Tỉnh Quảng Ninh: Ách tắc, “mập mờ” dự án tỉnh lộ 331B… cần sớm có lối thoát
Hàng chục hộ dân ở phường Tân An, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh mới đây có đơn gửi Báo CCB Việt Nam phản ánh về việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB) đường liên tỉnh 331B có những điều "mập mờ", khó hiểu từ phía cơ quan chức năng thị xã Quảng Yên và cán bộ phường Tân An khi nhiều lần người dân đề nghị phối hợp ra thực địa xác định lại ranh giới mương nước với đất của dân để làm căn cứ giải quyết khiếu nại trong đền bù, nhưng không được... đáp ứng.
"Mập mờ" phương án GPMB?
Liên quan đến việc GPMB Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 331B đoạn Chợ Rộc - Bến Giang (km0+600 - km3+430 và km4+519 - km6+395) qua địa phận thị xã Quảng Yên, 14 hộ dân phường Tân An phản ánh UBND thị xã đã không làm rõ ranh giới thu hồi đất trước khi GPMB và áp giá bồi thường đất ở theo giá đất nông nghiệp, gây thiệt hại không nhỏ cho người dân bị thu hồi đất.
Ngoài đơn đơn thư gửi cơ quan báo chí, người dân còn gửi đơn kêu cứu tới Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh, các cơ quan: Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, Ban pháp chế HĐND, Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét, giải quyết kiến nghị của người dân.
Cụ thể người dân đề nghị các cấp có thẩm quyền tỉnh Quảng Ninh xem xét lại việc UBND thị xã Quảng Yên, Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã, UBND phường Tân An trong việc không công khai ranh giới GPMB, thu hồi đất ở của họ đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ (sổ đỏ), mà chỉ xác nhận là đất trồng cây lâu năm.
Bên cạnh đó, người dân cho rằng quá trình thực hiện kiểm đếm, GPMB có sự “nhập nhằng” ranh giới đất nằm trong và ngoài chỉ giới đường; cán bộ đo đạc “tự ý” điều chỉnh diện tích đất ở của họ đẩy lùi về phía sau thửa đất (điều chuyển vị trí đất ở sang vị trí đất trồng cây lâu năm- PV) để cho đủ diện tích đất ở theo sổ đỏ đã được cấp, qua đó lập phương án bồi thường về loại đất trồng cây lâu năm cho người dân...
Tài liệu, hồ sơ 14 hộ gia đình phường Tân An gửi kèm còn cho thấy, họ đã được cấp sổ đỏ và làm nhà ở, sinh sống ổn định trên đất nằm trong chỉ giới GPMB từ trước năm 1993. Tại sổ đỏ cấp lần đầu và cấp đổi mới nhất năm 2018, cũng thể hiện trong sơ đồ thửa đất của người dân đều có vẽ một con mương mà trên thực tế không còn nữa.
Bức xúc vì nhiều lần đề nghị cán bộ phường Tân An và cơ quan chức năng thị xã Quảng Yên ra hiện trường xác định lại ranh giới đường với đất của người dân đang sử dụng, nhưng không cán bộ nào “hợp tác” khiến người dân gần đây tự đứng ra tổ chức xác định ranh giới cho mình.
Kết quả cho thấy, từ tim đường 331B kéo vào đất của người dân đang sử dụng dài khoảng 7-8m, đào xuống, phát hiện phía dưới vẫn còn con mương xây dựng trước đây. Nhiều đoạn xác định con mương còn chui qua phía dưới móng nhà dân. Tại bản đồ địa chính năm 1995 cũng thể hiện có con mương chạy qua phần đất của các hộ dân...
Cần sớm ra hiện trường xác định mốc giới
Theo bà Phạm Thị Lý, con mương thể hiện trên sổ đỏ cũng như thể hiện trên bản đồ địa chính năm 1995 có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân, bởi nó phân định diện tích đất người dân được cấp sổ đỏ và diện tích đất chưa được cấp sổ đỏ. Bản thân nhà bà Lý, trên sổ đỏ và thực tế sử dụng vẫn thể hiện là đất ở, thế nhưng phương án đền bù GPMB chỉ tính cho gia đình bà là đất nông nghiệp, với đơn giá đền bù là 38.000đồng/m2.
Đáng chú ý, bà Lý còn cho biết toàn bộ diện tích đất phía ngoài mương Nhà nước đã sử dụng làm đường hoặc như thế nào người dân không hề biết, có hồ sơ. Phần diện tích này hiện nay cũng không còn trên thực tế để sử dụng.
Còn ông Vũ Ngọc Hựu thì bức xúc nói, khi lập phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư Dự án cải tạo, nâng cấp đường liên tỉnh 331B đoạn Chợ Rộc - Bến Giang (km0+600 - km3+430 và km4+519 - km6+395) qua thị xã Quảng Yên, cơ quan chức năng thị xã Quảng Yên và UBND phường Tân An lập hồ sơ và xác định phần đất chúng tôi bị thu hồi là đất nằm ngoài con mương (phần chưa được cấp sổ đỏ), nhưng khi chúng tôi tự đi kiểm tra và xác định, hầu như tất cả diện tích đất nằm trong chỉ giới thu hồi đều là phần diện tích “nằm phía trong con mương” - nghĩa là phần đã được cấp sổ đỏ.
Chính vì vậy, 14 hộ dân chung tôi nhiều lần đề nghị UBND phường Tân An, UBND thị xã Quảng Yên xác định ranh giới đất thu hồi trên thực địa và đối chiếu giữa sổ đỏ, thực tế sử dụng đất của chúng tôi để lập phương án bồi thường cho đúng loại đất nhưng không được đáp ứng - ông Hựu cho biết tiếp.
Thiết nghĩ, lời đề nghị của 14 hộ dân Tân An là chính đáng. Đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh sớm có chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc này.
Tư Hoành