“Tổ đoàn kết” ngư dân, mô hình kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo (14/07/2011)
Theo sự phát triển đi lên, năm 2000 ngành thủy sản đã có 296 hợp tác xã khai thác, nuôi trồng, cơ khí đóng tàu thuyền và dịch vụ hậu cần nghề cá. Những năm gần đây, cả nước có khoảng 2.000 tổ, đội sản xuất trên những vùng biển xa bờ với trên 13.000 tàu, thuyền tham gia.
“Tổ đoàn kết”, tên gọi tắt của Tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển được Bộ NN&PTNT quan tâm xây dựng có chức năng chia sẻ ngư trường, thời tiết, xử lý sự cố thiên tai, thống nhất giá bán sản phẩm, đồng thời phối hợp với các lực lượng bảo vệ an ninh, đấu tranh với tàu cá nước ngoài xâm phạm chủ quyền biển đảo. Từng tổ đoàn kết có quy chế rõ ràng, phù hợp, thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện của ngư dân và với tiêu chí “ba cùng” (cùng ngư trường, cùng nghề khai thác và cùng quê hương), có tổ trưởng, tổ phó và thủ quỹ (nếu có quỹ hoạt động). Các “Tổ đoàn kết” được chính quyền địa phương hỗ trợ về thông tin liên lạc, đào tạo thuyền trưởng, tàu trưởng, công tác khuyến ngư, hình thành tàu mẹ cung cấp dịch vụ và thu mua hải sản…
Mô hình “Tổ đoàn kết” tỉnh Bình Thuận đã phát triển được 624 tổ với hơn 4 ngàn tàu thuyền và 25 ngàn lao động (đạt gần 70% phương tiện nghề cá của tỉnh), các tổ đều đánh bắt cá ở ngư trường xa bờ nên đã tích cực giúp đỡ nhau trên biển và phối hợp với các lực lượng đẩy đuổi tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền biển đảo. Các tổ vớt được 8 ngư dân bị rơi xuống biển, cứu kéo 28 phương tiện và thông báo cho lực lượng chức năng cứu hộ 12 phương tiện cùng thuyền nhân bị nạn trên biển.
Các “Tổ đoàn kết” của ngư dân Quảng Ngãi có từ 3 đến 10 tàu thuyền, thống nhất quy chế hoạt động, khi ra tới Hoàng Sa, Trường Sa đều được chính quyền và bộ đội biên phòng, bộ đội hải quân hướng dẫn khai thác và bảo vệ an ninh trật tự.
Các chủ tàu thuyền tỉnh Quảng Nam tự tìm đến với nhau thành lập 64 “Tổ đoàn kết” với gần 600 phương tiện. Tỉnh đã hỗ trợ 5% lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu, thuyền và mua sắm các trang bị, phương tiện như máy tìm ngư trường, máy định vị, máy đo độ sâu, bộ đàm… Với dự án Hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu cá xa bờ, có tổng kinh phí 23,8 tỷ đồng, từ năm 2011 đến năm 2015 tỉnh sẽ hỗ trợ từ 80 đến 120 triệu đồng cho các chủ tàu đóng mới phương tiện có công suất trên dưới 400 CV.
Quảng Bình thành lập “Tổ đoàn kết ” ngày 27-5-2010, đến nay tỉnh có gần 260 tổ, trên 1.500 tàu thuyền và gần 10 ngàn ngư dân (chiếm 93% tổng số dân có nghề cá) và dự kiến sẽ thành lập 21 tổ mới. Ba năm qua, tỉnh đã hỗ trợ 89 tỷ đồng cho ngư dân mua máy mới, đóng tàu có công suất 90CV trở lên, kinh phí bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên và hỗ trợ dầu cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Năm tháng đầu năm 2011, các tổ phấn khởi phát huy thế mạnh đánh bắt được trên 15 ngàn tấn hải sản (tăng 20% so với cùng kỳ năm trước). Các “Tổ đoàn kết” đánh cá trên biển còn giúp nhau khi có phong ba bão táp, chung sức chung lòng ngăn chặn tàu lạ xâm nhập vùng biển của Tổ quốc như ngày 30-4-2011 có 4 tàu cá TQ liều lĩnh vào cách cửa Roòn 40 hải lý về phía đông, ngày 4-5 có 3 tàu TQ xâm nhập vùng biển cách cửa sông Gianh 25 hải lý cũng về phía đông, ngày 22-5 có 2 tàu TQ vào sâu vùng biển Quảng Bình, các “Tổ đoàn kết” ngư dân đã báo cho bộ đội biên phòng và cùng các lực lượng vây bắt, xử lý vi phạm và phóng thích người, phương tiện ra khỏi lãnh hải Việt Nam.
Cùng với “Tổ đoàn kết” của ngư dân là các lực lượng hải quân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển và kiểm ngư tạo thành những lá chắn vững chắc, bám biển, bám ngư trường vừa khai thác hải sản, vừa bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển của Tổ quốc.
CẨM THỦY