Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với văn hóa Việt Nam
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các bạn trong buổi họp lớp.
Điếu văn của BCHTƯ Đảng Cộng sản Việt Nam, được đồng chí Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đọc tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khẳng định: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, một tấm gương sáng ngời về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; người đảng viên kiên trung, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, hiện thân đầy đủ phẩm chất, tài năng, bản lĩnh, trí tuệ của thế hệ lãnh đạo Việt Nam thời đại mới”.
Trong không khí, hồi âm của những ngày cả nước để tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, xin được đề cập đôi điều về nỗi niềm đau đáu, đóng góp vô cùng to lớn, đặc biệt quan trọng của Tổng Bí thư vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Là người dân đất Việt, chúng ta đều biết Việt Nam là đất nước, là dân tộc có bề dày lịch sử, bề dày văn hóa. Chính sự tồn tại, định hình lâu đời một nền văn hóa với những đặc trưng, bản sắc riêng là một trong những nhân tố quyết định để Văn hóa Việt không bị đồng hóa qua hàng nghìn năm đô hộ của phong kiến phương Bắc và gần một trăm năm xâm lược, đô hộ của đế quốc Tây phương; hơn thế, Văn hóa Việt Nam là nhân tố quyết định làm nên sức mạnh Việt Nam lật nhào ách đô hộ của ngoại bang, giành lại độc lập, để rồi từ đó quốc gia dân tộc Việt đã phục hưng, phát triển cho đến ngày nay.
Ý thức được tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, cho nên kể từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước; đồng thời cũng từ lãnh đạo đất nước tiến hành cách mạng, nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn.
Còn nhớ, hơn một năm sau khi giành độc lập, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cọng hòa vừa ra đời, ngày 24-11-1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất đã được Trung ương và Bác Hồ triệu tập. Tại Hội nghị này, Bác Hồ đã khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Thực hiện lời dạy của Bác, gần 80 năm qua, Đảng ta đã luôn quan tâm, coi trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu thời đại.
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021) nêu rõ: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Nội dung trên trên là bước kế thừa, phát triển quan điểm về xây dựng nền văn hóa Việt Nam của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng; cụ thể là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCHTƯ Đảng Khóa VIII, về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tiếp đó là Nghị quyết số 33-NQ/TƯ, ngày 9-6-2014, của BCHTƯ Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết quan trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Về văn hóa, xây dựng nền văn hóa Việt Nam, ở bài viết quan trọng này, Tổng Bí thư nêu rõ: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển của đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam. Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao…”.
Nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong tiến trình đổi mới và cũng để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, đúng 75 năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, ngày 24-11-2021, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giúp chúng ta hiểu sâu sắc, nhưng cũng đơn giản, gần gũi, thiết thân hơn với mỗi con người, cộng đồng, đất nước, về văn hóa: “…Khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ…
Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi… là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà là ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.
Cùng với mượn lời của các bậc tiền nhân “Văn hóa còn thì Dân tộc còn” và lời dạy của Bác Hồ “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”…, những điều tâm huyết chắt ra từ trái tim đầy nhiệt huyết cách mạng và thấm đẫm tình người của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng ngày, từng giờ thấm sâu vào suy nghĩ, dắt dẫn hành động của từng con người Cộng sản chân chính và mỗi một người dân chân chính, tử tế...
Gần đây, Tổng Bí thư đã cho xuất bản tác phẩm “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tên sách cũng là tư tưởng lớn, xuyên suốt tác phẩm của Tổng Bí thư; kết tinh tư tưởng, lý luận và những định hướng về xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu cách mạng trong bối cảnh thế giới đầy biến động khó lường; đất nước đạt được nhiều thành tựu đồi mới; nhưng lý tưởng, đạo đức, văn hóa của không ít cán bộ, đảng viên… xuống cấp, suy thoái - là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, chế độ XHCN.
Cùng với nghiên cứu, tổng kết tư tưởng, lý luận…về văn hóa, trong cuộc sống đời thường, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương mẫu mực về sống, học tập và làm theo Bác Hồ : “Mong manh áo vải hồn muôn trượng…”. Từ hình ảnh dung dị, gần gũi với các tầng lớp nhân dân trong công việc và sinh hoạt đời thường; hình ảnh ông - một vị cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhưng đến họp lớp học cũ đi xe máy, với đôi dép tổ ong, túi quà quê và luôn đóng “Quỹ lớp” đầy đủ; một lá thư tay với món quà nhỏ biếu tặng thầy cô giáo cũ khi Tết đến xuân về…, đến khẳng định với mỗi con người: “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”, và tâm niệm được sống như Paven Korchagin trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy”: “Đời người chỉ sống một lần, phải sống sao cho ra sống…”, thể hiện ở Tổng Bí thư lời nói luôn đi với việc làm.
Tư tưởng, lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hóa và đạo đức, phẩm chất, lối sống của Người là cẩm nang, di sản quý giá để toàn Đảng, toàn Dân ta nghiên cứu, vận dụng thực hiện thành công xây dựng và phát triển nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Duy Nguyễn