Tinh thần Ngày Quốc khánh 2-9 cổ vũ tinh thần dân tộc Việt Nam muôn đời sau: Mở ra thời đại mới cho Dân tộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) ngày 2-9-1945.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công. Ngày 2-9 của 77 năm về trước, tại vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam).

Theo Báo Cứu quốc (cơ quan tuyên truyền, tranh đấu của Mặt trận Việt Minh) ra ngày 5-9-1945 thì vào ngày 2-9-1945, giữa vườn hoa Ba Đình đã dựng sẵn một kỳ đài có đặt máy truyền thanh. Các đoàn thể đến dự lễ theo trật tự.

Hai giờ trưa ngày 2-9-1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời tới để khai mạc cuộc lễ. Buổi lễ bắt đầu. Lá cờ màu đỏ sao vàng được từ từ kéo lên ngọn cột cờ, trong khi đội quân nhạc cử bài Tiến quân ca. Trên kỳ đài, các thành viên Chính phủ Cách mạng lâm thời đưa nắm tay chào. Bên dưới, một rừng cánh tay cũng giơ lên.

Sau khi đại diện Ban Tổ chức đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng một giọng rành mạch, giản dị đã đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về việc chế độ phong kiến ở Việt Nam đã chấm dứt và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời. Người nhấn mạnh: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Dứt lời tuyên ngôn đanh thép ấy, tất cả quốc dân dưới kỳ đài đều đồng thanh cất tiếng lên và hoan hô như sấm vang.

Sau khi Chính phủ Cách mạng lâm thời tuyên thệ, đồng chí Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình bày về tình hình trong nước và những chính sách của Chính phủ. Tiếp đó, đồng chí Trần Huy Liệu tường trình về sứ mệnh vào Huế nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại. Đồng chí Trần Huy Liệu đưa ra trình với quốc dân chiếc ấn quốc bảo và thanh kiếm bằng vàng mà vua Bảo Đại đã trao là bằng chứng từ nay đã trao chủ quyền trong nước vào tay Chính phủ của nhân dân.

Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Lương Bằng - đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, thuật lại cuộc tranh đấu đầy nỗi gian lao, khó khăn mà Mặt trận Việt Minh đã theo đuổi trong mấy năm nay để giải phóng cho dân tộc và kêu gọi toàn thể đồng bào thống nhất, đoàn kết lại để ủng hộ Chính phủ, để Chính phủ có thể thi hành triệt để Chương trình kiến quốc của Mặt trận Việt Minh.

Ba giờ rưỡi chiều ngày 2-9-1945, quốc dân tuyên thệ. Đại diện Ban Tổ chức đọc to những lời thề. Mỗi lời đọc xong, toàn thể đồng bào đứng dưới kỳ đài đều hô to: “Xin thề!”, biểu lộ rõ ý chí bền vững không gì lay chuyển được của cả một dân tộc đã quyết giữ lấy tự do, độc lập của mình bằng bất cứ giá nào.

Cuộc lễ kết thúc. Bài Tiến quân ca do Đoàn quân nhạc cử lên. Cuộc mít-tinh biến thành một cuộc biểu tình vĩ đại. Các đoàn thể lần lượt diễu quanh kỳ đài rồi chia làm ba đường kéo đi.

Phát huy tinh thần Ngày Quốc khánh

Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (ngày 11-2-1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại: “Ngày 2-9-1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành lập, đã tuyên bố trước thế giới quyền độc lập của Việt Nam, và thực hiện những quyền tự do dân chủ ở trong nước”.

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc là những điều thiêng liêng và quý báu của dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thành công và “đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do và CNXH”. Về bản chất tốt đẹp của chế độ CNXH, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “CNXH là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ… Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là CNXH” . Bởi vậy, tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 sẽ cổ vũ tinh thần dân tộc Việt Nam muôn đời sau nhằm đưa đất nước Việt Nam tiến bước thành một nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Ðảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN... Năm 2020, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới . Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 vượt mốc 668,5 tỷ USD, đưa Việt Nam thành 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới .

Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đặt ra mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” vào năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên CNXH của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.

Huế, ngày 20-8-2022

Nguyễn Văn Toàn