(Tham khảo)
Toa âm dương thang gồm hai vị tắc và nghệ. Trái tắc (quất) có tính mát (thuộc âm), nghệ có tính ấm, nóng (thuộc dương), dùng để quân bình âm dương, cho nên chữa được các bệnh do nóng hay lạnh, cảm nóng, cảm lạnh, viêm mũi dị ứng, viêm xoang…
Cách làm: Nghệ cạo vỏ, giã nhỏ. Trái tắc (lựa trái to, còn tươi xanh, đừng lựa trái chín) cắt đôi, để nguyên hột, bỏ vào chén, thêm vào 3 muỗng mật ong (hay đường phèn) và 1/2 chén nước đem chưng cách thủy 15 phút. Uống sau hai bữa cơm chính trong ngày, mỗi lần uống 5 muỗng cà phê (xác nghệ và trái tắc có thể ăn nếu muốn); không được dùng trước khi ăn cơm. Cần lưu ý: đối với bệnh lạnh và người hư nhược, yếu ớt (Đông Y gọi là hư hàn), phải dùng nghệ nhiều và tắc ít (1/2 trái tắc). Trái lại, đối với bệnh nóng, phải dùng trái tắc nhiều (2-3 trái bổ đôi) và nghệ ít (cỡ 1/2 ngón tay út, cạo vỏ, giã nhỏ bỏ vào 1/2 chén nước). Liều lượng cho trẻ nhỏ bằng 1/3 hay 1/2 người lớn. Toa này ăn rất thơm ngon và công hiệu, nhưng nên nhớ đây là thuốc rất mạnh, cho nên chớ coi thường mà lạm dụng quá liều lượng quy định, sẽ bị phản tác dụng, có hại.
Dấu hiệu bệnh nhiệt (nóng): không sợ trời lạnh, không sợ gió, không sợ nước lạnh; hơi thở nóng, môi khô, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng; khát nước, tiểu nóng, vàng; mạch cổ tay đập nhanh, mạnh
Dấu hiệu bệnh hàn (lạnh): ngược lại với các dấu hiệu trên, sợ khí hậu lạnh, sợ gió, sợ nước lạnh, hơi thở lạnh, môi không khô, lưỡi không đỏ, rêu lưỡi trắng, không khát nước, tiểu trong, mạch cổ tay đập chậm, yếu.
Toa Âm Dương thang cũng trị được nhiều bệnh, trong đó có cảm lạnh (dùng nghệ nhiều, tắc ít), cảm nóng (dùng tắc nhiều nghệ ít), suyễn hàn (nghệ nhiều tắc ít), suyễn nhiệt (tắc nhiều nghệ ít), thấp khớp (tùy dạng nhiệt hay hàn mà để nghệ nhiều hay ít), bế kinh (tùy dạng nhiệt hay hàn mà để tắc nhiều hay nghệ nhiều), viêm xoang, viêm mũi dị ức, nhức đầu, mất ngủ.
Thục Hương