Tờ giá thú đặc biệt (10/05/2012)
Ông ra đi đột ngột vì bệnh tim hiểm nghèo mà không kịp dối dăng điều gì. Ngăn kéo bàn làm việc của ông có cuốn sổ tiết kiệm là 80 triệu đồng. Bà Lương Ngọc Thư kể: “Sau ngày ông mất, tôi lao vào viết sách. Hai năm miệt mài, cuốn sách đã hoàn thành. Tôi quyết định sử dụng số tiền đó vào việc xuất bản. Khi đi nhận tiền, cán bộ quỹ tiết kiệm yêu cầu tôi phải mang "Giấy đăng ký kết hôn"? Cái hồi chúng tôi lấy nhau làm gì có giấy đó. Kỷ niệm mối tình của chúng tôi, công nhận cho chúng tôi lấy nhau chỉ có "Bức thư của Đại đoàn 320" và hàng trăm bức thư thời chiến của hậu phương và tiền tuyến gửi cho nhau"...
Bà Lương Ngọc Thư tham gia kháng chiến sau khi học xong lớp hộ sinh do Bộ Y tế mở. Bước ngoặt cuộc đời bà là lần gặp anh bộ đội Lê Ngọc Hiền trong một đám cưới: Chú rể Xuân là đồng đội của ông còn cô dâu Tố là bạn cùng học lớp hộ sinh với bà. Thực ra cuộc gặp ấy đã được bạn của ông sắp xếp từ trước: bà là phù dâu, ông là phù rể. Gặp nhau là "cảm" ngay, nhưng do nhiệm vụ và hoàn cảnh, họ phải sống xa nhau. Mối liên hệ chủ yếu của hai người là những cánh thư. Thư là tên bà, và trong nhiều năm liền những lá thư cũng chính là sợi dây kết nối giữa hai người, giữa tiền tuyến và hậu phương.
Hồi đó cán bộ quân đội muốn lấy vợ, đơn vị phải xét duyệt lý lịch bên vợ, nếu đủ điều kiện mới được kết hôn. Ông báo cáo chuyện lấy vợ với Bộ tư lệnh Đại đoàn 320. Sau khi xét lý lịch của bà, đơn vị trả lời: "Chị ấy thuộc giai cấp tiểu tư sản, tuy có tinh thần yêu nước, hăng hái tham gia cách mạng, nhưng lập trường bấp bênh, thiếu kiên định, hay hoang mang dao động, nên phải có thời gian thử thách". Biết bà buồn vì chuyện đó, ông động viên bà cố gắng công tác. Sau những ngày thử thách ở vùng địch hậu, rồi tiếp quản thị xã Hà Đông và tham gia phát động quần chúng giảm tô, bà được bình bầu vào loại xuất sắc. Đoàn uỷ gửi bản nhận xét về thành tích của bà lên cấp trên, kết hợp với thư của Bộ tư lệnh Đại đoàn 320, Đoàn uỷ công nhận việc thành hôn của hai người.
Bà kể tiếp: "Thật bất ngờ, gần cuối giờ làm việc buổi chiều ngày 20-4-1955, đang ngồi nghe Chủ tịch đoàn báo cáo tổng kết đợt phát động giảm tô, thấy có người vỗ nhẹ vào vai, tôi quay lại thì hoá ra anh. Tôi không tin vào mắt mình. Anh ghé vào tai tôi nói nhỏ: "Bình tĩnh nhé, lát nữa nghe Đoàn uỷ tuyên bố công nhận chính thức cho chúng mình đấy". Trước giờ kết thức buổi làm việc chiều, Đoàn uỷ thông báo có một tin vui, rồi nói: “Được sự uỷ nhiệm của Chính uỷ Đại đoàn 320, Đoàn uỷ xin tuyên bố công nhận đồng chí Lê Ngọc Hiền, cán bộ tham mưu của đại đoàn và đồng chí Lương Ngọc Thư, cán bộ của Đội 13, Đoàn II giảm tô, hôm nay chính thức là vợ chồng. Chúng ta chúc hai đồng chí xây dựng hạnh phúc lâu bền, lấy tình duyên thắm thiết để đẩy mạnh tinh thần đấu tranh cho cách mạng". Tiếng vỗ tay như pháo nổ. Các anh chị ngồi ngay cạnh tôi cũng không biết lời tuyên bố công nhận của Đoàn uỷ vừa rồi là về chúng tôi. Mọi người cứ ngơ ngác hỏi nhau cô dâu và chú rể đâu, sao không đứng lên chào quan khách nhỉ? Anh nhìn tôi tủm tỉm cười rồi nháy mắt ra hiệu cho tôi im lặng. Anh không sắm vai "chú rể", tôi không sắm vai "cô dâu". Tôi vẫn ăn mặc như mọi ngày, vẫn quần đen áo nâu, chít khăn mỏ quạ. Ngày cưới của chúng tôi đặc biệt như thế đấy. Hội nghị nghỉ làm việc, anh và tôi về gặp mặt anh em trong đội của tôi. Anh chỉ có một bao thuốc lá Thiên An Môn duy nhất mời mọi người. Sau khi trao đổi với anh Tam đội trưởng của tôi, tôi được phép vắng mặt buổi thảo luận tổ tối hôm đó. Tôi đi cùng anh sang Phủ Lý, đến nhà chị Hải là bạn thân của anh. Chị thu xếp cho chúng tôi ở lại. Chúng tôi nói chuyện suốt đêm, gần sáng anh lại ra đi. Mãi sau này tôi mới biết cả ngày hôm đó anh nhịn đói, số tiền trong túi chỉ vừa đủ mua bao thuốc lá. 50 năm chúng tôi chung sống, có đến già nửa thời gian xa nhau, nhưng trong những lúc gian nan nhất của cuộc đời, chúng tôi luôn là điểm tựa của nhau".
Gia tài của cuộc đời bà chính là người chồng và ba đứa con yêu quý. Người con gái đầu bà đặt tên Mai, kỷ niệm về mối tình của bà vào dịp mùa mai nở rộ, khi ông đánh trận ở Yến Vĩ; Hiền Lương: con trai thứ hai, bà đặt tên theo cây cầu chia cắt đôi bờ đất nước khi miền Nam đau thương nằm trong tay Mỹ - ngụy, lúc đó ông đang công tác ở Vĩnh Linh; người con trai thứ ba Hoài Nam, bà đặt tên con để nhớ về miền Nam khi ông đang chiến đấu ở Lộc Ninh...". Bà Thư lại kể : "Khi cầm sổ tiết kiệm mang tên anh đi lĩnh tiền, họ bảo phải có giấy đăng ký kết hôn". Không có cách gì khác, tôi bèn đưa ra bức thư của Đại đoàn 320 - "Giấy giá thú đặc biệt". Rốt cuộc, quỹ tiết kiệm cũng chấp nhận. Hơn 100 lá thư chúng tôi viết cho nhau và bức thư của Đại đoàn 320, tôi đã tặng Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam...".
Vào dịp sinh nhật lần thứ 77 của bà - cuốn sách "Anh và Thư" với chữ Thư viết hoa - vừa mang nghĩa là những bức thư, vừa cũng là tên riêng của bà, đã được ấn hành. Khi anh em nhà xuất bản chúng tôi đến chúc mừng và mang theo sách đã in xong, bà rơm rớm nước mắt rồi nói: "Chờ sách như chờ chú đi đánh trận về”.
Trần Thanh Hằng