Tính nhân văn của Chủ nghĩa Xã hội trong thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì phiên họp. Ảnh: Báo Nhân dân

"Tinh gọn bộ máy" là bước đi quan trọng có tính chiến lược nhằm tạo ra sự đột phá toàn diện trong công tác quản lý, điều hành, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh. Tinh gọn bộ máy đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử dân tộc, đến nay đã tạo thành động năng, động lực thực sự trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Loạt bài viết sẽ phân tích, làm rõ những nét nổi bật trong chủ trương tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, nhằm lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp trong đường lối chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.

BÀI 1

MỤC TIÊU CỦA CUỘC CÁCH MẠNG TINH GỌN BỘ MÁY

Chủ trương tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là mục tiêu cơ bản, lâu dài và xuyên suốt của cách mạng Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhấn mạnh: "Mục đích của việc tinh gọn tổ chức bộ máy quan trọng nhất là hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả để đưa đất nước phát triển"1 mục tiêu đó xuất phát từ quan điểm chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm hướng đến xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam phồn vinh và đem lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân. Tư tưởng ấy, trở thành kim chỉ nam hành động cách mạng và  là ngọn đuốc soi đường đưa đất nước ta vững bước đi trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế.

Tạo ra bộ máy vận hành trơn tru, hiệu quả trong hệ thống chính trị

Tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại trong thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy của các nước tiến bộ trên thế giới, kế thừa những bài học kinh nghiệm lịch sử từ Chủ nghĩa Mác- Lênin với quan điểm một tổ chức mạnh không phải vì số lượng mà ở chất lượng. Khi nói về cải tiến bộ máy Nhà nước, Lênin yêu cầu bộ máy nhà nước vô sản phải tinh gọn, đội ngũ cán bộ, nhân viên phải có chất lượng cao "thà ít mà tốt"...đến tư tưởng Hồ Chí Minh, Người cho rằng: "thực hành chấn chỉnh biên chế, để bớt sự đóng góp cho dân và thêm lực lượng vào công việc tăng gia sản xuất"2.

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta xác định rõ việc thực hiện Chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy qua các kỳ đại hội, trong đó có Nghị quyết số 18 -NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "về phương hướng đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả". Kết luận số 28- KL/TW của Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện chủ trương này với tinh thần quyết liệt, đồng bộ toàn diện. Gần đây nhất, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 127- KL/TW ngày 28 - 02 -2025 "về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị".

Tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Mục tiêu của tinh gọn là giúp bộ máy hoạt động trơn tru, ít người nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.Đến nay, cuộc cách mạngtinh gọn bộ máy của Bộ Chính trị, Ban chấp hành TWđã diễn ra toàn diện, đồng bộ và quyết liệtgóp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh, gọn, nhẹ, vận hành thông suốt, tối ưu nguồn lực, giảm cấp trung gian từ trung ương đến địa phương, kết thúc nhiều mô hình,số lượng rõ rệt3. Từ đó, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở từng vị trí việc làm chủ động trong đổi mới, sáng tạo, giảm bớt tình trạng “dẫm chân lên nhau", hạn chế tình trạng cấp ủy, tổ chức đảng bao biện làm thay chính quyền các cấp, có nơi bỏ sót, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, dẫn đến phát sinh tiêu cực, phiền nhiễu.

Đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội - bày tỏ “Một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là cơ sở để giải phóng sức sáng tạo, khơi thông các điểm nghẽn, đưa đất nước vận hành trơn tru, phát triển không ngừng. Ngược lại, một bộ máy cồng kềnh, hoạt động chồng chéo, trì trệ, kém hiệu quả sẽ tạo ra những nút thắt, cản trở quá trình vận hành, phát triển đất nước”.

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoàng Sơn (Hà Nội): "Khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 127-KL/TW vào ngày 28.2 vừa qua, không chỉ là một chỉ dấu về tầm nhìn chiến lược mà còn là sự khẳng định mạnh mẽ rằng chúng ta đang từng bước tháo gỡ những nút thắt cồng kềnh, hướng đến một hệ thống chính trị gọn nhẹ, vận hành trơn tru, tối ưu nguồn lực".

Với tinh thần, gương mẫu từ Trung ương xuống địa phương, việc tinh gọn tổ chức bộ máy mang khí thế của một cuộc cách mạng sâu rộng và thực chất được đông đảo tầng lớp nhân dân và bạn bè thế giới ủng hộ, đánh giá cao. Đây không chỉ là một nhiệm vụ trước mắt mà còn là một chiến lược lâu dài nhằm xây dựng hệ thống hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả vận hành trơn tru góp phần phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Đẩy mạnh số hoá trên môi trường điện tử, giải quyết khoảng cách về địa lý

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương nhằm đẩy mạnh ứng dụng phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bước đầu đạt nhiều kết quả. Sự ra đời của mỗi Nghị quyết đều đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng trong việc đưa đất nước không ngừng vươn tới mục tiêu giàu mạnh và hùng cường4. Trên cơ sở đó, ngày 29/11/2024 Ban chấp hành Trung ương Đảng Ban hành Nghị quyết số 204 - QĐ/ TW phê duyệt Đề án chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay nhằm tăng hiệu quả xử lý công việc chuyên môn, xây dựng văn hoá làm việc trên môi trường số của cơ quan Đảng. Trọng tâm, ngày 22/12/2024Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57 - NQ/TW về "Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia", tích hợp Al trong công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao khả năng tiếp cận, tăng cường tương tác với nhân dân trên các nền tảng chuyển đổi số.Đây là đột phá quan trọng hàng đầu, động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế, xã hội ngăn nguy cơ tụt hậu đưa đất nước phát triển bền vững, giàu đẹp trong kỷ nguyên mới. Ngày 14/03/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07/CT- TTg ngày nêu rõ: "Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới"…Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030 của nước ta cũng khẳng định: phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính để tăng trưởng kinh tế.Trên cơ sở giải pháp đẩy mạnh số hoá trên môi trường điện tử ngày 19 tháng 02 năm 2025,Đảng, Nhà nước ta đã ban hành Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia5.

Ở trong nước, "Chúng ta đang đứng trước một yêu cầu có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất"6.Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định nhiệm vụ "chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế"7. Vừa qua, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu đề xuất xem xét cho một số công chức được làm việc bán thời giantừ xa, theo Bộ Nội vụ:"chế độ làm việc từ xa giúp các cơ quan, đơn vị giảm thiểu chi phí về điện năng, điều hoà, thiết bị văn phòng, phòng làm việc, đồng thời công chức cũng có điều kiện chăm sóc gia đình và làm việc linh hoạt hơn", đây là một trong những lợi thế của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào chuyển đổi số góp phần tiết kiệm sức người, sức của đang được Đảng và Chính phủ tiếp tục nghiên cứu nhằm đem lại lợi ích, hiệu quả cao nhất cho người dân.

Như vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin, ưu tiên số hoá góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân và sự phát triển của đất nước là vấn đề đặc biệt quan trọng, đây là nội dung đã được các quốc gia trên thế giới quan tâm và tạo điều kiện rất lớn, trong bối cảnh số hóa hiện nay.

Xây dựng nguồn nhân sự chất lượng cao, tạo cơ chế thu hút nhân tài

Xây dựng nguồn nhân sự chất lượng cao là8 đích đến cuối cùng của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, nhằm thay đổi rõ rệt về chất lượng hoạt động, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng cán bộ trong phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân9. Ngày 31/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ- CP “quy định chính sách thu hút trọng dụng người có tài làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”9. Tổng Bí thư Tô Lâm từng phát biểu: “làm sao tinh gọn, làm sao hiệu lực, làm sao cán bộ huyện về xã nâng cao chất lượng cán bộ…để lựa chọn đưa được vào cán bộ có trình độ, có chuyên môn, có hiểu biết để vào làm”.Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh10: “tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, với việc lựa chọn cán bộ đúng, trúng, phát huy trách nhiệm cá nhân của mỗi người với nhiệm vụ được giao, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết”.

Mới đây, Bộ Nội vụ đề xuất quản lý công chức theo vị trí việc làm đảm nhận, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, theo "Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) quy định quản lý công chức theo vị trí việc làm, bỏ quy định về ngạch công chức theo quy định hiện hành".Việc đổi mới cán bộ, công chức theo vị trí việc làm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, chất lượng ngày một nâng cao.

Như vậy, mục tiêu tinh gọn tổ chức bộ máy, góp phần thanh lọc tái cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chứccó tư duy đột phá, sẵn sàng cống hiến vì lợi ích chung, xây dựng nguồn nhân sự chất lượng cao trong các cơ quan, đơn vị của hệ thống chính trị.

Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Thanh

(Phòng Tuyên huấn, Bộ Tổng Tham mưu)

(Còn nữa)


1Tổng Bí thư Tô Lâm (13/02/2025), Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khoá XV tại Đoàn Hà Nội về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.  

2Hồ Chí Minh: Toàn tập Sđd, t.7, tr.164, 432, 367.  

3Cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021- 2026 giảm 5 Bộ, ngành, 30 đầu mối cấp tổng cục, 1025 đơn vị cấp cục, vụ và tương đương, 240 đơn vị sự nghiệp. Cùng với đó, tại các địa phương cũng đã giảm đáng kể số lượng sở, ban ngành: 466 sở, ngành và cấp tương đương, 644 đoàn, đảng đoàn và ban cán sự đảng, 3984 đơn vị cấp phòng và tương đương, 27 đảng bộ cấp trên trực tiếp và các tổ chức cơ sở đảng so với trước đây.  

4 Xem: "Lê Long Khanh: "Một chiến lược mang tính đột phá" Báo Quân đội nhân dân điện tử", ngày 25 - 12 - 2024, http;//www.qdnd.vn/chinh-tri/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/mot-chien-luoc-mang-tinh-dot-pha-808689.  

5Theo đó, tạo điều kiện cho việc sử dụng ngân sách Trung ương để triển khai nền tảng số dùng chung và chỉ định thầu các dự án chuyển đổi số, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp triển khai nhanh 5G, chính sách phát triển tuyến cáp viễn thông kết nối quốc tế trên biển do doanh nghiệp viễn thông Việt Nam tham gia góp vốn hoặc làm chủ đầu tư, thí điểm có kiểm soát dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp, hỗ trợ nhà máy điện đầu tiên phục vụ nghiên cứu, đào tạo sản xuất chip bán dẫn…  

6Tô Lâm: "Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới", Tạp chí Cộng sản, số 1.045 (tháng 9 năm 2024), tr.6  

7Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I,tr.120 - 121.  

8Khái niệm chỉ người lao động có sức khỏe, thể chất, tinh thần tốt, có trình độ tay nghề cao, khả năng lao động giỏi và kỹ năng chuyên môn tốt trong nghề, có những phẩm chất xã hội tốt như tinh thần nhân văn tập thể, hòa nhập, thích nghi trong môi trường đa văn hóa.  

9 Đối tượng áp dụng theo Nghị định số 179/2024/NĐ - CP bao gồm: (1) Cán bộ, công chức (bao gồm cả cán bộ công chức cấp xã), viên chức; (2) Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng; (3) Chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam hoặc là người nước ngoài.  

10 Thủ tướng Phạm Minh Chính (sáng 02/01/2025) Chủ trì phiên họp thứ bảy của Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 - NQ/TW về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".