Sau một thời gian đào tạo tại Trường Huấn luyện đặc biệt thuộc T.Ư Cục miền Nam, tôi được bổ sung về Đội 2, Đặc công PK23 và vinh dự được tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972.

Ngày 5-10-1971, Đội 2 chúng tôi gồm 30 tay súng nhận nhiệm vụ vượt Đồng Tháp Mười vào Sài Gòn theo hướng tây nam. Nhiệm vụ chủ yếu là đánh phá sân bay Tân Sơn Nhất, kho tàng, căn cứ quân sự…; diệt bọn ác ôn. Đội trưởng là anh Út Thương, Đội phó là anh Sáu Hên, Chính trị viên là chú Bảy Thàng. Cả ba đều quê Long An và đều là đặc công biệt động Sài Gòn, đã tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Đầu tháng 4-1972, toàn Đội tập kết về vùng sình lầy huyện Cần Đước tỉnh Long An. Chiều ngày 12-4, địch đi càn đã rút, anh Út Thương và chú Bảy Thàng đi thuyền ba lá, mang theo một số vũ khí, chất nổ, đến cụm dừa nước nơi Đội chúng tôi ém quân. Gặp chúng tôi, chú Bảy nói: “Đây là bộc phá, lệnh giao cho Tư Đào (tôi) phát hỏa trên hướng tây nam Sài Gòn”.

Rút kinh nghiệm cách đánh của Đặc công biệt động Sài Gòn trong Tết Mậu Thân, khi đó Tổ 11 được giao nhiệm vụ nổ khối bộc phá đánh sập tòa Đại sứ Mỹ, nhưng bộc phá không nổ; lần này chúng tôi chuẩn bị cẩn thận, tra một kíp nổ chính và hai kíp nổ phụ để đảm bảo chắc chắn. Chú Bảy Thàng thông báo tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ có Công trường 5, Công trường 9 (nay là Sư đoàn 5 và Sư đoàn 9) và một số trung đoàn, tiểu đoàn khác nữa.

Chiều tối ngày 16-4-1972, chúng tôi gỡ mìn, cắt hàng rào, đến 0 giờ đã vào được bên trong căn cứ của địch. Khối bộc phá tôi đảm nhiệm đã được đặt đúng vị trí quy định. Theo lệnh anh Út Thương, tôi điểm hỏa. Một tiếng nổ long trời chuyển đất. Các trung đội, tiểu đội ém sẵn thực hành đánh các vị trí được phân công. Nhìn ra căn cứ của địch, những giàn hỏa tiễn của đơn vị bạn cũng đang cấp tập vào các mục tiêu. Địch cho máy bay AC130 và trực thăng đến thả pháo sáng, bắn rốc-két. Chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt. Bất chấp hiểm nguy, trên bom dưới đạn, cả Đội chúng tôi tiếp tục dùng AK tiêu diệt địch. Bằng chiến công nhỏ bé của mình, chúng tôi đã góp phần vào chiến công to lớn của quân và dân Miền Đông Nam Bộ trong chiến dịch Nguyễn Huệ 1972.

Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh trong Tổng tiến công mùa Xuân 1975, lực lượng đặc công chúng tôi thuộc Đoàn 232 - cánh quân thứ 5 đánh vào Sài Gòn từ hướng tây nam. Cùng với các đơn vị bạn, Đoàn 232 có nhiệm vụ cắt lộ 4, không cho địch ở Sài Gòn chạy về miền Tây; địch ở miền Tây không ứng cứu được cho Sài Gòn; sau đó tham gia đánh chiếm Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát. Lực lượng Đoàn 232 tham gia chiến dịch dàn đội hình hành tiến, đầu - cuối cách nhau 60 cây số.

Ngày 29-4-1975, chúng tôi đã vào ém quân trong nội thành Sài Gòn. Khi màn đêm buông xuống, từng tiểu đội từ dưới cống rãnh chui lên và trong bãi rác bò ra tụ tập đầy đủ; nhận mục tiêu trên bản đồ, giao ước mật khẩu. Một người được phát hai nắm cơm muối vừng do cơ sở nội thành cấp. Điểm tập kết chỉ cách Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát chưa đầy 1km. Trước khi xuất phát chiến đấu, một người được ăn một nắm cơm, nắm còn lại để dành hôm sau.

Trong Tiểu đội, tôi chơi thân nhất với anh Ba Hải; đánh trận nào, hai anh em thường đi với nhau. Trước đó anh là đặc công Tây Ninh, có thâm niên đánh căn cứ núi Bà Đen. Vừa nhấm nháp nắm cơm vừng, anh Ba vừa nói: “Đánh xong trận cuối này, anh mời Đào và cả Đội về nhà anh ở Chòi Ròi, Tây Ninh ăn một bữa đặc sản Đồng Tháp Mười, có lục bình, cỏ đắng, bông súng… rồi chia tay nhau ai về quê nấy…”. Tôi nói ngắt lời anh: “Đặc sản Đồng Tháp Mười của anh, ở ngoài Bắc chúng em, lợn hay ăn…”. Mấy anh em bụm miệng cười...

23 giờ đêm, chúng tôi lọt được vào Biệt khu Thủ đô, ém quân sẵn ở các mục tiêu đã được phân công. Đúng giờ G (0 giờ), pháo binh tầm xa bắn cấp tập vào các mục tiêu chính, đè bẹp sự kháng cự cuối cùng của địch, dọn đường cho xe tăng, bộ binh xung trận. Địch hoang mang, không còn tinh thần kháng cự. Đặc công, bộ binh từ trong đánh ra, ngoài đánh vào. Địch buộc phải buông súng đầu hàng. Tuy vậy vẫn có những đám tàn quân địch chống cự quyết liệt.

Khoảng 10 giờ ngày 30-4, khi đang truy kích địch, tôi nghe một loạt AR15 sượt bên trái tai. Theo phản xạ, tôi lộn mấy vòng tránh đạn. Ngoảnh lại, thấy anh Ba Hải trúng đạn, tôi chạy lại đỡ anh, nhanh chóng băng bó tạm để đưa anh về sau cấp cứu, nhưng vết thương quá nặng, anh tắt thở mà không kịp dặn dò chúng tôi một điều. Nắm cơm dành hôm nay anh mang theo nhuốm máu và bùn đất…

Trưa ngày 30-4-1975, ta lần lượt đánh chiếm Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát và Dinh Độc lập - sào huyệt cuối cùng của chính quyền, quân đội Sài Gòn. Tin Tổng thống Dương Văn Minh cùng toàn bộ Nội các chính phủ Sài Gòn bị bắt làm trào dâng trong tôi cảm xúc khó tả. Lính đặc công bao nhiêu năm chịu đựng gian khổ, hiểm nguy, độn thổ sình lầy, chui rúc hang hầm… nay thành người chiến thắng giữa Sài Gòn.

“Chiến thắng rồi, hết chiến tranh rồi, sắp được về nhà rồi…!”. Không ai bảo ai chúng tôi gào to, hứng chí giương AK lên trời xả cả băng đạn, rồi ôm nhau khóc. Nước mắt giàn dụa trong niềm hạnh phúc vô bờ; nước mắt dành cho những đồng chí đồng đội đã hy sinh, như anh Ba Hải vừa ngã xuống trên đường phố Sài Gòn trong ngày chiến thắng.

Nguyễn Đức Đào ( T.P Vinh - Nghệ An)