Đến dự Hội nghị có các đồng chí: Trương Tấn Sang- Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Nguyễn Thị Kim Ngân- Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị; lãnh đạo UBND, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành; lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN và các sở, ban, ngành TP Đà Nẵng cùng gần 400 đại biểu tiêu biểu đại diện cho 8,8 triệu người có công trong cả nước…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: “Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2012 diễn ra trong không khí cả nước có những hoạt động thiết thực hướng về kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2012). Đây là dịp để Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tưởng nhớ, tri ân những người anh hùng đã hy sinh xương máu, tuổi xuân cho Tổ quốc; là thể hiện của đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; đồng thời biểu dương những gương tiêu biểu là những người có công với cách mạng đã có những hy sinh, cống hiến vì độc lập, tư do cho Tổ quốc, nay lại tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, phấn đấu vươn lên trong các lĩnh vực lao động, sản xuất, học tập và công tác trong thời kỳ đổi mới của đất nước”.

Đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền cũng khẳng định: Qua mọi thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn có đường lối nhất quán trong công tác thương binh, liệt sỹ và người có công. Điều đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước ta đối với người có công với nước. Đồng chí cho biết: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác chăm sóc người có công 65 năm qua đã phát triển một cách vững chắc, sâu rộng và ngày càng được xã hội hóa cao. Phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm, thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh vì nước và đó cũng là nét đẹp văn hóa truyền thống và đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã ghi nhận và biểu dương công tác người có công của các địa phương, đơn vị trong cả nước trong thời gian qua. Đồng thời Chủ tịch nước cũng bày tỏ sự vui mừng, tự hào và khâm phục trong điều kiện còn hết sức khó khăn, bằng ý chí, nghị lực của mình, nhiều thương- bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với nước đã không ngừng phấn đấu vươn lên trong lao động, sản xuất, học tập, công tác, không chỉ chăm lo cho cuộc sống gia đình mà còn tiếp tục có những cống hiến, đóng góp cho quê hương, đất nước, tiếp tục phát huy phẩm chất cao đẹp và nêu gương sáng để mọi người học tập, noi theo.

Về nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian tới, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp, các ngành, các địa phương phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục và triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, bổ sung cơ chế chính sách của Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội động viên, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các cá nhân và tổ chức có lòng hảo tâm với người có công với nước tham gia tích cực, bằng nhiều hình thức phong phú, năng động, sáng tạo vào các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, làm cho phong trào “Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với nước” thực sự trở thành một phong trào xã hội rộng lớn, đem lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Chủ tịch nước cũng mong muốn, các thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công tiếp tục giữ gìn và phát huy phẩm chất cao đẹp, nỗ lực phấn đấu vươn lên trong học tập, công tác, sản xuất, kinh doanh để không ngừng cải thiện đời sống gia đình, đóng góp cho quê hương, đất nước, trở thành những công dân kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu, là niềm tự hào mãi mãi và tấm gương sáng cho con cháu noi theo.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Bùi Hồng Lĩnh đã báo cáo tình hình và kết quả công tác người có công trên địa bàn cả nước thời gian qua và nêu lên một số phương hướng, nhiệm vụ của công tác này trong thời gian tới. Thứ trưởng Bùi Hống Lĩnh cho biết: 65 năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm giải quyết, làm tốt vấn đề người có công. Trong đó, hệ thống các văn bản pháp luật về ưu đãi đối với người có công ngày càng hoàn thiện, cơ bản đã thể chế hóa được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công. Cùng với đó, đối tượng người có công được mở rộng, chế độ ưu đãi tăng đã đảm bảo sự công bằng và đồng thuận xã hội. Mặt khác, các hoạt động chăm sóc người có công được duy trì thường xuyên; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, đền đài liệt sỹ được Nhà nước và toàn xã hội chăm lo; phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được phát triển rộng khắp.

Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh cho biết, chỉ tính riêng từ năm 2007 đến nay, “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” cả nước đã vận động được 1.263 tỷ đồng. Từ số tiền này, hàng năm Trung ương đã phân bổ, hỗ trợ cho các tỉnh, thành trong cả nước xây mới, sửa chữa nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách, ủng hộ gia đình chính sách gặp thiên tai, bão lụt, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa… với tổng trị giá lên tới 14,567 tỷ đồng; đồng thời hỗ trợ cho 187 thương- bệnh binh nặng của các trung tâm nuôi dưỡng về sinh sống tại gia đình với số tiền hơn 5,2 tỷ đồng. Đến nay, với sự quan tâm của Nhà nước và sự chung tay của xã hội, 100% Bà Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được nhận chăm sóc, phụng dưỡng đến cuối đời; 95% xã, phường được công nhận là xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công; hơn 96% gia đình người có công đã có mức sống trung bình trở lên.

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe một số tham luận của các cá nhân là người có công đã nỗ lực vượt qua khó khăn để đóng góp cho xã hội. Anh Nguyễn Duy Nở (xã Hoằng Đại, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất đốc hóa học, với ý thức tự lập, tự cường, dám nghĩ, dám làm đã thành lập Công ty Hoàng Tuấn (từ năm 2002), giải quyết công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục lao động, hàng năm đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng và đóng góp hàng trăm triệu đồng vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tỉnh nghĩa, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó.

Chị Đặng Thị Bảy (ấp Hưng Mỹ Tây, xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), thương binh ¼ đã đi bán vé số cùng với số tiền dành dụm trong 12 năm 6 tháng từ tiền lương thương binh của mình với số tiền 72 triệu đồng đã đóng góp 70 triệu đồng để ốp gạch men lên toàn bộ 144 ngôi mộ tại Nghĩa trang liệt sỹ xã.

Anh Lê Thanh Hải (xã An Hòa, huyện An Dương, TP Hải Phòng), là thương binh 2/4 đã tập hợp 18 anh em thương binh khác thành lập Hợp tác xã và đến nay đã phát triển thành một doang nghiệp có sự phát triển nhanh và vững mạnh, mang lại doanh thu lớn và nộp thuế vượt chỉ tiêu ngân sách nhà nước, đảm bảo việc làm ổn định cho trên 126 lao động thường xuyên và trên 120 lao động thời vụ với thu nhập bình quân 4,8 triệu đồng/người/tháng, đồng thời đã nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh nặng và làm các công tác từ thiện xã hội với số tiền đóng góp trên 855 triệu đồng.

Anh hùng Lực lượng Vũ trang Phạm Thị Thao (Tổ 10, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) hiện nay tham gia nhiều hoạt động, công tác tại Phường và đã cùng tập thể Ban Thường vụ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Hòa Cường Nam vận động xây dựng Quỹ vì người nghèo, sửa chữa, xây dựng 70 ngôi nhà đại đoàn kết với số tiền 450 triệu đồng, trợ cấp khó khăn cho 215 trường hợp với số tiền 86 triệu đồng.

Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Kpă Ó (dân tộc Jarai, làng Bạc 1, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã tích cực truyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không nghe lời kẻ xấu….

Dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã trao tặng cho các cá nhân người có công tiêu biểu tham dự Hội nghị nhiều Bằng khen, giấy khen ghi nhận những cống hiến, đóng góp và sự nỗ lực vươn lên của họ./.

Cao Thúy