Tỉnh Thái Nguyên: Đau lòng cặp vợ chồng CCB 18 năm ngủ ở chuồng trâu… trốn nhiễm điện
Đường dây 220kv Tuyên Quang - Thái Nguyên chạy vắt qua nóc nhà CCB Nguyễn Văn Bình, khiến cho 18 năm qua, hai vợ chồng ông bà biến căn nhà chính thành nơi chứa đồ và làm bếp nấu ăn…
Có nhà chính nhưng không dám ngủ vì sợ nhiễm điện cao thế 220kv! 18 năm nay, vợ chồng CCB Nguyễn Văn Bình và cô giáo làng Nguyễn Thị Tiến (thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ) đã biến căn nhà chính thành phòng tiếp khách kiêm bếp nấu ăn và nhà kho; còn tối đến, hai ông bà dắt nhau ra… ngủ ở chuồng trâu cũ hòng trốn nhiễm điện cao thế.
18 năm ngủ ở chuồng trâu cũ
Đã 18 năm nay, đều đặn ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ tối đến hai vợ chồng CCB Nguyễn Văn Bình và cô giáo Nguyễn Thị Tiến (đã nghỉ hưu) dắt nhau ra chuồng trâu cũ ở góc vườn ngủ để trốn nhiễm điện.
Chuyện là, vào tháng 5-2006, Dự án đường dây 220kv Tuyên Quang - Thái Nguyên gấp rút được đầu tư xây dựng, hướng tuyến chạy qua phần đất của gia đình ông Bình, bà Tiến và đi qua phần đất của hơn 80 hộ dân của huyện Đại Từ. Sau khoảng 10 tháng thi công, tháng 4-2007, Dự án hoàn thành và đóng điện được 10 ngày, cũng là lúc gia đình CCB Nguyễn Văn Bình bị nhiễm điện nặng. Bất đắc dĩ, thời điểm đó vợ chồng, con cái ông bà gồm 5 người phải chuyển xuống sống tạm trong chuồng trâu ở góc vườn. Kể từ đó, ông bà làm đơn kiến nghị gửi đi khắp nơi… Thời gian thấm thoắt, con cái ông bà lớn lên xây dựng gia đình. Gái lớn gả chồng về nhà chồng, trai lớn lấy vợ phải ra ngoài thuê nhà để ở…; còn hai ông bà cố bám trụ mảnh đất cha ông để lại và biến cái chuồng trâu cũ thành nơi ngủ nghỉ.
Gặp vợ chồng CCB Nguyễn Văn Bình vào những ngày cuối thu 2024, người lính già chia sẻ: Gần 10 năm tham gia chiến trường miền Nam đánh Mỹ, đi qua bao vùng đất từ Quảng Trị, Khe Sanh, Gia Lai…, rồi đến chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, ông tái ngũ để tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ vùng đất Lạng Sơn. Cuộc chiến trước cái chết, đạn pháo của quân thù, thứ chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh không làm ông run sợ, sờn lòng. Nhưng từ tháng 4-2007, khi đường dây 220kv chạy qua nóc nhà ông ở, dòng điện phóng xuống khiến ông khiếp hơn cả đạn pháo quân thù.
Ông kể: “Sau 10 ngày đóng điện năm ấy, có hôm vợ tôi ra giếng múc nước tắm giặt bị điện phóng ngã sấp mặt. Mấy lần tôi ra vườn trồng rau, cuốc đất, cũng bị điện phóng tê chân tay. Còn buổi tối hôm đóng điện, hai vợ chồng ngủ ở nhà trên, cảm giác như có tảng đá đè vào ngực, khó thở; sáng dậy người mệt lả…”. Cũng kể từ đó, hai ông bà và con cái dắt nhau xuống chuồng trâu ở góc vườn trú ngụ.
Kiểm tra khắp nhà đâu đâu cũng có điện phóng
Sau vụ điện phóng khiến vợ tôi ngã sấp mặt, một số đoàn kiểm tra, nhà khoa học đã về đánh giá mức độ nhiễm điện tại gia đình tôi và nhiều gia đình khác. Họ về đo thử mức độ nhiễm điện, kết quả kiểm tra đất đai, cây cối, vật dụng trong nhà đều có chỉ số điện tồn tại.
Nói rồi, ông Bình lấy tờ biên bản kiểm tra hiện trường ngày 30-10-2007 của Đoàn công tác theo Quyết định 1660/QĐ-BTNMT của Bộ TNMT do ông Hoàng Văn Vy - Phó trưởng phòng, Phụ trách Phòng Thanh tra Môi trường và Tài nguyên nước, Thanh tra Bộ TNMT làm Tổ trưởng về kiểm tra, đánh giá mức độ nhiễm điện của gia đình ông rồi đọc cho chúng tôi nghe.
Tại biên bản kiểm tra, kết quả cho thấy cường độ điện trường tại điểm bất kỳ gần nhất đến dây tĩnh (đường dây 220kv - PV) là 8,53m, điện áp cảm ứng từ dây ăng ten (ăn ten tivi - PV) thể hiện 862vol; trong quá trình kiểm tra, dùng bút thử điện thông thường chạm vào đầu dây ăn ten điện giật.
Cũng tại biên bản này, kết quả đo tại một số điểm bất kì trong nhà cách mặt đất 1m, cho thấy mức độ nhiễm điện từ 0,032 đến 0,04… vol. Khi thử bút thử điện trên người vào ban ngày thì bút thử điện không thấy sáng; ban đêm, đứng trên ghế (không tiếp đất) thì bút đèn sáng (sử dụng bút thử điện thông thường).
Đó là chuyện của hơn 10 năm về trước. Còn khi được hỏi những năm gần đây ông bà sinh sống dưới đường dây 220kv có cảm giác thế nào? Ông Bình liền cho hay: “Run sợ thì vẫn run sợ đó. Nhưng vợ chồng tôi sống gần 20 năm dưới đường dây 220kv quen rồi hay sao ấy, nên giờ cảm giác cơ thể như miễn nhiễm điện hết rồi…”. Vừa dứt lời, bà Tiến, vợ ông Bình ngồi cạnh liền hỏi ngược lại: “Từ lúc anh vào nhà tôi có cảm giác gì khác trong người hay không? Quả thực, trước câu hỏi của bà Tiến, để ý và cảm nhận chúng tôi có cảm giác cơ thể gai gai, bồn chồn, bứt rứt, tim đập nhanh hơn so với thường ngày... Rời nhà ông Bình ra khu ngõ để đi “mục sở thị” đường dây 220kv, cái cảm giác khác lạ đó dần tan biến khỏi chúng tôi. Nhưng cũng tại khu xóm nhỏ này, đập vào mắt lại là cả đường dây 110kv và 220kv song song chạy qua đất các hộ dân.
Một người hàng xóm với ông Bình chia sẻ: Ngày đầu đóng điện, tiếng kêu vo ve như đàn ong bay khá rõ. Hôm nào trời mưa phùn, tiếng lẹt xẹt ở đường dây còn kêu dữ hơn... Năm 1970, khi thi công đường dây 110kv qua đất nhà tôi, mấy chuyên gia ngành điện và chính quyền yêu cầu phạm vi hành lang lưới điện cách nhà dân tối thiểu 20m, tất cả công trình vật kiến trúc, cây cối phải di đời, phát quang đảm bảo cho an toàn lưới điện. Thời đó, đường điện 110kv xây dựng, nhà tôi nằm dưới đường dây cũng phải di dời. Chính ông Bình lúc đó sang giúp nhà tôi san gạt đất xây lại ngôi nhà mới mà hôm nay tiếp nhà báo đó. Nhưng chả hiểu sao, khi đường dây 220kv đi qua phần đất nhà ông Bình, dây thõng xuống cách nóc nhà ông khoảng hơn 8m, mà mấy ông thi công đường dây lại nói hộ gia đình ông Bình được tồn tại dưới hành lang lưới diện, không thuộc diện phải di dời…
Dự án đường dây 220kv Tuyên Quang - Thái Nguyên là dự án trọng điểm quốc gia, đi qua huyện Đại Từ và T.P Thái Nguyên. Tổng chiều dài đường dây đi qua Thái Nguyên là 40km đã được đóng điện mang tải vào ngày 27-4-2007 sau 10 tháng thi công xây dựng. Tuy nhiên, từ khi đường dây 220kv đóng điện, vận hành, nhiều hộ dân có nhà, công trình nằm trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện 220kv đã có đơn thư phản ánh, trong đó có hộ gia đình CCB Nguyễn Văn Bình. Hầu hết các ý kiến, kiến nghị của các hộ dân phản ánh về ảnh hưởng của đường dây đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt hằng ngày; kiến nghị việc bồi thường hỗ trợ chưa thỏa đáng và đề nghị được di chuyển nhà ở, công trình vật kiến trúc ở ra khỏi hành lang bảo vệ an toàn đường dây.
Vụ việc này sau đó được khá nhiều cơ quan từ T.Ư, Bộ, ngành và tỉnh Thái Nguyên, huyện Đại Từ… vào cuộc, xem xét giải quyết, nhưng đến nay hộ gia đình CCB Nguyễn Văn Bình vẫn kiên trì bám trụ ở chuồng trâu (cũ) để tiếp tục đeo đuổi kiến nghị; thậm chí còn phản ánh tới báo chí về công tác bồi thường, hỗ trợ khi triển khai dự án có “vấn đề” và đề nghị cơ quan có thẩm quyền ở tỉnh Thái Nguyên thực hiện theo đúng trình tự, quy định tại Điều 74, Luật Đất đai năm 2013…
(còn nữa)
Bài và ảnh: Tư Hoành