Tỉnh Vĩnh Phúc: “Giặc nội xâm” vẫn hoành hành
Báo CCB Việt Nam số 1027, ra ngày 10-7-2014 có bài viết đề cập đến nguyên Phó chánh văn phòng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, ông Văn Tiến Sỹ vay nợ kéo dài… Sau khi báo đăng bài viết đó, có bạn đọc ở tỉnh Vĩnh Phúc đã gửi đến tòa soạn những ý kiến phản ánh còn “một bộ phận đảng viên ở Vĩnh Phúc có biểu hiện thoái hóa, biến chất, suy thoái về đạo đức lối sống”. Dưới đây là ý kiến của độc giả này.
Kính gửi: Chuyên mục Thư bạn đọc, Báo CCB Việt Nam.
Chúng tôi những CCB, thương binh chống Mỹ ở tỉnh Vĩnh Phúc sau khi đọc bài “Cần làm rõ việc ông Văn Tiến Sỹ vay nợ kéo dài” của tác giả Doanh Chính (đăng trên Báo CCB Việt Nam số 1027, ra ngày 10-7-2014) thì thấy rằng đánh giá của Bộ Chính trị “Một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa, biến chất, suy thoái về đạo đức lối sống” là hoàn toàn có cơ sở.
Sau khi Báo CCB Vịêt Nam đăng bài viết trên, ông Nguyễn Duy Đông, Tỉnh ủy viên, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã thừa nhận: “Việc ông Văn Tiến Sỹ (nguyên Phó chánh văn phòng Ban Tổ chức Tỉnh ủy - TG) vay tiền của bà Nguyễn Thị Hà 6,4 tỷ đồng là có thật!”. Tuy nhiên, không hiểu tại sao những người có trách nhiệm của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc lại cho rằng đây là “tranh chấp dân sự” (mà cụ thể ở đây là ông Tạ Văn Tính, Tỉnh ủy viên, Phó Ban tổ chức Tỉnh ủy đã ký vào biên bản làm việc ngày 17-8-2012 giữa lãnh đạo Ban, Chánh Văn phòng và bên vay tiền, bên cho vay tiền). Dư luận đặt câu hỏi: Vậy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc quản lý cán bộ đảng viên ở đâu?
Thời gian qua, Vĩnh Phúc phát hiện một số cán bộ có chức có quyền tham nhũng. Trong đó có các vụ: Bà Phạm Thị Điểm (nguyên Phó giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh) bị các nhà sư trụ trì chùa Tích Sơn, chùa Nga Hoàng kiện việc “vay” tiền mua gạch, xi măng, trả tiền học cho con ở Trung Quốc, mua máy vi tính cho gia đình… cũng chỉ bị kiểm tra qua loa rồi được tỉnh cho chuyển công tác khác mà vẫn giữ nguyên chức vụ Phó ngành; vụ ông Lã Thế Khanh (Tổng biên tập Báo Vĩnh Phúc) “ăn chặn tiền thai sản của 14 chị em cán bộ, công nhân viên” và một số sai phạm khác nhưng cũng chỉ bị cảnh cáo về Đảng rồi cho nghỉ hưu trước tuổi. Hay vụ ông Trần Mạnh Định, Tỉnh ủy viên, Phó giám đốc Sở VHTTDL liên quan tới việc 2 cán bộ thể thao rút tiền tham ô thông qua một khách sạn mà Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy vào cuộc với 4 quyết định (từ 170-173) cho 3 lãnh đạo Sở và tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy, kết quả chỉ có 3/6 lãnh đạo bị khiển trách, còn 2 cán bộ thể thao thì bị phạt tù giam…
Qua các vụ việc nổi cộm nói trên cho thấy: Cách xử lý “Giơ cao đánh khẽ” đối với những cán bộ mắc sai phạm, tham nhũng của tỉnh Vĩnh Phúc vừa qua làm cho lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Chính phủ càng bị xói mòn. Nếu không có sự phát hiện và lên tiếng của các cơ quan ngôn luận thì không biết “Giặc nội xâm” còn hoành hành đến thế nào? Xin hãy làm tất cả vì lòng tin của nhân dân!
Trung Kiên