Hiện, địa phương đang quản lý, thực hiện chế độ cho trên 1.200 cán bộ lão thành cách mạng; trên 500 cán bộ tiền khởi nghĩa; trên 300 người là ân nhân cách mạng; trên 1.500 đối tượng hoạt động kháng chiến (HĐKC) bị địch bắt tù đày; gần 60.000 liệt sĩ, hơn 46.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; hơn 15.000 bệnh binh (trong đó có trên 1.400 thương, bệnh binh nặng có tỷ lệ mất sức lao động trên 81% do thương tật); có 3.040 Mẹ VNAH, trên 100 Anh hùng LLVTND và Anh hùng Lao động; có 14.570 đối tượng HĐKC bị nhiễm chất độc hoá học. Tỉnh Thanh Hóa có trên 400.000 người HĐKC giải phóng dân tộc, tỷ lệ bình quân cứ 10 người dân thì có 1 người có công với cách mạng. Số đối tượng NCC đang hưởng trợ cấp hằng tháng là hơn 81 ngàn người, với kinh phí chi trả gần 130 tỷ đồng.
Đi đôi với việc thực hiện chế độ ưu đãi thường xuyên, hằng năm tỉnh tổ chức điều dưỡng, điều trị cho hơn 270 nghìn lượt NCC tại các Trung tâm điều dưỡng của tỉnh và các tỉnh bạn. 100% NCC và thân nhân được cấp thẻ bảo hiểm y tế... Ngoài ra, Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” luôn được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm triển khai và đạt hiệu quả cao. Từ năm 2007 đến 2016, tỉnh vận động được gần 100 tỷ đồng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, trong đó xây 2.496 nhà tình nghĩa, sửa chữa 1.361 nhà; tặng 1.721 sổ tiết kiệm...
“Đền ơn đáp nghĩa” là việc làm thường xuyên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Đời sống của NCC và gia đình liệt sĩ được cải thiện rõ rệt, 100% gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương nơi cư trú. Phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và NCC có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đó là biểu hiện cao đẹp của tình làng nghĩa xóm, ơn sâu nghĩa nặng, thủy chung của nhân dân đối với NCC.
Kim Loan