“Tôi đi họp thì bà ấy ở nhà gác chắn"
Bác Chi và các đại biểu dự hội nghịCông việc mà CCB Nguyễn Huy Chi đang làm là " gác chắn tàu " tại một đường ngang dân sinh ở thôn 6 xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Năm nay ông Chi đã ở tuổi ngoài 80, từng là bộ đội tham gia làm nhiệm vụ Quốc tế tại chiến trường nước bạn Lào, do bị thương nặng ông Chi được trở về địa phương với thương tật hạng 1/4. Những tưởng cuộc đời sẽ yên bình đối với một người thương binh đã từng cống hiến một phần máu thịt cho Tổ Quốc, thế nhưng đoạn đường ngang dân sinh đầu thôn có hàng chục chuyến tàu qua lại mỗi ngày, xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm vì không có rào chắn cho người và xe qua lại, càng làm cho ông Chi day dứt và trăn trở. Do tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, tàu thường xuyên bị chậm giờ, ngành đường sắt đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cảnh giới đường ngang dân sinh. Sau khi giao cho một số đoàn thể đảm nhận nhưng không thành, cuối cùng thì Hội CCB xung phong đứng ra tiếp nhận công việc và giao cho 2 CCB là Nguyễn Huy Chi và Nguyễn Văn Điềm làm nhiệm vụ cảnh giới để tàu chạy qua. Ông Chi kể: đó là vào năm 2005, tôi với ông Điềm được cắt cử trực gác ở đoạn đường này. Ban đầu họ xây một cái chòi cạnh đường ngang và phát cho chúng tôi 2 lá cờ hiệu cùng 6 quả mìn, còn lại mọi thừ khác phải tự túc...".
Hội nghị đang xem phóng sự truyền hình về vọng gác của Bác Chi
Vào công việc chưa đầy một năm thì ông Điềm xin nghỉ vì thu nhập không có, phương tiện đi lại và các thứ sinh hoạt cũng không có. Ông Chi nghĩ rằng mình mà dừng bước thì ai đứng ra làm cho, trong khi mỗi ngày có đến 5 chuyến tàu khách chạy qua chứ chưa kể tàu hàng. Thế rôi, phẩm chất của người lính Cụ Hồ đã tiếp thêm cho ông sức mạnh và lòng kiên nhẫn. Bất kể trời nắng hay mưa, thời tiết nóng hay lạnh, 12 năm liền ông Chi đều có mặt tại " vọng gác.
Tranh thủ giờ giải lao của hội nghị, ông Chi kể với tôi: khi mới vào làm chẳng được trang bị một phương tiện gì cả, chỉ 2 lá cờ lệnh và 6 quả mìn phòng lúc gặp sự cố. Cờ lệnh thì ngày đầu có ông Cung trưởng hướng dẫn cho vài ba động tác, chủ yếu là báo hiệu sự an toàn cho người lái tàu, sau làm dần thành quen. Nói là " vọng gác " chứ lợp bằng tấm pro xi măng, mùa hè nóng lắm, không có bảng giờ tàu, không có điện thoại liên lạc, mỗi ngày có khoảng 5 chuyến tàu khách đi qua, buổi sáng 3 chuyến, chiều 2 chuyến, tàu hàng thì không kể, cứ có hàng là họ chạy. Được cái trời phú cho tôi có đôi tai rất " thính ", nên ngoài việc đoán được giờ tàu sẽ đi qua thì tiếng tàu chạy cách chừng gần cây số tôi đã cảm nhận được.
CCB Nguyễn Huy Chi ( người đứng thứ 3 bên trái sang ) được vinh danh tại Hội nghị
Ông Chi cũng kể lại: 12 năm làm nghề gác chắn, ông cũng phải đối mặt với rất nhiều tình huống eo le, ngang trái xảy ra nơi " vọng gác ". Đó là cách đây khoảng 3 năm, có một người phụ nữ chở muối từ dưới xuôi đi lên, do chở nặng nên khi lên hết dốc thì cũng là lúc tàu hú còi chạy qua. Tình thế nguy hiểm, buộc ông Chi từ vọng gác lao ra kịp đẩy người phụ nữ ra phía sau, trong tích tắc đầu tàu đã vụt qua và nghiền nát cả bao muối... thật hú vía. Rồi một lần, đám thanh niên say rượu hè nhau qua đường khi tàu sắp chạy tới, ông Chi phải cản lại và suýt bị đánh vì đám trẻ cho rằng: tàu chưa tới, đến khi kéo được họ ra khỏi đường tàu thì cũng vừa lúc tàu chạy qua...
12 năm làm người gác chắn tàu ở một đoạn đường ngang dân sinh, CCB, thương binh Nguyễn Huy Chi đã bảo vệ an toàn cho tình mạng hàng trăm con người, hàng ngàn phươn tiện trong khi ông làm công việc một cách tự nguyện với trách nhiệm của người hội viên CCB Việt Nam. Nhận xét về việc làm của CCB Nguyễn Huy Chi, ông Lê Văn Điền, Chủ tịch Hội CCB huyện Quỳnh Lưu cho biết: Không những cán bộ hội viên mà bà con nhân dân rất khâm phục và ca ngợi việc làm của Bác Chi, một hội viên đã ngoài 80 tuổi. Việc làm của Bác góp phần bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của Anh " Bộ đội Cụ Hồ " và thực hiện đúng lời Bác dạy: Tàn mà không phế.
Ông Điền cho biết thêm: Bác Chi là một điển hình của CCB tỉnh Nghệ An được đi dự và vinh danh tại hội nghị " Cựu Chiến binh Việt Nam tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông ".
Còn với Bác Chi, khi phóng viên đặt câu hỏi: Bác đi dự hội nghị thì ai ở nhà gác chắn? Bác cười: Bà Liên nhà tôi, 12 năm nay đều như vậy.
Bài và ảnh: Lê Anh Thi