Tỉnh Vĩnh Phúc: Cưỡng chế tài sản trên đất rừng, dân tố cán bộ xã hủy hoại tài sản
Theo chỉ đạo của chính quyền xã, máy xúc nhổ cây, đập bỏ tường rào của các hộ gia đình…
Dù chưa đền bù, đất chưa giải phóng mặt bằng (GPMB) và bàn giao diện tích như quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, 5 hộ có đất rừng tại xã Định Trung, T.P Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc mới đây đã bị chính quyền cưỡng chế, san ủi các công trình, tài sản trên đất rừng đã nhiều năm gây dựng…
Đất có nguồn gốc nhưng… vẫn cưỡng chế?
Theo đơn thư của 5 hộ gia đình (Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Thị Thu Quỳnh, Nguyễn Thị Sáu, Lê Đức Hải, Dương Thị Nhiên) trú tại thôn Tấm, xã Định Trung, TP. Vĩnh Yên tỉnh Vĩnh Phúc phản ánh: Từ năm 1987, thực hiện chủ trương của Nhà nước trong phát triển kinh tế đồi rừng, nhiều hộ gia đình ở Vĩnh Yên đã đi tìm đất khai hoang trồng sắn, bạch đàn… để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Ngoài diện tích khai hoang hàng chục nghìn mét vuông đất rừng, các hộ gia đình trên còn được ông Vũ Huy Túc, Vũ Minh Đức (là người nhận khoán đất rừng từ Công ty Nhân Nghĩa) ủy quyền tiếp tục thực hiện hợp đồng giao khoán trồng rừng mà ông Túc, ông Đức đã ký với Công ty Nhân Nghĩa từ năm 1995.
Hợp đồng giao khoán Công ty Nhân Nghĩa ký với ông Túc, ông Đức có nội dung: Bên A (Công ty Nhân Nghĩa) giao khoán cho Bên B (hộ nhận khoán) 2 khu đất tại xã Định Trung để sử dụng vào xây dựng rừng sản xuất theo mục đích của Dự án do Công ty Nhân Nghĩa lập, được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt. Diện tích mỗi hộ nhận khoán là 1ha; thời hạn giao khoán đất rừng 50 năm (từ 1995-2045); người nhận khoán được hưởng các thành quả lao động, sản phẩm trên diện tích nhận khoán và được đền bù, bồi hoàn thành quả lao động khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, trong hợp đồng giao nhận khoán gữa hai bên còn cam kết: Quyền của Bên B là “Được thừa kế, chuyển nhượng những thành quả đầu tư trên khu đất được giao, tham gia thế chấp cùng tổng thể Dự án để phát triển sản xuất trong thời hạn sử dụng đất…”.
Kể từ khi nhận ủy quyền, các hộ sử dụng đất ổn định, trồng rừng theo kế hoạch nhận khoán và đầu tư khá nhiều tiền của vào diện tích nhận khoán. Tuy nhiên, tháng 3-2021 vừa qua, UBND xã Định Trung đã tổ chức cưỡng chế tài sản là nhà cửa và cây cối lâu năm trên đất rừng nhận khoán của các hộ gia đình nêu trên, khiến cho người dân có đơn khiếu nại quyết định cưỡng chế...
Nhiều tình tiết cần làm rõ
Ngày 19-3-2021, ông Sái Văn Nghị - Chủ tịch UBND xã Định Trung có văn bản trả lời các hộ dân rằng: UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hồi đất của Công ty Nhân Nghĩa từ năm 2005 và giao diện tích đã thu hồi cho Trung tâm phát triển Quỹ đất tỉnh Vĩnh Phúc quản lý và việc thu hồi này đã được chi trả tiền đền bù cho ông Đỗ Văn Bình.
Tuy nhiên, người dân cho biết: Tại Văn bản số 18, ngày 14-3-2019 của Ban GPMB và Phát triển Quỹ đất của tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: “Vị trí đồi Quyết Thắng, xã Định Trung chưa được bổi thường, hỗ trợ; các hộ dân vẫn đang sử dụng đất, trồng cây từ thời Công ty Nhân Nghĩa được tỉnh giao trước đây”.
Chính vì vậy người dân cho rằng việc Chủ tịch UBND xã Định Trung trả lời diện tích các hộ dân kiến nghị nêu trên đã được chi trả tiền đền bù cho ông Đỗ Văn Bình là không đúng.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Quỳnh thì từ trước tới nay các hộ dân (5 hộ nêu trên) chưa nhận được thông báo, kiểm đếm, bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất nào cả.
“Khi người dân có đơn yêu cầu làm rõ sự việc thì phía chính quyền địa phương chỉ cung cấp cho chúng tôi Thông báo số 59/TB-UB, ngày 24-3-2005, về Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - Nguyễn Văn Hòa kết luận liên quan đến kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng đất của Công ty Nhân Nghĩa và Bảng tổng hợp chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB (kèm theo Tờ trình số 115/TTr-HĐ ngày 24-4-2008 của Hội đồng GPMB tỉnh Vĩnh Phúc) cho các hộ dân. Theo đó, tại Bảng tổng hợp tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB chỉ thể hiện có 24 hộ dân và tổ chức, không thấy có tên hộ ông Đỗ Văn Bình cũng như diện tích nhận khoán của hộ ông Túc, ông Đức đã ủy quyền cho 5 hộ dân chúng tôi tiếp tục thực hiện việc nhận khoán, sử dụng đất trong trồng rừng theo Hợp đồng nhận khoán trước đây với Công ty Nhân Nghĩa”.
Không những vậy, bà Quỳnh còn cho biết: Tại điểm 5 của Thông báo số 59 nêu rõ “Hội đồng GPMB đề xuất kinh phí bằng nguồn ngân sách tỉnh để bồi thường cho Công ty Nhân Nghĩa tại những khu vực Dự án không hiệu quả của Công ty; những khu vực này UBND xã, phường có trách nhiệm quản lý theo địa giới để thực hiện quy hoạch chung của tỉnh. Đối với những khu vực của các cá nhân, tổ chức đang sử dụng đất có hiệu quả, phù hợp với Dự án của Công ty Nhân Nghĩa trong phạm vi khu vực thu hồi, tiếp tục được sử dụng và lập đầy đủ hồ sơ đất đai theo quy định, trả lại đất khi Nhà nước thực hiện quy hoạch xây dựng và được bồi thường theo quy định”.
Đất của chúng tôi chưa đền bù, GPMB nên chúng tôi đã làm đơn tố cáo ông Sái Văn Nghị - Chủ tịch UBND xã Định Trung lạm dụng chức vụ, quyền hạn, tổ chức cưỡng chế hủy hoại tài sản của công dân tới cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc và báo chí để đòi quyền lợi - bà Quỳnh nói thêm.
Liên quan đến vụ việc này, Báo CCB Việt Nam tiếp tục tìm hiểu, thông tin tới bạn đọc.
Bài và ảnh:Tư Hoành