Tôi được truy điệu sống trên đường Trường Sơn
Những cung đường vận tải trến đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ.
Mùa khô năm 1967-1968, Binh trạm 32 bước vào chiến dịch vận chuyển quy mô lớn chi viện chiến trường phục vụ Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân - 1968. Các đơn vị xe luôn quay vòng tăng chuyến, chở hàng từ Hương Khê, Hà Tĩnh vào giao cho tổng kho 050 và Xóm Péng (Lào). Lái xe nào đạt 10 chuyến/tháng trở lên được thưởng một chiếc đồng hồ Poljot (Liên Xô). Các nữ lái xe chỉ cần đạt 5 chuyến là được thưởng, như các cô: Thanh, Vân, Xuân. Tôi là một trong số anh em đạt 13 chuyến trở lên/tháng.
Đêm 12-11-1967 âm lịch, trăng dát vàng trên sườn núi và soi rõ những con đường nham nhở hố bom. Có ai quý ánh trăng như lính lái xe Trường Sơn chúng tôi lúc này! Qua Thanh Lạng, Khe Nung, Ca Tang…, sắp đến Khe Ve, khoảng 50km nữa là đến Cổng Trời, tôi đang nhẩm tính thì nghe mấy phát AK báo hiệu tắc đường ở km 68. Nguyễn Văn Túy - phụ xe trèo lên thùng xe, nhìn khắp trọng điểm rồi nói vọng xuống:
- Anh Oanh ơi, xe nằm dài lắm!
Rồi cậu ta ngâm nga:
Đành lòng chờ đó ít lâu
Chầy ra thì một giờ sau lên đường.
Tôi phì cười, nhìn đồng hồ, đã 3 giờ sáng. Tại căn hầm nửa chìm, nửa nổi khá rộng có ánh đèn dầu vàng khè cạnh trạm barie có mấy người đi lại, vẻ rất sốt ruột. Tôi nhận ra anh Vũ Văn Thặng - Chính trị viên và anh Nguyễn Đình Hoành - Chính trị viên phó Đại đội 9 đang trao đổi với mấy anh bên công binh. Đứng bên ngoài, nhưng tôi nghe khá rõ:
- Từ 20 giờ, máy bay địch đã hai lần ném bom tọa độ, có nhiều quả trúng mặt đường ở km 68, có cả bom từ trường và bom nổ chậm ở cua tay trái. Chúng tôi đã dùng mìn kích nổ, nhưng “bọn này” nằm sâu quá…
Bỗng có mấy người bước nhanh vào hầm, trông như lính đặc công: quần đùi, chân trần, áo bông, đầu đội mũ sắt. Ai cũng thở gấp như chạy bộ về đây. Một người gạt mồ hôi trên trán, nói gấp gáp:
- Báo cáo các anh, chúng tôi đã dùng gần chục thùng phi loại 100, nhưng đều lăn xuống vực cả. Dây dài 30m là khoảng cách tối thiểu, khi kéo vừa xuống dốc, vừa vào cua, dây bị chùng lại, thùng phi theo đà lăn thẳng xuống vực, nhanh hơn cả người, mất hết tác dụng…
Anh Thặng và anh Hoành nói nhỏ với nhau điều gì đó, tôi nghe không rõ. Mấy phút sau, tất cả lái xe các Đại đội 9, 11, 22 được triệu tập đến họp gấp. Anh Thặng là người chỉ huy cao nhất ở đây quán triệt:
- Thưa các đống chí, chiến trường miền Nam đang từng giờ từng phút cần súng đạn của chúng ta chuyển vào, nếu chậm trễ, chúng ta có tội với đồng bào miền Nam. Không còn cách nào khác, chúng ta phải dùng ngay xe ô tô để phá bom từ trường. Thay mặt lãnh đạo và chỉ huy, tôi kêu gọi các đồng chí cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên… hãy xung phong làm nhiệm vụ, dám hy sinh trước giờ chiến thắng…
Anh Thặng vừa dứt lời, hàng trăm cánh tay giơ lên kèm theo:
- Tôi xung phong…!
Sau mấy phút hội ý, Ban Chỉ huy đại đội chọn hai người: Anh Bùi Văn Vinh quê Hòa Bình và tôi Nghiêm Xuân Oanh người Hà Nội. Tôi nói:
- Anh Vinh lái xe từ năm 1963, là một lái xe giỏi, đã có nhiều thành tích, tôi tin là anh Vinh sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng gia đình anh Vinh lại có vợ và ba con gái còn nhỏ… Tôi chưa vợ con, nếu hy sinh vẫn còn một em trai và các chị em gái sẽ phụng dưỡng cha mẹ già, tôi ra đi sẽ thanh thản hơn. Và đây là thể hiện lòng trung thành với Đảng của người đảng viên trong tôi… Cách đây 21 năm, những người cha, người anh của Thủ đô đã “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Nay đến thế hệ chúng tôi cũng dám xả thân vì con đường mang tên Bác, vì cách mạng miền Nam. Đề nghị các đồng chí và Ban Chỉ huy chấp thuận đề nghị của tôi.
Tôi vừa dứt lời, tiếng vỗ tay như pháo nổ. Anh Vinh đứng lên nói tiếp:
- Anh Oanh còn trẻ, còn nhiều cống hiến cho cách mạng, việc này phần tôi…
Cuối cùng anh Thặng tuyên bố:
- Ban Chỉ huy chấp thuận nguyện vọng của đồng chí Oanh!
Ngay lập tức, mọi người ùa vào chuyển những hòm đạn của xe tôi sang xe khác và đứng quây xung quanh chiếc xe Gát màu cỏ úa của tôi thành một hình vòng cung, để làm lễ truy điệu. Anh Vũ Văn Thặng đứng đối diện với tôi ở đầu xe, và đọc lời điếu:
“Thưa các đồng chí!
Đồng chí Nghiêm Xuân Oanh sinh trưởng trong một gia đình công nhân, quê ở Láng Thượng, Từ Liêm, Hà Nội. Lớn lên được học dưới mái trường XHCN. Năm 1965 vừa tròn 20 tuổi, đồng chí gia nhập quân đội, vào Nam chiến đấu và đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đêm nay, cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù ngay tại trọng điểm Khe Ve này, đồng chí đã xung phong làm nhiệm vụ, cầm chắc sự hy sinh, cống hiến tuổi xuân cho Tổ quốc. Phần việc còn lại của đồng chí, chúng tôi sẽ gánh vác.
Trước giờ phút linh thiêng này, chúng ta vĩnh biệt đồng chí Nghiêm Xuân Oanh. Chúc đồng chí hoàn thành nhiệm vụ và trở về đội ngũ chiến đấu, dù chỉ một phần nghìn tia hy vọng.
Tất cả vì miền Nam ruột thịt!
Nghiêm! Một phút mặc niệm bắt đầu!”.
Trước mắt tôi khi đó là những đồng đội đã từng sát cánh trên từng kilômet, đang đứng nghiêm trang, ngực mang áo giáp, mũ sắt trên đầu và hơi cúi xuống, trông mờ mờ ảo ảo như những chiến binh cổ đại. Không gian tĩnh lặng… Rồi những tiếng khóc bật ra:
- Anh Oanh ơi! Vĩnh biệt, vĩnh biệt. Anh không thể chết…!
Mọi người ôm chặt lấy tôi; người nắm tay, người vỗ vai, như truyền cho tôi thêm sức mạnh trước giờ xung trận. Tôi đưa chiếc ba lô con cóc của mình cho anh Hoành - Chính trị viên phó Đại đội 9 và nói:
- Nếu em không trở về, anh trao chiếc ba lô này cho mẹ em và nói lại là: Con trai của mẹ đã làm đúng lời mẹ dặn khi vào bộ đội, đã sống bằng anh bằng em và xứng danh là thanh niên Hà Nội.
Tôi nhìn chiếc đồng hồ (được thưởng bởi thành tích vận chuyển), đã 3 giờ 45 phút và cởi ra tặng lại anh Nguyễn Văn Thức - lái xe, quê Bắc Ninh. Chiếc bút máy, tôi tặng anh Nguyễn Văn Túy - phụ xe của tôi… Nhìn khắp lượt mọi người, tôi bình tĩnh, tự tin bước lên buồng lái nổ máy, bật đèn gầm, đèn quả nhót và dõng dạc:
- Báo cáo Đại đội trưởng, tôi Nghiêm Xuân Oanh đã sẵn sàng!
- Xuất phát - anh Thặng hô.
Tôi giơ tay vẫy mọi người và cùng con “tuấn mã Trường Sơn” mang biển số BB-1960 lao đi…
Chỉ mấy phút sau, tôi bỗng thấy xe rung lên, ánh chớp loằng ngoằng chói lòa và một tiếng nổ rất trầm; tiếng đất đá rơi rào rào; còn người mình bồng bềnh như đi trên mây…
- Nước,… nước… Tôi thấy khát cháy cổ và kêu lên: Anh Thặng ơi, xe qua chưa?
- Anh Oanh tỉnh lại rồi, sống rồi!
Tôi nghe tiếng một cô gái reo lên, rồi nhiều bước chân đi lại rậm rịch, tiếng nói thì thào. Đầu tôi vẫn nóng như hòn than, nặng trịch, cổ họng khát cháy; chung quanh là màn đêm mung lung.
- Tôi đang ở đâu thế này? Tôi không thấy gì cả…!
Tiếng cô gái như muốn reo lên:
- Anh đang được cấp cứu ở Đội điều trị 14, ở hang Hóa Tiến. Còn em là Nga - y tá, quê Yên Mô đây…!
Sau này, khi “thần chết” đã buông tha, bình tâm nhớ lại và qua anh em cho biết, tôi mới hình dung được những gì xảy ra với tôi trong đêm vượt trọng điểm Khe Ve.
Do xuống dốc với tốc độ cao, xe lướt nhanh trên mặt đường. Bom từ trường, bom nổ chậm tranh nhau nổ vút theo xe. Khi vào cua, xe tôi dính quả cuối cùng… Gần nửa tiếng sau, khói bom loãng, sương tan, anh em công binh mới phát hiện xe tôi đang “ngồi” trên cành cây to bên ta-luy âm. Hai cánh cửa xe bật tung; anh em soi đèn pin, thấy tôi nằm cong queo trong ca-bin, máu lênh láng. Sờ thấy người còn nóng, tim còn thoi thóp, anh Thặng cho chở ngay đến Đội điều trị 14. Người thì vậy, còn xe của tôi bay mất cả nhíp và đôi lốp sau; thành xe gãy nát. Khẩu súng CKC của tôi để trong ca-bin chỉ còn mỗi nòng.
Nhưng mừng nhất là đêm ấy cả đoàn xe vượt Khe Ve, chuyển hàng tới đích an toàn.
Nghiêm Xuân Oanh kể, Đại tá Trần Văn Phúc ghi