Tội phạm công nghệ cao ngày càng tăng
Theo các cơ quan chức năng, các thủ đoạn mà loại tội phạm này thường sử dụng là: Phát tán virus, phần mềm gián điệp, spam; sử dụng trái phép dữ liệu, đưa thông tin trái phép lên mạng; điều khiển bí mật bất hợp pháp máy tính, mạng máy tính; tấn công trang web, tìm kiếm sử dụng thông tin thẻ tín dụng để mua bán phần mềm, ship hàng qua mạng; rao tin chuyên bán bằng cấp, giấy tờ, chứng chỉ giả trên mạng… nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; lập topic để đăng bán hàng trên mạng, chỉ định tài khoản để chuyển tiền nhưng sau đó không chuyển hàng hoặc chuyển hàng không đúng chủng loại và chất lượng để chiếm đoạt tài sản; sử dụng các thiết bị, phần mềm chuyên dụng tấn công vào các website bán hàng trực tuyến để cản trở, dò lấy mật khẩu, tài khoản của khách hàng để quảng cáo, bán kiếm lời hoặc rao bán lại tài khoản trên mạng cho người khác, gây thiệt hại cho khách hàng và uy tín các doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực ngân hàng, các đối tượng sử dụng máy tính đột nhập vào cơ sở dữ liệu của ngân hàng lưu trữ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng… để làm thẻ tín dụng giả nhằm rút tiền từ máy ATM, trả tiền cho các dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, mua hàng, mua vé máy bay, mua hàng trực tuyến… Chúng còn mua lại thông tin thẻ tín dụng của các tội phạm công nghệ cao khác để bán kiếm tiền chênh lệch, gây thiệt hại lớn cho chủ tài khoản.
Mạng xã hội cũng là mảnh đất màu mỡ cho các loại tội phạm công nghệ cao kiếm lợi bất chính. Các đối tượng giả làm người nước ngoài làm quen với nhiều người trên mạng xã hội, sau đó tặng quà gửi từ nước ngoài về Việt Nam. Để nhận được món quà này, đối tượng sẽ gọi điện giả làm nhân viên hải quan yêu cầu nạn nhân nộp tiền phí hoặc tiền thuế qua một tài khoản cho sẵn nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Thông qua mạng xã hội, tội phạm công nghệ cao còn đánh cắp mật khẩu, tài khoản Facebook của người dùng sau đó nhờ mua thẻ cào điện thoại của các nhà mạng với nhiều lý do khác nhau nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng còn lập các website, kho ứng dụng cho điện thoại di động, máy tính bảng với nhiều ứng dụng rất “hot” nhằm lừa người sử dụng mạng xã hội click vào để chiếm đoạt tiền của họ. Nguy hiểm hơn, ẩn trong các link ứng dụng này có thể là các mã độc có khả năng gửi tin nhắn về tổng đài để chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người sử dụng và đánh cắp các dữ liệu như: ảnh, video, danh bạ, tin nhắn, thông tin về tài khoản Facebook, E-mail, tài khoản ngân hàng… của người bị hại.
Ngoài ra, theo thông báo của Bộ Công an thì trong vụ án nêu trên, hoạt động tổ chức đánh bạc qua game bài có quy mô “khủng” như vậy còn do việc quản lý hoạt động phát hành và sử dụng thẻ cào lỏng lẻo, khiến các thẻ cào dễ dàng trở thành phương tiện thanh toán cho các dịch vụ ngoài viễn thông là đánh bạc trực tuyến. Đặc biệt, các cổng trung gian thanh toán có vai trò quan trọng trong hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến (các doanh nghiệp viễn thông được hưởng từ 15,5-16,3% số tiền chơi bạc từ thẻ cào) nhưng việc quản lý còn rất lỏng lẻo, khiến các doanh nghiệp trung gian thanh toán dễ dàng cung cấp dịch vụ cho game bài trong thời gian dài. Trong khi đó, hoạt động này không được Ngân hàng Nhà nước coi là hoạt động trung gian thanh toán để quản lý, còn Bộ Thông tin và Truyền thông không quản lý hoạt động thanh toán bằng thẻ cào.
Trước tình trạng này, ngày 16-3, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã có ý kiến chỉ đạo, giao các cơ quan chức năng rà soát tình hình thanh toán trên Internet liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời đề xuất biện pháp quản lý, xử lý cụ thể.
Mặt khác, các tổ chức, cá nhân cần nêu cao cảnh giác để tránh bị lừa. Tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, kịp thời tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật có sử dụng công nghệ cao với cơ quan chức năng. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên trách trong quá trình xác minh làm rõ tội phạm sử dụng công nghệ cao, cung cấp các thông tin, tài liệu cần thiết có liên quan cho cơ quan chuyên trách khi được yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Trần Thịnh