Tôi tìm “Cháu gái Xuân Lộc”
Tôi là chiến sĩ thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325. Sau trận đánh mở màn vào thị xã Buôn Ma Thuột trong Chiến dịch Tây Nguyên, đại đội tôi tiếp tục tiến quân đánh địch hai bên quốc lộ 20 về hướng thị xã Xuân Lộc.
Khoảng 9 ngày 17-4-1975, đại đội triển khai đội hình chiến đấu trong rừng cây rậm rạp trên một sườn đồi. Quan sát qua cánh đồng, chúng tôi thấy nhiều xe thiết giáp địch đang đậu thành hàng ngang ở bên kia bìa rừng cao su. Trên xe địch dùng ống nhòm quan sát về phía quân ta. Với nhạy cảm của người lính trong cuộc, chúng tôi biết trận chiến đấu sắp diễn ra.
Đại đội trưởng Lê Ngọc Viễn đi khắp trận địa động viên cán bộ, chiến sĩ triển khai nhanh công sự chiến đấu. Còn Chính trị viên phó đại đội Lê Cư thì đến các tiểu đội động viên từng chiến sĩ với tinh thần “Còn người, còn trận địa” như trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị và “Táo bạo, quyết thắng” như các trận đánh mở màn vào thị xã Buôn Ma Thuột.
Liền đó, pháo kích địch từ phía Trảng Bom cấp tập bắn vào đội hình chiến đấu của đơn vị. Bên kia cánh đồng, xe tăng, thiết giáp địch cũng xuất kích. Trận chiến giữa quân ta và quân địch diễn ra trong thế trận giằng co, quyết liệt, đất đá cày xới tứ tung, khét lẹt mùi súng đạn bom, cây cối gãy đổ ngổn ngang, thân cây rách toác bởi mảnh pháo và đạn bắn thẳng.
Sau hơn 3 giờ chiến đấu, quân địch thua đau, chúng gọi pháo điên cuồng tấn công trở lại với mật độ dày đặc pháo kích, cùng với súng 12,8 ly trên xe tăng địch bắn như vãi đạn, nhưng không thể đẩy lùi được tinh thần chiến đấu gan dạ, kiên cường của bộ đội ta.
Để bảo toàn lực lượng, cấp trên lệnh cho Đại đội rút quân lùi về tuyến sau. Nhưng tôi và hai chiến sĩ bị thương chưa theo kịp đội hình đơn vị thì đã thấy ngay sau lưng bộ binh địch đuổi theo. Chúng muốn bắt sống chúng tôi. Lúc ấy, như có sức mạnh kỳ diệu cả 3 nhảy xuống bụi chuối bên bờ suối. Quân địch ập đến vừa bắn vừa hô to “Có 3 Việt Cộng vừa xuống đây phải bắt sống”.
Trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc, tôi phó mặc cho số phận. Nhưng do tôi bị mắc trong lùm cây, trời lại tối nên địch không phát hiện được. Địch rút, tôi dùng hết sức để lách ra khỏi bụi cây, nhưng không được. Tôi thiếp đi từ lúc nào không biết. Tỉnh giấc nghe đâu đó có tiếng gà gáy, tiếng chân đi với tiếng lách cách của súng đạn. Nhìn qua khe lá nơi bờ cao, tôi thấy bộ đội ta trong tư thế tiềm nhập, chiếm lĩnh trận địa. Mừng qua, tôi định cất tiếng gọi nhưng sợ lộ bí mật lại nằm im. Và bất ngờ, phía bên kia bờ suối xuất hiện một ông cụ đầu quấn khăn, râu bạc phơ, trên tay cầm cái mác nhọn, cán dài tiến đến. Liền đó, tôi đưa tay về bên phải thắt lưng nơi có 4 quả lựu đạn mỏ vịt và nói “Đứng lại nếu không ông sẽ chết”.
Ông cụ nói: “Tui không có ý hại ông mà muốn cứu giúp ông”. Ông cụ chạy đến chặt đứt những sợi dây lằng nhằng quấn vào thân tôi, rồi cố hết sức kéo tôi vào bờ, nhưng không đựơc, vì chân trái tôi tê liệt bởi vết thương dài phía dưới sườn bên mông trái. Để tôi lại, ông cụ đi lên bờ gọi một cháu gái chừng 16 tuổi. Nhìn thấy tôi, tay chân cháu run lập cập quỳ gối, miệng nói “lạy Chúa”. Thấy vậy, ông nói “Gọi mi ra đây để lôi ông Cộng sản bị thương vào bờ có chi mà sợ hãi”.
Vừa nghe 2 tiếng Cộng sản, cháu gái ông chạy vội lên bờ. Ông cụ cùng chạy theo nói gì đó với cháu gái. Lát sau, cháu cầm ra một ca nước nóng nhưng vì tay run làm đổ tung tóe xuống đất. Sực nhớ đến thắt lưng bên trái, nơi đó có túi bằng cứu thương cá nhân, tôi lấy đưa cho ông cụ. Ông nhanh tay cầm lấy băng vết thương cho tôi, rồi hai ông cháu dìu tôi vào một lán nhỏ trong vườn cây đầy hoa, trái chín, kế bên có căn hầm xây bằng gạch khá kiến cố. Tại đây, ông bóc chuối, cháu cắt xoài cho tôi ăn. Vừa cắt xoài, cháu vừa khẽ hỏi “Việt cộng là răng rứa ông”. Tôi giải thích: “Việt cộng” là cái tên do quân ngụy đặt ra. Đúng tên gọi là “Quân giải phóng” hay “Giải phóng quân” với chung tên gọi là Bộ đội Cụ Hồ…
Phía đông ánh hồng hửng sáng, tôi nghĩ không thể ở laị lâu với ông cháu ông được nữa. Thấy tôi loạng choạng bước đi trong khó khăn, ông cụ chạy đến dìu tôi men theo bờ suối trên quãng đường khá xa. Bỗng phía sau bụi tre một tiếng quát của một phụ nữ “Đứng lại”… Đó là một nữ du kích. Biết tôi là bộ đội giải phóng, chị chạy đến cùng ông cụ dìu tôi vào hầm. Trong hầm đã có một số đồng chí thương binh.
Khi ông cụ về, tôi nói với ông, nơi bờ suối còn 2 đồng đội của tôi ở đó.
Đến trưa 18-4, chiến sự lại diễn ra ác liệt… Khoảng 21 giờ ngày 19-4, Đại đội 9 quân số chỉ đếm được trên đầu ngón tay, do hi sinh và bị thương. Cấp trên điều một đại đội khác của Sư đoàn 341 vào thay thế Đại đội 9.
Sau gần 2 giờ rút quân, chúng tôi được vào ở trong nhà của dân. Nói là nhà dân nhưng ai nấy đều chọn cho mình một nơi mắc võng và đào sẵn kế bên công sự sẵn sàng chiến đấu. Trên cánh võng đu đưa hưởng làn gió mát, ngắm trăng muộn, nhưng quân áo của tôi bốc mùi khó chịu. Định vào nhà dân xin phép, nhưng mọi người đã ngon giấc, tôi đến bên bể nước tắm giặt. Bỗng nhiên xuất hiện một phụ nữ trên tay cầm ngọn nến đi đến. Tôi xin lỗi về sự tùy tiện này. Người phụ nữ chằm chằm nhìn tôi và nói: “Ông cộng sản, có phải ông là người hôm trước được hai ông cháu cứu giúp bên suối?”...
Tắm giặt xong, quần áo được khoác lên tán lá cà phê trong vườn và tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Khoảng 5 giờ sáng hôm sau, chiến sĩ liên lạc Nguyễn Văn Nam (quê Hải Dương) đến đánh thức dậy; với tác phong của người lính chiến trận, tôi bật dậy cuốn võng thu xếp tư trang.
Khi đang hưởng làn nước mát rửa mặt buổi sáng thì một phụ nữ chạy đến nắm tay tôi và nói: “Ông cộng sản đi à” và nhét vội vào túi áo ngực của tôi một mảnh giấy.
Chiều 30-4-1975, khi còn ở vòng ngoài của Dinh Độc Lập, tôi ngả lưng vào gốc cây cùng với cây súng B41, lấy mảnh giấy của cô gái gửi trong túi ngực ra đọc: “Chào ông. Cho cháu được gọi ông bằng ông cộng sản, cho dù cháu đã biết về ông, qua lời giải thích của ông và nội cháu (nội cháu cũng là người ngoài nớ vô đây lâu rồi). Ý thức trong cháu lúc này luôn nghĩ đến cái đẹp về “Anh Giải phóng quân” và dành tên gọi này chờ đến ngày nếu sau này được gặp lại ông. Điều xấu xa và nỗi sợ hãi khi nghe tuyên truyền về cộng sản trước đây đã biến mất trong tâm trí cháu. Gần đây, mỗi khi nghe đài và xem vô tuyến thấy Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nói “Tử thủ Xuân Lộc bằng mọi giá, nếu để mất Xuân Lộc là để mất Sài Gòn vào tay cộng sản”. Biết các ông sẽ đến nơi đó. Sài Gòn sẽ là nơi diễn ra chiến trận ác liệt…. Cháu cầu nguyện với Chúa ban phước lành cho ông được an lành, yên bình… Cháu gái Xuân Lộc, ngày 20-4-1975”.
Đã gần 40 năm chiến tranh đã đi qua, tôi chưa có điều kiện quay lại để tìm gặp cám ơn hai ông cháu đã cứu giúp tôi trong lúc bị thương. Tôi viết lại câu chuyện này và mong tìm lại được “Cháu gái Xuân Lộc”. Ai biết “Cháu gái Xuân Lộc” xin báo giúp tôi qua địa chỉ của Báo CCB Việt Nam.
Nguyễn Nhân Mùi