Trong nhiều thập kỷ qua, cùng với sự chuyển mình của quê hương đất nước, ngành Y tế tỉnh Nghệ An đã đóng góp một phần không nhỏ vào những thành tựu đạt được về kinh tế, xã hội của tỉnh nhà. Những tấm gương người tốt, việc tốt được thể hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy chăm sóc phục vụ người bệnh. Để nâng cao y đức người thầy thuốc, ngày 29-4-2004, thực hiện QĐ 38/QĐ-UB của UBND tỉnh, ngành Y tế Nghệ An đã xây dựng đề án “Nâng cao y đức” trong các cơ sở khám chữa bệnh.
Sau 10 năm triển khai thực hiện, ngày 20-2-2014, Sở Y tế Nghệ An đã tổ chức Hội nghị tổng kết và vinh danh các gương sáng y đức trong ngành Y tế tỉnh Nghệ An, đồng thời tôn vinh sự đóng góp, cống hiến của đội ngũ những người thầy thuốc nhân kỷ niệm 59 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2). Nhân dịp này, PV Báo CCB Việt Nam khu vực miền Trung đã có cuộc tiếp xúc, trao đổi với một số cán bộ là lãnh đạo, UBND tỉnh, Sở Y tế và giám đốc một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh Nghệ An về quá trình thực hiện đề án “Nâng cao Y đức” trong các cơ sở KCB.

Bác sĩ, CK II Bùi Đình Long, Giám đốc Sở Y tế
Đề án “Nâng cao y đức” trong các cơ sở KCB ra đời thật đúng thời điểm, được tập thể các thầy thuốc, các y, bác sĩ, CBCNVC trong ngành Y tế Nghệ An đón nhận trân trọng. Đề án được triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt từ cấp tỉnh đến tận cơ sở y tế xã, phường càng cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, các cơ quan, ban ngành vì sự phát triển của ngành Y tế Nghệ An. Trong 4 mục tiêu mà đê án đặt ra, thì mục tiêu số một là nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ và chất lượng phục vụ người bệnh; tận tụy hết lòng yêu thương người bệnh, công bằng trong khám, chữa bệnh, không phân biệt đối xử và luôn làm hài lòng người bệnh… là rất quan trọng. Đại đa số cán bộ y tế đã hiểu được nâng cao y đức trước tiên là nâng cao tinh thần thái độ phục vụ, trách nhiệm, tận tụy với người bệnh xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm của những người thầy thuốc. Bên cạnh đó, người thầy thuốc phải luôn rèn luyện, chăm chỉ học tập nâng cao tay nghề, nâng cao trình độ nghiên cứu, chẩn đoán, làm chủ các trang thiết bị và công nghệ hiện đại để phục vụ công tác khám, chữa bệnh…

Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc BVĐK huyện Anh Sơn
Bệnh viện đa khoa huyện Anh Sơn là bệnh viện hạng III thuộc huyện miền núi xa trung tâm TP Vinh, công tác KCB gặp rất nhiều khó khăn. Điều đó đặt ra cho tập thể cán bộ y, bác sĩ phải nâng cao y đức, trau dồi nghiệp vụ, năng động và sáng tạo. Chúng tôi nghĩ rằng, nghề y là chữa bệnh cứu người, liên quan đến sức khỏe và tính mạng của con người, bởi vậy y đức không chỉ là thái độ, tinh thần trách nhiệm mà còn là thể hiện trình độ chuyên môn. Y đức là cái tâm của người thầy thuốc, mỗi chúng ta phải thường xuyên phấn đấu, rèn luyện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Trường, Phó Giám đốc BVĐK TP Vinh
Phải xem việc nâng cao y đức là việc làm cần thiết, thiết thực trong chiến lược phát triển của bệnh viện. Phải được tiến hành thường xuyên, lâu dài, liên tục quyết liệt bằng nhiều giải pháp. Hình thành y đức không phải là một sớm, một chiều, đó là sự kế thừa từ quá trình rèn luyện nhân cách đạo đức ở mỗi con người, qua các thế hệ. Đổi mới phương thức lãnh đạo, tăng cường công tác quản lý, giao quyền tự chủ cho các khoa, phòng, tạo môi trường làm việc tốt để mỗi cán bộ, nhân viên đều có cơ hội và điều kiện phát triển.

Bác sĩ Tăng Việt Hà, Giám đốc BVĐK khu vực Tây Bắc tỉnh Nghệ An
Y đức của người thầy thuốc được biểu hiện ngay từ thái độ, tác phong khi tiếp xúc với người bệnh. Thái độ càng nhiệt tình, vui vẻ, lịch sự, không gây phiền hà, sách nhiễu thì người bệnh càng yên tâm khi vào điều trị tại bệnh viện. Thực hiện khẩu hiệu “Đến niềm nở, ở tận tình, ra về dặn dò chu đáo”, “Làm hết việc không kể hết giờ” đều nói lên trách nhiệm của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên phục vụ. Để nâng cao y đức, một vấn đề không kém phần quan trọng là làm tốt công tác đào tạo cán bộ, yếu tố quyết định cho mọi vấn đề. Đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, về lý luận chính trị, về quản lý Nhà nước, quản lý chất lượng bệnh viện… có như vậy thì người cán bộ y tế mới có trình độ, kiến thức vững vàng, ứng xử chuẩn mực với người bệnh, đúng với quy định về chuẩn đạo đức của người thầy thuốc.

Bà Đinh Thị Lệ Thanh, UVBTV, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An
Trong 10 năm qua, ngành Y tế Nghệ An đã tổ chức nhiều đợt học tập, quán triệt Đề án “Nâng cao y đức” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhiều thầy thuốc, nhiều tập thể đã ngày đêm tận tụy phục vụ người bệnh, coi người bệnh như người thân của mình, ngày đêm bám giường bệnh, tập trung cứu chữa người bệnh qua cơn hiểm nghèo, trả lại sự sống, niềm vui hạnh phúc cho nhiều gia đình và xã hội. Nhiều bệnh viện đã lấy chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân làm thước đo y đức của cán bộ y tế. Nhiều tập thể, cá nhân được Chính phủ, Nhà nước, bộ, ngành T.Ư và tỉnh tặng các danh hiệu thi đua: Ngành Y tế Nghệ An vinh dự được Nhà nước tặng thưởng HCLĐ hạng nhì (năm 2010); 2 thầy thuốc được phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”; 96 thầy thuốc được phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”; 143 cá nhân được công nhận gương sáng y đức và nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý khác của Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh…
Tuy vậy, so với yêu cầu bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng cao, ngành y tế còn bộc lộ nhiều bất cập, y đức, y thuật của một số thầy thuốc chưa tốt, làm cho người bệnh, người dân phân tâm, bức xúc. Để giải quyết vấn đề này, năm 2014 và những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung của Đề án “Nâng cao y đức” trong các cơ sở KCB, tăng cường giáo dục y đức cho đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế. Bằng các quy định y đức, quy chế ứng xử … mà Bộ Y tế đã ban hành; bằng việc phát hiện, biểu dương, tôn vinh kịp thời những tấm gương tài năng, đức độ, cống hiến hết mình cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân ở tất cả các đơn vị từ tỉnh đến cơ sở nhằm khuyến khích, động viên các thầy thuốc, nhân viên y tế hoàn thành sứ mạng “Thầy thuốc như mẹ hiền”.