệ thuật phát triển phù hợp với con đường đi lên của dân tộc; đề ra chính sách đầu tư, bảo đảm tự do sáng tác đi đôi với nêu cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của văn nghệ sỹ, các nhà văn hóa; đồng thời chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho văn nghệ sỹ làm việc; chú ý bồi dưỡng, đào tạo lớp văn nghệ sỹ trẻ...
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cho rằng với văn học nghệ thuật thì không gì có thể thay thế được tài năng và tâm hồn chủ thể những người trực tiếp sáng tạo, tức là các văn nghệ sỹ. Sự nghiệp sáng tạo văn học nghệ thuật đòi hỏi phải có những người có tài năng, có tâm hồn, có nhân cách, bản lĩnh, đặc biệt là có chỗ đứng và cách nhìn đúng đắn, khách quan, khoa học.
Tổng Bí thư mong muốn và tin tưởng với tài năng và tâm huyết, đội ngũ văn nghệ sỹ sẽ có nhiều tác phẩm phản ánh chân thực cuộc sống, ngợi ca cái tốt, cái thiện, cái tích cực; đồng thời phê phán, đấu tranh với cái ác, cái xấu, những tư tưởng sai trái đi ngược lại truyền thống đạo lý và lợi ích của Tổ quốc và dân tộc, những thói tệ nảy sinh từ mặt trái của kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập quốc tế.
Công tác nghiên cứu lý luận, phê bình cần phải thẳng thắn, trung thực, khách quan, tinh tế, góp phần định hướng, giới thiệu cho công chúng tiếp nhận những giá trị văn hóa trong và ngoài nước, loại trừ những cái phi văn hóa, phản văn hóa; chống xu hướng "lai căng," thương mại hóa, đảm bảo sự phát triển lành mạnh của đời sống văn học nghệ thuật, nâng cao trình độ nhận thức và thị hiếu thẩm mỹ của nhân dân.
Tổng Bí thư yêu cầu Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, các hội thành viên cần giúp Đảng đoàn kết, tập hợp đông đảo anh chị em văn nghệ sỹ, tạo điều kiện để anh chị em làm tốt thiên chức sáng tạo của mình; đồng thời quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, công tác chuyên môn; chăm lo việc nâng cao nhận thức chính trị, năng lực sáng tạo, kỹ năng nghề nghiệp, trách nhiệm công dân cho anh chị em văn nghệ sỹ.
Tổng Bí thư đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ, các ban, bộ, ngành liên quan, trên cơ sở ý kiến góp ý và kiến nghị của Đảng đoàn Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam và lãnh đạo các hội thành viên, ghi nhận đầy đủ, quan tâm sâu sắc, tập trung tháo gỡ các khó khăn, các bất cập về chính sách, cơ chế, điều kiện hoạt động cho Liên hiệp hội, các hội thành viên và anh chị em văn nghệ sỹ.
Tổng Bí thư khẳng định Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành sẽ cùng Đảng đoàn và lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, các hội thành viên tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để văn học nghệ thuật và anh chị em văn nghệ sỹ có thêm điều kiện hoạt động, sáng tạo./. Theo Vietnam+