Tôi tham gia Chiến dịch Nguyễn Huệ
Vào một ngày tháng 12, tôi đến thăm Đại tá Nông Đức Lâm tại nhà riêng ở khu Na Đâu, thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn). Trong phòng khách của gia đình, ông chuyện trò với tôi thật cởi mở, thân tình. Tôi chăm chú lắng nghe ông kể về một thời quân ngũ, và ấn tượng nhất là kỷ niệm ông tham gia Chiến dịch Nguyễn Huệ - 1972.
Nhớ về sự kiện tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ, CCB Nông Đức Lâm kể:
“…20 tuổi tôi nhập ngũ, được biên chế vào Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 368 Pháo binh, Bộ Tư lệnh 351. Sau 1 tháng huấn luyện ở ngoài Bắc thì hành quân vượt trường Sơn vào Nam chiến đấu. Tôi được tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, mỗi trận đều có những kỷ niệm riêng. Nhưng Chiến dịch Nguyễn Huệ giải phóng Bình Long năm 1972 là một kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với tôi.
Tiểu đoàn tôi (thời điểm đó tôi là Tiểu đoàn trưởng) được giao nhiệm vụ đánh, giải phóng thị xã An Lộc. Đây là đợt thứ 3.
Ngày 5-4-1972, Tiểu đoàn được Sư đoàn điều xuống khu vực Chơn Thành làm nhiệm vụ bắn chi viện cho chốt chặn khu vực Tàu Ô đường 13. Khu vực này có 2 chốt chặn là 2 quả đồi. Chốt phía đông đường do một đơn vị của Trung đoàn 209, Sư đoàn 7 đảm nhiệm. Sư đoàn trưởng Nguyễn Thới Bưng giao cho tôi làm Cụm trưởng pháo binh gồm lực lượng pháo binh của Tiểu đoàn và 2 đại đội lựu pháo 105 của Đoàn pháo binh Biên Hòa tăng cường. Lực lượng phòng không bảo vệ các trận địa pháo là toàn bộ lực lượng súng phòng không của Tiểu đoàn 24, có 18 khẩu 12,7ly, do đồng chí Tiểu đoàn phó, Tham mưu trưởng phụ trách. Chúng tôi nhận nhiệm vụ bắn chi viện cho lực lượng bộ binh ta từ ngày 8-5 đến 19-7-1972.
Cuộc chiến đấu giữa ta với Sư đoàn 18 ngụy diễn ra vô cùng ác liệt. Ta và địch giành giật nhau từng tấc đất. Trận địa mịt mù khói lửa. Đất trời rung chuyển. Mỗi ngày địch tổ chức tấn công lên chốt ta 7-8 lần, có ngày tới 12 lần, lại được các trận địa pháo lớn 155 và 175 ly của địch ở Lai Khê bắn yểm trợ. Giữa hai đợt tấn công là máy bay đến ném bom, bắn phá như vãi đạn xuống trận địa chúng tôi. Từ đài quan sát tôi thấy, mỗi trận bom nhiều căn hầm của chúng ta bị sập, cây lát hầm văng lên tơi tả. Thương vong của bộ đội ta quá lớn.
72 ngày đêm nằm hầm, ăn gạo rang, uống nước hố bom. Trong gian khổ khốc liệt nhưng chúng tôi kiên quyết bám trụ không để mất chốt.
Đến ngày 19-7-1972, địch cho 2 tiểu đoàn bộ binh được máy bay và pháo binh yểm trợ liên tục tấn công lên chốt. Đến đợt thứ 12 thì một đại đội bộ binh (Trung đoàn 3, sư đoàn 9) hết đạn phải dùng cuốc, xẻng, lưỡi lê đánh giáp lá cà với địch. Đến 4 giờ chiều ngày 19-7-1972, đại đội chỉ còn 2 chiến sĩ sống sót, chạy về báo cáo, nói trong nước mắt: “Anh em đã nằm lại ở chốt hết rồi…”.
Đêm 20-7-1972, Trung đoàn 3 được bổ sung quân số, tổ chức tập kích để lấy lại chốt, có lực lượng pháo binh tiểu đoàn 22 và 2 đại đội pháo binh 105 Đoàn 75 chi viện. Đúng 12 giờ đêm lệnh tấn công bắt đầu. Sau những giờ giao chiến ác liệt nhưng ta cũng chỉ lấy lại được 2 chốt. Đêm 21-7, ta lại tổ chức tấn công lần hai nhưng vẫn không giành được thắng lợi, gần 50% chốt vẫn do địch chiếm giữ. Đến 9 giờ sáng ngày 22-7, địch cho máy bay đến ném bom bắn phá vào trận địa ta rất ác liệt. Một quả bom chùm rơi cách hầm tôi gần lắm. Cây đà hầm bị gãy, sập xuống. Tôi bị thương nhiều chỗ trên cơ thể, vết trên đầu là nặng nhất, máu chảy ròng ròng… Một vài hầm của các chiến sỹ ta bên cạnh cũng sập, một số chiến sĩ hy sinh và bị thương. Ít giờ sau lực lượng ta được củng cố và tăng cường. Những trận chiến đấu ác liệt lại diễn ra. Quyết tâm của ta là “Một tấc không đi, một ly không rời”, “Bám thắt lưng địch mà đánh”... Cuối cùng chúng tôi đã lấy lại hoàn toàn được chốt”.
Kể đến đây, ông đưa tay rẽ mảng tóc cho tôi xem vị trí của mảnh đạn vẫn nằm trong sọ não. Ông bảo, “Những hôm trở trời “nó” cũng hành hạ mình lắm đấy. Nhưng không bỏ đi được, đẩy được “nó” đi thì mình cũng “đi” luôn (bác sĩ bảo thế). Thôi đành sống chung vậy.” Rồi ông cười đầy chất lính.
Miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, theo yêu cầu của quân đội, ông được điều về Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn, làm Chủ nhiệm Pháo binh. Đến năm 1984, được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Quân sự tỉnh Lạng Sơn cho đến năm 1990, ông nghỉ hưu.
Đại tá Nông Đức Lâm kể, Trương Thọ ghi