Tỉnh Ninh Bình: Có chuyện “ăn cắp” tài nguyên khoáng sản ở Tam Điệp?
Đại công trường khai thác đất đá “lậu” tại xã Quang Sơn.
Trong lúc đang chờ tỉnh Ninh Bình gia hạn mỏ khai thác đất rộng hơn 30ha, thì từ giữa năm 2018, hiện tượng “ăn cắp” tài nguyên đã diễn ra tại đại công trường mỏ Thống Nhất cũng như vùng giáp ranh mỏ. Sự việc sau đó được chính quyền địa phương chấn chỉnh, nhưng khai thác khoáng sản chui vẫn tiếp tục tái diễn năm này qua năm khác…
Bất lực trước nạn… “đất tặc”?
Theo tìm hiểu, năm 2008, UBND xã Quang Sơn, thị xã Tam Điệp (nay là T.P Tam Điệp) có tờ trình về việc thu hồi đất của Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao để giao cho Công ty TNHH xây dựng Thống Nhất (Cty Thống Nhất) thuê với mục đích khai thác đất trong thời gian 3 năm. Đến tháng 11-2008, UBND tỉnh Ninh Bình có Quyết định thu hồi 10.000m2 để giao cho Công ty này. Sau đó, Cty Thống Nhất được UBND tỉnh Ninh Bình cấp phép thăm dò mỏ đất đá hỗn hợp vào tháng 6-2011 và có quyết định cho phép khai thác vào tháng 8-2013. Đến thời điểm năm 2017, giấy phép khai thác của Cty Thông Nhất hết hạn, nhưng sau đó, tình trạng san gạt, khai thác trong phạm vi mỏ vẫn diễn ra.
Ông Vũ Công Minh - Chủ tịch UBND xã Quang Sơn cho biết, mỏ đất đá của Cty Thống Nhất nằm trên địa bàn xã nhưng đã hết hạn và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, xin cấp giấy phép mở rộng khai thác. “Liên tục các tháng 4 đến 6-2018, UBND xã nhiều lần vào kiểm tra, lập biên bản yêu cầu dừng khai thác; đồng thời báo cáo lên UBND T.P Tam Điệp để xử lý. Nhưng máy móc dừng vài hôm rồi lại quay lại làm.
“Thậm chí, không chỉ khai thác trong diện tích được giao trước đây đã hết hạn, chủ mỏ còn thỏa thuận với người dân có diện tích đất đồi đang sản xuất, mua lại để khai thác” - ông Minh cho biết tiếp!
Việc mua bán cũng được ông Đinh Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Yên Sơn xác nhận có hai công dân ở xã lên Ủy ban hỏi thủ tục chuyển nhượng cho chủ mỏ. Theo đó, gia đình ông Dũng có khoảng 2.000m2, gia đình ông Vượng có khoảng 3ha đất đồi sản xuất. “Tuy là người của xã Yên Sơn nhưng diện tích này nằm trên địa phận xã Quang Sơn nên tôi đã giới thiệu sang xã bên để được hướng dẫn” - ông Bình nói.
Vẫn theo ông Bình, mỗi héc-ta giao dịch có giá khoảng 200-500 triệu đồng, tùy vào thỏa thuận giữa các bên.
Ông Bình cũng thông tin thêm: Mỏ nằm ở xã Quang Sơn nhưng đường vận chuyển lại đi qua xã Yên Sơn. Dù không phải là xã có mỏ nhưng người dân Yên Sơn lại là nơi hứng chịu khổ nhất. Hằng ngày đoàn xe chạy rầm rập ra vào mỏ khiến cho bụi tung mù mịt, các xóm có đường mỏ chạy qua phải bố trí tổ nhóm người chuyên tưới nước mỗi ngày, cuối tháng thì người dân tự quyết toán với chủ mỏ tiền công tưới nước đảm bảo vệ sinh. “Trước các cuộc họp của thành phố, chúng tôi đều có ý kiến về sự việc, nhưng thú thực mình là cấp dưới cũng chỉ biết kêu” - ông Bình thổ lộ!
Hàng trăm lượt xe mỗi ngày
Ghi nhận của PV những ngày cuối tháng 4-2019, sự việc khai thác đất đá tại khu vực mỏ Thống Nhất vẫn tái diễn. Mỗi ngày, bình quân hàng trăm lượt xe tải trọng lớn rầm rập chở đất đá từ đại công trường không phép gần đồi Ba Mào thuộc địa bàn xã Quang Sơn đưa đi san lấp mặt bằng. Có thể ví, việc vận chuyển đất đá giống như một “binh đoàn xe tải” chở hàng từ Bắc vào Nam. Hằng ngày “binh đoàn xe tải” này dày xéo đường 12B hướng ra đường số 1 để đến điểm đổ đất. Đoạn đường dù mới được rải thảm lại, nhưng đúng như những gì ông Chủ tịch UBND xã Yên Sơn nói thì đoàn xe chạy bụi mù đất đá khiến cho người dân hai bên đường muốn mưu sinh mở cái quán bán hàng kiếm thêm cũng không thể tồn tại được.
Theo lối đoàn xe tải, thâm nhập vào địa phận mỏ, dọc hai bên đường là những hố thùng sâu hủm của một số mỏ do Doanh nghiệp Xuân Thành, Xuân Trường… đã khai thác hết, bỏ lại. Khi đến đến gần khu vực mỏ của Cty Thống Thất, đập vào mắt chúng tôi là khu nhà “resort” được sơn màu trắng toát, nổi bật giữa vùng đồi núi Tam Điệp. Chưa kịp đi vào thì phóng viên bị nhóm thanh niên “bợm trợn” xông ra chặn đuổi, nói những lời thô tục…
Bất lực khi không thâm nhập vào nơi khai thác đất trái phép bằng con đường chính, chúng tôi được người dân chỉ dẫn muốn vào điểm đang khai thác phải lần theo đường mòn của rừng phòng hộ Tam Điệp (rừng thông thuộc địa phận xã Yên Sơn) gần đó, men qua khe suối, rồi leo lên đỉnh đồi Ba Mào (xã Quang Sơn) mới tận mắt thấy đại công trường khai thác hoành tráng đến cỡ nào. Đập vào mắt chúng tôi, một giàn xe máy móc đang thi nhau “ăn đất”. Những tiếng máy xúc gào xé vang vọng cả núi rừng Tam Điệp và kèm theo đó, hàng chục chiếc xe đầu kéo, xe “hổ vồ” (howo)… thay nhau chở đất. Ghi nhận trong khoảng thời gian chưa đầy 30 phút, hàng chục lượt xe từ đại công trường khai thác chở đất đi ra hướng đường 12B, rẽ vào đường số 1 và vượt qua mấy trạm CSGT để đến điểm đổ san lấp cho một dự án đang làm mặt bằng bán đấu giá tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình…
Được biết, tháng 12-2017, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Ngọc Thạch ký quyết định ban hành phương án bảo vệ khoáng sản trên địa bàn. Trong quyết định giao việc cụ thể và quy trách nhiệm rõ đối với các cấp từ xã, phường, huyện đến các sở ban ngành nếu để ra sai phạm.
Nhưng khi được hỏi vì sao không xử lý dứt điểm tình trạng khai thác “lậu” đất đá tại khu vực mỏ Thống Nhất? ông Vũ Công Minh - Chủ tịch UBND xã Quang Sơn cho biết, đoàn kiểm tra nhiều lần đến làm việc, lập biên bản nhưng khi đoàn vào kiểm tra chỉ được… làm việc với bảo vệ. Thậm chí quản lý mỏ còn gây khó dễ: Không bố trí người tiếp, dùng đối tượng bợm trợn để ngăn không cho vào. “Dù quản lý địa bàn nhưng tôi chưa một lần gặp mặt chủ mỏ. Việc bắt xe, xử lý vượt thẩm quyền, UBND xã đã nhiều lần báo cáo lên thành phố nhưng vẫn không được xử lý” - ông Minh nói.
Trong khi được hỏi một vị cán bộ UBND T.P Tam Điệp, vị này thừa nhận tình trạng khai thác như PV phản ánh là có. Tuy nhiên vị cán bộ phân bua “Trình tự cấp phép mỏ hiện nay rất khó, thi thoảng họ vào đào trộm, có chăng chỉ một vài xe”?!
Trao đổi qua điện thoại với ông Trịnh Xuân Ba - Giám đốc Sở TNMT tỉnh Ninh Bình, ông này nói gọn lỏn: “Tôi đang cho anh em vào kiểm tra rồi. Trên cơ sở ý kiến phản ánh, phía Sở cũng đã thành lập đoàn kiểm tra rồi… Còn hiện tượng khai thác, phải kiểm tra ông nào được quyền khai thác ông nào không được quyền khai thác…”.
Liên quan đến công trình như “Resort” trong mỏ của Cty Thống Nhất, ông Vũ Công Minh - Chủ tịch UBND xã Quang Sơn thông tin: Xã chỉ có thẩm quyền lập biên bản và báo cáo lên thành phố xem xét có hướng xử lý. Trong khi được hỏi ông Vũ Hữu Sử - Giám đốc Cty Thống Nhất thì vị này lại cho hay, khu nhà không phải do ông xây dựng và cũng không biết ai vào đó xây. Việc khai thác đất đá là của Công ty Minh Long. Nhưng khi soi lại danh sách các công ty được phép khai thác tại khu vực này thì không hề thấy cái tên Công ty Minh Long!
Doanh Chính và nhóm PV