Tố chất kim cương
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt, chúc mừng và khen thưởng Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam
Trước những thành tích đặc biệt xuất sắc của Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, giành vé đến World Cup, người hâm mộ tự hào gọi các nữ tuyển thủ là các “cô gái vàng”.
Bất ngờ, chiều ngày 10-2, trong buổi gặp chúc mừng thành tích của Đội, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lại xin phép được gọi là “những cô gái kim cương”, “huấn luyện viên kim cương” - làm thầy, trò đội bóng xúc động, vỗ tay không ngớt…
Thủ tướng cũng trăn trở, băn khoăn về đồng lương ít ỏi, phải đi bán hàng, làm nông nghiệp để trang trải cuộc sống và nuôi dưỡng niềm đam mê bóng đá. Nhiều cầu thủ có đời sống rất khó khăn, công ăn việc làm không ổn định, nhất là sau khi giải nghệ…
Từ sâu thẳm lòng mình, huấn luyện viên trưởng Mai Đức Chung dãi bày - hơn là báo cáo với Thủ tướng, toát lên ý, “chất” kim cương của Đội tuyển chính là niềm đam mê bóng đá của 100% thành viên Đội bóng.
Nghĩa là 100% thành viên Đội bóng đều tự nguyện “đi đá bóng” mà không hề so đo thiệt hơn, không cần biết sau khi giải nghệ hầu hết “thất nghiệp”! Và càng không có chuyện “chạy chọt, mua bán” để được tham gia Đội tuyển.
Có. Nhưng chắc chắn không phải vào đội bóng để “xả thân” vì “màu cờ, sắc áo”.
Có. Chắc chắn và chắc chắn là từ đam mê - đam mê vì bản thân có sở trường đá bóng. Muốn được đá bóng. Thậm chí thấy hạnh phúc vì được đá bóng.
Trong xã hội cũng thế, mỗi cá nhân và mỗi người đều có điểm mạnh riêng (sở trường). Có người thiên về khoa học tự nhiên, có người lại có khả năng giao tiếp, hay những điểm mạnh đặc thù (năng khiếu) cho từng công việc, như ca hát, nhạc họa, hay đá bóng chẳng hạn...
Tỷ dụ, nếu không có sở trường đá bóng mà lại bỏ tiền “chạy vào đội bóng” thì “thau” cũng chả được, chứ nói gì đến “kim cương”!
Huy Thiêm