Tình ngay ý gian!
Học viên Nguyễn Hữu Ngọ (thứ hai bên trái) cùng thầy và các bạn trong giờ thực hành tại sân bay Varonhez, năm 1975.
Tháng 12-1972, từ miền quê Phú Thọ, tôi nhập ngũ vào Sư đoàn 304b. Sau thời gian huấn luyện tân binh, tôi khám và trúng tuyển đi học phi công quân sự. Vào trường dự khóa bay được một thời gian, đơn vị khám sức khỏe lại, tôi bị loại và chuyển xuống học kỹ thuật hàng không. Nhưng cũng chỉ đến giữa năm 1974, chúng tôi lại được trên chọn cử đi học kỹ thuật hàng không ở Liên Xô. Niềm vui đến thật bất ngờ với tôi cũng như gia đình, bạn bè. Được sang học ở đất nước Liên Xô vĩ đại có lãnh tụ Lênin, là quê hương Cách mạng Tháng Mười nên trong lòng chúng tôi đều thấy lâng lâng!
Sau hai tuần trên chuyến tàu liên vận, chúng tôi đến Liên Xô và được đưa ngay đến T.P Varonhez, ở tây nam nước Nga để học kỹ thuật máy bay TU-134 và TU-144.
Do tình hình các mối quan hệ quốc tế nên đoàn học viên chúng tôi sang đợt này theo diện học viên dân sự. Do đó, việc tuân thủ kỷ luật phải “nghiêm hơn ở nhà” và không được “để lộ” mình là quân nhân! Đoàn 75 học viên chúng tôi có đến 3 cán bộ quản lý. Hai ông sang cùng đoàn và một cán bộ ở Đại sứ quán được giao đặc trách theo dõi. Mọi hoạt động đều theo chỉ đạo sát sao của Đại sứ quán.
Trước khi vào học kỹ thuật, chúng tôi chỉ có 6 tháng học tiếng Nga. Đây là thử thách đầu tiên, bởi nếu không học tốt tiếng Nga thì không thể học kỹ thuật hàng không được! Với tư cách Bí thư chi đoàn, tôi nêu vấn đề phải phát động thi đua trong học tập với tinh thần: “Học ngày chưa đủ, tranh thủ học đêm”. Không chỉ kết quả học tập, tính ham học, kỷ luật, tác phong của chúng tôi đã làm các thầy, cô giáo phải ngạc nhiên.
Người thầy tiếng Nga đầu tiên của tôi là cô Valenchina Phiodropgna. Khi ấy, cô chừng gần bốn chục tuổi, dáng to cao, da trắng hồng... Ngay từ lần gặp đầu tiên, chúng tôi đã rất thiện cảm bởi vẻ phúc hậu của cô. Không chỉ nhiệt tình, nghiêm túc trong dạy học, cô còn rất quan tâm đến suy nghĩ và những khó khăn của học viên Việt Nam. Sự tận tình của cô là yếu tố quan trọng giúp chúng tôi tiến bộ rất nhanh. Chỉ sang năm thứ hai, tôi và một vài anh đã có thể làm phiên dịch cho các bạn năm thứ nhất.
Việc học tập thật suôn sẻ, việc rèn luyện cũng được duy trì chặt chẽ. Chế độ điều lệnh không nhiều như khi huấn luyện tân binh hay học ở trong nước nhưng cũng rất nghiêm. Thứ tư hằng tuần sinh hoạt tiểu đội, thứ sáu sinh hoạt đoàn và bình tuần. Chủ nhật hằng tuần đều có xe của trường đưa học viên đi tham quan, xem xiếc hoặc nghe ca nhạc. Ra phố phải đi theo tốp hai, ba người chứ không được tự do đi một mình. Được quán triệt nhiều nhất là các quy định về quan hệ với người nước ngoài.
Một lần tôi phải vào bệnh viện điều trị dạ dày. Nằm cùng phòng với tôi là Giáo sư Nhicolai Anđrayavic - giảng viên của Trường đại học Tổng hợp Varonhez. Tôi rất hay nói chuyện với ông để tranh thủ luyện tiếng và bổ sung kiến thức. Cũng vì vậy mà ông rất quý mến tôi. Hằng ngày vào thăm, vợ ông cũng mang thêm nước quả ép và nước ép gà cho tôi dùng. Quý mến tôi, nên khi chia tay, ông bảo: Hôm nào tao sẽ đến đón mày ra nhà chơi.
Như đã hẹn, một sáng chủ nhật, ông đánh xe đến tận trường xin phép cho tôi được ra nhà ông chơi. Rồi, việc tôi ra nhà ông chơi dần trở thành lẽ tự nhiên. Tôi rất thích, vì điều đó giúp tôi hiểu thêm rất nhiều về đất nước, con người Xô Viết, trình độ tiếng Nga của tôi tiến bộ rất nhanh. Biết được điều đó, ông bà vui lắm và luôn khuyến khích tôi tranh thủ mọi điều kiện mà học.
Rồi một sáng chủ nhật, tôi ra cổng chờ ông đến đón. Từ trong xe, cô Vera Anđrayevna - con gái của Giáo sư bước ra bảo tôi: “Hôm nay bố em mệt, bảo em đến đón anh”. Tôi chần chừ, định không đi. Nhưng rồi lại nghĩ, lần trước Giáo sư đã xin phép trường rồi, phần nữa là đứng ở đây lâu cũng không hay, nhất là lại cùng với cô gái Nga xinh đẹp. Thế là tôi lên xe. Đến nhà, tuy mệt nhưng ông vẫn chuyện trò vui vẻ cùng tôi như những lần trước.
Nhưng thật bất ngờ, ngay tối hôm đó, tôi được cán bộ lớp báo lên gặp Đoàn phó. Ông yêu cầu tôi phải làm bản kiểm điểm vì đã vi phạm kỷ luật. Lý do là có người thấy, sáng nay tôi lên xe ô tô đi chơi với một cô gái người nước ngoài không báo cáo. Tôi ra sức giải thích mà không được nên buồn và lo lắng vô cùng. Mọi việc đang rất tốt đẹp lại dính vào vụ việc kỷ luật thế này, nếu phải thì về nước biết nói thế nào đây? Thật tiếc nếu phải mất cơ hội học tập khi bị “đuổi” về nước!
Ngay hôm sau, anh em trong lớp đã cùng nhau xin cho tôi nhưng cũng chẳng ăn thua. Được tin, cô giáo Valenchina Phiodropgna vội đến gặp ông Đoàn phó, rồi gặp Hiệu trưởng Papop Nhicolai Andrevich trình bày. Cô nhận xét rất tốt về tôi và đề nghị không kỷ luật để tôi tiếp tục được ở lại học. Giáo sư Nhicolai biết tin cũng vội đến cùng với một tờ đơn. Ông gặp cán bộ quản lý, gặp cả lãnh đạo nhà trường để trình bày và xin “bảo lãnh” cho tôi. Chờ ông Hiệu trưởng hứa giúp, rồi Giáo sư mới ra về.
Cũng may cho tôi là, đúng dịp ấy bà Hồng Nhung - Bí thư thứ hai của Đại sứ quán đang công tác tại thành phố đã đến làm việc với nhà trường. Sau khi nghe báo cáo, biết rõ ngọn ngành sự việc, bà đã đồng ý không kỷ luật để tôi được ở lại tiếp tục học tập. Thế là tôi thoát “tội”, lập tức sửa sai để ngay trong khóa học ấy, tôi là 1 trong 2 học viên tốt nghiệp xuất sắc.
Thật hú vía! Vụ “tình ngay, lý gian” của cái thuở còn ngu ngơ ấy đã cho tôi bài học nhớ đời.
Vũ Quang Huy (ghi)
Đại tá Nguyễn Hữu Ngọ - Chủ tịch Hội CCB phường Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội (kể)