Nhiều người còn đất, riêng ông mất đất!
Trong đơn thư ông Phùng Sỹ Nghị ở thôn Hạnh Phúc, xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa gửi về Báo CCB Việt Nam có nêu: Năm 1960, tôi được bố mẹ cho quyền sở hữu mảnh đất thổ cư 3.000m2, trên đất có nhà. 5 người con của vợ chồng tôi đã lần lượt sinh ra trên mảnh đất ấy. Đến năm 1976, tôi làm Chủ nhiệm HTX mua bán Hải Ninh. Lúc ấy, thực hiện chủ trương của Đảng là di dân để làm kinh tế, nhiều hộ dân ở thôn Hạnh Phúc xã Hải Ninh được vận động xuống xã Hải Châu để làm muối. Do có một người chống lệnh không đưa dân đi làm kinh tế, tôi được trực tiếp Thường vụ Huyện ủy động viên đưa người dân đi. Thời ấy, vì băn khoăn đi là mất nhà mất vườn nên nhiều hộ dân e ngại không đi. Huyện ủy đã phải động viên người dân đi và cam kết giữ nguyên nhà, đất và vườn của dân…
Năm 1977, cửa hàng lương thực của địa phương cần đất để xây kho phục vụ cho dân UBND xã Hải Ninh đã mời tôi lên, cùng với nhiều cán bộ của Đảng ủy xã, của cửa hàng lương thực để hỏi ý kiến, mượn đất nhà tôi làm kho cho Cửa hàng lương thực Cầu Đáy (chợ Kho), huyện Tĩnh Gia.
Năm 1980-1981 ở Hải Châu bị bão lớn, vỡ đê đồng muối nên nhiều người dân bỏ Hải Châu quay về Hải Ninh làm ăn. Hầu hết những người đi làm kinh tế khi quay về quê cũ đều sinh sống trên mảnh đất cũ trước đây của họ. Riêng đất gia đình tôi do Cửa hàng lương thực chợ Kho mượn, còn đang hoạt động nên năm 1982, tôi có đề nghị chính quyền trả mảnh đất đã mượn ấy để lấy chỗ nương thân. Thế nhưng trước hoàn cảnh kho lương thực còn đang hoạt động, tôi quyết định tiếp tục cho mượn đất của tổ tiên và đi ở nhờ đất tập thể, nhờ đất của người anh trai.
Nói với chúng tôi ông Nghị rơm rớm: Địa điểm đất nhà tôi gần đường giao thông, cửa hàng lương thực thuận lợi cho phục vụ nhân dân và khi đó tôi làm chủ nhiệm HTX mua bán đã đồng ý việc mượn đất đó… Nhưng khi cửa hàng lương thực không hoạt động nữa, tôi lại làm hồ sơ đòi lại đất, quyết liệt từ năm 1996 nhưng chính quyền vin nhiều lẽ không trả đất.
Kể về cuộc đời cống hiến cho cách mạng ông Nghị cho biết: Năm 1953, ông đi thanh niên xung phong ở đơn vị c303-Đội 34-Đoàn TNXP T.Ư sau đó phục vụ trong quân đội, đến năm 1963 phục viên về địa phương; từ năm 1963 đến 1989, ông tham gia công tác ở xã Hải Ninh và xã Hải Châu… 10 năm dài đằng đẵng xa quê, 26 năm phục vụ ở địa phương tôi được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý như Huân chương kháng chiến loại I, II; kỷ niệm chương Trường Sơn; huy hiệu 30 năm, 40 năm, 50 năm tuổi Đảng...
Nhìn thành tích của ông Nghị không ai phủ nhận ông là người không có công với nước? Thế nhưng ông lại có phần thiệt thòi và không được công bằng: Nhiều hộ dân ông đưa đi làm kinh tế mới và không may bị cơn bão càn quét họ phải trở về quê cũ làm ăn và đều còn đất, riêng ông mất đất. Mảnh đất 3.000m2 của bố mẹ ông để lại, ông chưa bao giờ trả lại đất đó cho Nhà nước, đất bị thu hồi và ông bị mất quyền sử dụng đất!

Ý kiến, kiến nghị của người dân không được xem trọng!
Ngày 2-2-1996, ông Nghị tiếp tục có đơn đề nghị trả đất gửi chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa. Đơn của ông có nhiều cá nhân từng là bí thư chi bộ, trưởng lão tại thôn Hạnh Phúc xác nhận về nguồn gốc đất và quá trình sử dụng mảnh đất trên. Riêng UBND xã Hải Ninh đã xác nhận: “Mảnh đất trên bản đồ 229 có diện tích 3.000m2 hiện nay Cửa hàng lương thực chợ Kho, huyện Tĩnh Gia đang tạm thời sử dụng là đất thổ cư của gia đình ông Phùng Sỹ Nghị như đơn trình bày và như xác nhận trong đơn là hoàn toàn đúng sự thực”.
Đặc biệt, trong văn bản đề nghị đòi đất này có ý kiến của ông Vũ Đình Hãn là phụ trách cửa hàng lương thực chợ Kho từ năm 1975 đến năm 1981 nêu rõ: “Do yêu cầu của ngành lương thực tôi đã xuống gặp Đảng ủy xã Hải Ninh để bàn bạc mượn khu đất nhà ông Phùng Sỹ Nghị - Ông Nghị đã chuyển nhà xuống xã Hải Châu làm muối. Kho lương lực xây dựng nhà cửa kho tàng từ đó đến nay”.
Dù có xác nhận như thế, ông Nghị đòi đất như vậy nhưng những người có trách nhiệm ở địa phương tỉnh Thanh Hóa không giải quyết trả lại đất cho ông.
Đau đáu vì mất đất, thời điểm năm 1999, ông Nghị lại tiếp tục làm đơn đề nghị đòi đất của mình gửi các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Thanh Hóa. UBND xã Hải Ninh lại tiếp tục có xác nhận: “Trước năm 1976, đất trên thuộc về đất thổ cư của gia đình ông Phùng Sỹ Nghị, khi xuống đồng muối xã Hải Châu làm kinh tế thì do bão lụt, vỡ đê, nhà cửa trôi hết nên phải trở về làm kinh tế. Khi quay về thì đất đã được địa phương làm thủ tục bàn giao (cho cơ quan lương thực mượn, gia đình phải ở nhờ anh trai cả). Cơ quan lương thực nay đã giải thể, để lại khu đất hoang, nhà cửa xuống cấp. Kính đề nghị quý cấp làm thủ tục bàn giao lại cho địa phương. Địa phương sẽ có trách nhiệm giải quyết với gia đình”.
Mặc dù nhiều lần chính quyền cơ sở xác nhận về nguồn gốc, lịch sử sử dụng đất như vậy nhưng UBND huyện Tĩnh Gia và tỉnh Thanh Hóa vẫn “phớt lờ” ý kiến, kiến nghị của người dân.
Nguyên do là ngày 25-4-1998, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 873/QĐ-NN/UB cho Cửa hàng lương thực huyện Tĩnh Gia thuê khu đất trên để sử dụng vào mục đích kinh doanh. Đến ngày 1-7-2005, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 1799/QĐ-UBND thu hồi 3.000m2 đất nêu trên giao cho UBND xã Hải Ninh quản lý. Diện tích đất trên lại tiếp tục bị bỏ hoang. Ngày 2-11-2011, UBND xã Hải Ninh có Báo cáo số 20/BC-UBND với nội dung đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét trả lại diện tích nêu trên cho gia đình ông Nghị sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.

Và… giải quyết sai luật?
Ngày 16-4-2012, UBND huyện Tĩnh Gia có Quyết định số 510/QĐ-UBND giải quyết đơn khiếu nại của ông Nghị. Theo đó, chính quyền xác định việc đòi lại đất của ông Nghị là không có cơ sở giải quyết vì diện tích đất này đã được công ty lương thực sử dụng sử dụng trước ngày 15-10-1993; đến năm 2005 UBND tỉnh Thanh Hóa thu hồi và giao lại cho UBND xã Hải Ninh quản lý…
Không đồng tình với Quyết định 510 nêu trên ông Nghị tiếp tục khiếu nại lên UBND tỉnh Thanh Hóa. Ngày 15-10-2012, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 3387/QĐ-UBND trả lời đơn khiếu nại của ông Nghị. Theo đó “Giữ nguyên quyết định số 510/QĐ-UBND của UBND huyện Tĩnh Gia”.
Văn bản 3387 của tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng “Nếu ông Nghị có đơn đề nghị cấp đất thì căn cứ vào quỹ đất và hoàn cảnh của địa phương UBND huyện thực hiện giao đất cho ông Nghị theo đúng trình tự và quy định của pháp luật. Lý do mà đơn vị này viện dẫn là Theo quy định tại Khoản 2, Điều 2, Luật Đất đai năm 1993 và Khoản 2, Điều 10, Luật Đất đai năm 2003 thì Nhà nước không thừa nhận việc ông Phùng Sỹ Nghị đề nghị Nhà nước hoàn trả lại đất cho gia đình ông”.
Liên quan đến vụ việc này, luật sư Nguyễn Công Tá, (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Trước năm 1980, đất đai còn tồn tại hai hình thức sở hữu tư nhân và sở hữu tập thể. Do vậy diện tích 3.000m2 đất thổ cư của ông Nghị được bố mẹ chia cho từ năm 1960 thuộc quyền sở hữu hợp pháp của gia đình ông. Việc UBND xã Hải Ninh cùng ông Phùng Sỹ Nghị thỏa thuận để Cửa hàng lương thực huyện Tĩnh Gia mượn, sử dụng 3.000m2 đất thổ cư trên đó có căn nhà hợp pháp của ông là một giao dịch dân sự.
Về lý, việc giải quyết các trường hợp khiếu nại đất đai phải căn cứ vào pháp luật đất đai tại thời điểm xảy ra các quan hệ đất đai dẫn đến khiếu nại tranh chấp. UBND tỉnh Thanh Hóa viện dẫn quy định của Khoản 2, Điều 2, Luật Đất đai năm 1993, nay là Khoản 2, Điều 10, Luật Đất đai năm 2003 để giải quyết vấn đề của gia đình ông Nghị là áp dụng sai với Khoản 3, Điều 112, Nghị định 181/2004 của Chính phủ…
Được biết, sau khi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Nghị đã có đơn khiếu nại gửi Thủ tướng Chính phủ về quyết định này. Ngày 21-8-2013, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Quang Thắng ký Văn bản số 6991/VPCP-V1 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là “Giao Thanh tra Chính phủ chủ trì cùng Bộ TNMT và UBND Thanh Hóa rà soát lại làm rõ các khía cạnh pháp lý liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất của ông Phùng Sỹ Nghị, có biện pháp giải quyết khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong quý IV năm 2013”.
Tuy nhiên theo CCB Phùng Sỹ Nghị đến thời điểm này vẫn chưa có kết quả hồi âm giải quyết vụ việc. Vì vậy, Báo CCB Việt Nam đề nghị Thanh tra Chính phủ sớm có kết luận, giải quyết dứt điểm trường hợp đòi đất này.
Bài và ảnh: Doanh Chính