Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lòng doanh nhân CCB Việt Nam

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (thứ ba từ trái sang) thăm mô hình nuôi tôm của Công ty cổ phần Việt Úc - Bạc Liêu, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu (2-2017). Ảnh: TTXVN

Dẫu biết rằng “sinh - lão - bệnh - tử” là quy luật của đời người khó ai tránh được, nhưng khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, trong lòng mỗi doanh nhân Việt Nam, nhất là những doanh nhân Bộ đội Cụ Hồ đều thấy rất đau xót, tiếc thương cho một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng của Đảng; một trái tim nhiệt huyết luôn quan tâm sâu sắc đến các tầng lớp nhân dân, đến doanh nghiệp, doanh nhân… đã ngừng đập.

Mấy ngày qua, theo dõi những phóng sự, hình ảnh, bài viết về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên các phương tiện thông tin đại chúng, đảng viên Hoàng Mạnh Cường - Phó chủ tịch Hiệp hội DNDN CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB T.P Hà Nội, không khỏi bùi ngùi, xúc động: “Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một mất mát rất lớn cho đất nước, cho dân tộc, trong đó có lực lượng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam. Với chúng tôi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn là một “người lái tàu vĩ đại”, người đã chèo lái, đưa con thuyền của Đảng ta vượt muôn trùng sóng gió trong những năm qua. Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi thấy chưa bao giờ lòng tin của nhân dân đối với Đảng lại cao như vậy. Bản thân tôi tỏ lòng tiếc thương vô hạn đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một người cộng sản kiên trung, liêm khiết, cống hiến cả cuộc đời cho đất nước đến hơi thở cuối cùng”.

Chia sẻ về những tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với lực lượng doanh nghiệp và doanh nhân thời kỳ đổi mới, đồng chí Trần Văn Thư - Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh Bắc Ninh tâm sự: “Là một đảng viên, người lính trở về và trở thành một doanh nhân CCB, bản thân tôi đánh giá cao sự lãnh đạo xuất sắc và tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhiều năm qua, mỗi khi Tổng Bí thư có bài phát biểu quan trọng ở bất cứ hội nghị, buổi gặp gỡ nào tôi đều đọc và theo dõi sát sao. Qua cách chỉ đạo, nói chuyện của Tổng Bí thư, tôi cảm nhận được “cái tâm” đau đáu của một người lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn hết lòng với nước với dân, nhưng lại có sự thân mật, ân tình, ấm áp và gần gũi như của một người trong gia đình. Đối với đội ngũ doanh nhân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tới việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và cống hiến là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị”.

Rất nhiều lần, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói đến vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tổng Bí thư cũng nêu cao tinh thần của đội ngũ doanh nhân trong hoàn thiện và vận động đội ngũ doanh nhân thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hoá kinh doanh, gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận tinh hoa văn hoá kinh doanh thế giới.

Điều này thể hiện rõ nét khi ngay trong nhiệm kỳ đầu đảm nhiệm cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, ngày 9-12-2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW, về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tiếp nối tinh thần này, 12 năm sau, Bộ Chính trị dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10-10-2023, về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đồng chí Bí thư Chi bộ Công ty cổ phần CCB Hải Dương - Phạm Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội DNDN CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh Hải Dương cho biết: “Nghị quyết số 41 ra đời với những quan điểm rất mới, rất mạnh mẽ trong phát triển đội ngũ doanh nhân nước ta; lần đầu tiên đội ngũ doanh nhân được khẳng định có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Nghị quyết này được xem là liều thuốc đặc trị, là nguồn cảm hứng, chấn hưng tinh thần cho doanh nhân tiếp tục tin vào chính mình, vào sứ mệnh của doanh nhân với đất nước trong thời kỳ mới”.

Cũng theo CCB Phạm Mạnh Hùng, một vấn đề được đánh giá là rất sâu sắc mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh với các doanh nghiệp, doanh nhân về một số nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, đó là: Lấy đạo đức, văn hoá kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật; nâng cao vai trò của doanh nhân đóng góp cho ngoại giao kinh tế, đối ngoại nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hoá Việt Nam. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp đối với xã hội, nhất là trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ bảo đảm chất lượng; giữ gìn uy tín, thương hiệu doanh nghiệp; chú trọng bảo vệ môi trường; lên án, ngăn chặn, kiên quyết xử lý doanh nhân, doanh nghiệp vi phạm đạo đức, văn hoá kinh doanh, vi phạm pháp luật… Với doanh nhân CCB Phạm Mạnh Hùng: “Trong kinh doanh phải tôn trọng chữ “tín”. Mất tiền hay bị thua lỗ thì vẫn làm lại được; mất uy tín, thương hiệu là mất tất cả”.

Vĩnh biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng! Vĩnh biệt một con người luôn coi “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”! Vĩnh biệt một tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về đạo đức cách mạng trong sáng, “chí công vô tư”…, đội ngũ doanh nhân Việt Nam, đặc biệt là những doanh nhân CCB nguyện đoàn kết, đồng lòng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tiếp tục nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức; cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hoàn thành tốt các mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra; xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh hơn, hạnh phúc hơn.

Vũ Minh