Tôi mượn đầu đề một chương trong tập hồi ký “Một thời chưa xa” của Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn để nói đôi điều về tình yêu của vợ chồng CCB bộ đội Trường Sơn - Hoàng Tuấn và Minh Cử (ảnh).
Với chị Minh Cử thì tình yêu của anh chị bắt đầu từ chuyện Chính trị viên đại đội xe Hoàng Anh Tuấn, trai Hà Nội thứ thiệt, lên cơ quan Bộ Tư lệnh 559, thấy một em trẻ măng, tròn trĩnh, láu lỉnh là “vơ vào” nhận đồng hương Đoan Hùng, Phú Thọ... Đúng là tình yêu thường bắt đầu từ những chuyện “không đâu vào đâu” như vậy! Còn với “nhà thơ Trường Sơn” Trọng Khoát thì: Thương chúng nó lắm, giữa những cánh rừng không dân, trên bom dưới đạn, yêu nhau, say nhau lắm mà cứ như “thằn lằn mồng năm”. Yêu nhau hằng năm rồi, mà dăm ba tháng gặp nhau một lần, liều lắm cũng chỉ dám cầm tay nhau...
Cũng theo Đại tá Trọng Khoát, mùa hè năm 1970, Hoàng Anh Tuấn từ Binh trạm 14 lên Bộ Tư lệnh dự hội nghị tổng kết hoạt động mùa khô 1969-1970. Một tối, thấy hai anh chị ngồi như phỗng ở phòng làm việc của Cục Chính trị, anh Khoát gỡ bí cho bằng cách quát: Hai đứa chúng mày không chuyện trò riêng tư gì hay sao mà cứ ngồi “chiếu tướng” nhau ở đây? Đi chỗ khác cho bọn tao làm việc! Sau đó, nhà thơ “nháy” anh chị ra “lều thơ” của anh (một túp lều dành cho các nhà văn, nhà thơ Trường Sơn tĩnh tâm sáng tác) để họ tâm sự. Cũng chính trong “lều thơ”, bên ngọn đèn phòng không như hạt đỗ, hai anh chị chính thức bàn chuyện cưới. Nhưng cưới ở đâu? Hoàng Anh Tuấn quyết định vào mùa mưa, xin đơn vị tranh thủ về quê tổ chức. Vì năm đó anh đã 26 tuổi-mà Binh trạm 14 quy định 26 tuổi trở lên mới được tính chuyện cưới vợ. Còn Minh Cử lại băn khoăn là mình là đảng viên lớp Hồ Chí Minh vừa kết nạp, xin nghỉ để cưới, sợ người ta cho là ngại khổ, xin cưới để về tuyến sau...
Khi Hoàng Anh Tuấn báo cáo xin phép chỉ huy Binh trạm đưa người yêu về quê làm đám cưới, Tư lệnh binh trạm đồng ý, nhưng nhắc thêm: “Tuấn là cán bộ chính trị, phải gương mẫu...”. Qua tìm hiểu, được biết trước đó Bộ Tư lệnh Trường Sơn cho phép mấy đôi đưa nhau về quê cưới, lại còn phân phối cho một ít thuốc lá, bánh kẹo, nhưng ra khỏi bìa rừng, hay về đến ga Hà Nội là anh đi đằng anh, chị đi đằng chị...
Để chỉ huy yên tâm Hoàng Anh Tuấn và Minh Cử quyết định tổ chức cưới trên tuyến, sau đó về quê báo cáo hai gia đình. Rồi việc đăng ký và đám cưới được tiến hành trên tuyến vào mùa mưa năm 1970, ở Cổ Giang, Hưng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. Đến ngày cưới rồi mà cô dâu không có bộ cánh nào ngoài quân phục. Biết chuyện, mấy cô bạn ở Viện quân y 59 cho mượn một chiếc áo trắng và quần vải đen, thế là thành quần, áo cưới cô dâu. Kẹo bánh và một ít thuốc lá được đơn vị và anh em góp. Phông cưới là hai tấm vải dù có đính câu đối: “Hạnh phúc non sông hạnh phúc nhà\ Thắm tình Tổ quốc thắm tình ta” và khẩu hiệu: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Anh Tuấn cho biết, đến màn hát hò thì vui nổ trời. Một anh hát thì năm ba anh lấy nắp soong gõ lanh canh đệm nhạc. Thêm dấm, thêm ớt là màn pha trò của “thi sĩ” Trọng Khoát và anh Hoàng Thực - anh trai nghệ sĩ, ca sĩ Hoàng Chè...
Hạnh phúc đôi lứa nảy nở giữa chiến trường nhẹ nhàng mà sâu lắng. Lễ cưới được tổ chức trên tuyến lửa, thật đạm bạc, thiếu thốn vật chất, nhưng ấm áp tình đồng đội... Đó là cội nguồn sức mạnh giúp cho vợ chồng Hoàng Tuấn - Minh Cử vượt lên mọi gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Hưng nguyễn