Tình yêu người lính: Em đứng trên cầu đợi anh
Vợ chồng nhạc sĩ Huy Thục.
Nhạc sĩ Huy Thục (còn gọi Lê Huy Thục) sinh ngày 22-12-1933, ở Lý Nhân, Hà Nam, lớn lên ở Hà Nội. Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông tham gia Đội thiếu niên nhi đồng cứu quốc phố Mai Hắc Đế. Nhập ngũ năm 1946 vào Đại đội 1, Tiểu đoàn 105, chiến đấu tại Nam Định. Nhờ có năng khiếu văn nghệ, ông được đi học đàn vi-ô-lông rồi về Đoàn văn công Quân khu 3, Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị.
Năm 1956, nhạc sĩ Huy Thục được kết nạp vào Đảng rồi đi học Khoa sáng tác, Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội). Tại đây ông gặp bà Nguyễn Thúy Nga, kém ông 8 tuổi, người Hà Nội, nhập ngũ năm 1955, từ Đoàn Văn công Sư đoàn 320 cũng về Trường học đàn pi-a-nô. Trong 3 năm học tập, từ tình đồng chí, đồng đội sang tình yêu lúc nào không biết, học xong hai người cùng được về Trường Nghệ thuật quân đội, Huy Thục ở Khoa sáng tác, Thúy Nga làm giảng viên. Được Bí thư chi bộ - nhạc sĩ Vũ Trọng Hối và nhạc sĩ Nguyễn Thành làm chủ hôn. Ông bồi hồi nhớ lại: Đám cưới đơn giản lắm, hôn trường mượn lớp học, khách mời là những cán bộ, giảng viên, học viên của Trường, thuốc lá, thuốc lào, kẹo bột, chè xanh, một số người cao hứng hát tặng mấy bài hát quen thuộc hoặc vừa sáng tác. Đơn giản lắm.
Năm 1967, nhạc sĩ Huy Thục vào chiến trường miền Nam. Ông đi khắp vùng Nam Lào, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, vừa sáng tác, biểu diễn phục vụ bộ đội, nhân dân vùng giải phóng, vừa tham gia chiến đấu, tăng gia sản xuất. Ông sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng như vũ kịch “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” (cùng với Lương Ngọc Trác và Nguyễn Thành), các bài hát “Tiếng hát trên đường quê hương”, “Dòng suối La La”, “Tiếng đàn ta lư”, “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, “Tiến lên chiến sĩ đồng bào” (phổ thơ của Bác Hồ)... Ngày ông vào Nam, con trai đầu lòng Lê Anh Chiến mới 6 tháng tuổi. Thế rồi sau những lần ông đi đi, về về ra Bắc, vào Nam, lại có thêm Lê Anh Trường, Lê Diên Hồng. Bà Thúy Nga vừa công tác, vừa nuôi con chờ chồng trong cảnh sơ tán tránh máy bay Mỹ ném bom, bắn phá với bao lo lắng cho chồng, khó khăn, thiếu thốn của mình và các con. Những khi con đau ốm bà chỉ biết nhờ vào đồng chí, đồng nghiệp và bà con xóm phố. Nay cả ba người con đều trưởng thành, tốt nghiệp đại học, là cán bộ quân đội với 6 cháu nội và ngoại. Hai ông bà nghỉ hưu tại khu tập thể Mai Dịch, quận Cầu Giấy, T.P Hà Nội.
Trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của mình, nhạc sĩ Huy Thục có khoảng 150 tác phẩm. Khi được hỏi; trong số những nhạc phẩm này có bài nào ông dành cho bà Nguyễn Thúy Nga yêu dấu. Ông cười ngượng rồi nói nhỏ. Có, ca khúc “Đợi” phổ thơ của nhà thơ Vũ Quần Phương là có ý dành riêng đấy. Ông tâm sự: Cả đời tôi mang ơn nhà tôi. Tôi cũng có ý định sáng tác một bài dành riêng cho bà ấy, nhưng chưa làm được. Mãi năm 1986 đọc bài thơ “Đợi” của Vũ Quần Phương vừa in, tôi vui mừng đến chảy nước mắt khi nghĩ tới Thúy Nga. Đây chính là cơ hội để tôi thể hiện tình yêu, lòng biết ơn người vợ đảm đang nuôi dạy con trong khó khăn, thiếu thốn và lo âu đợi chồng từ nơi chiến trường ác liệt trở về. Nguyên tác bài thơ là “Anh đợi em”, để cho phù hợp với Thúy Nga tôi đã hoán đổi vị trí nhân vật “Em đợi anh” và dùng chất liệu ca trù để tạo nên giai điệu thiết tha, ngọt ngào, trong sáng. Bài hát được các ca sĩ thể hiện da diết đến nao lòng, nỗi khắc khoải chờ đợi và mong ngóng, tự tin sẽ có ngày gặp lại nhau dù có xa xôi, cách trở và ác liệt của chiến tranh:
Em đứng trên cầu đợi anh/ Dưới chân cầu nước chảy ngày đêm/ Ngày xưa đã chảy, sau còn chảy/ Nước chảy bên lòng em đợi anh.../ Em đứng trên cầu nắng hạ/ Nắng soi bên ấy lại bên này.../ Đợi anh.
Anh đến, anh không đến/ Nắng tắt còn em đứng mãi đây/ Em đứng trên cầu đợi anh/ Đứng một ngày đất lạ thành quen/ Đứng một đời em quen thành lạ/ Nước chảy kìa anh.../ Em đợi anh/ U ớ ơ ờ ơ.../ Gió lộng chiều xanh, em đợi anh...
Đó cũng là tâm trạng của những người đang yêu, là niềm tin vào tương lai, vào tình yêu đơm hoa kết trái. Trong tình yêu, việc bền bỉ đợi chờ, thủy chung son sắt cũng là phẩm chất, là sức mạnh để chúng ta chiến thắng kẻ thù.
Tô Kiều Thẩm