Tỉnh Hưng Yên: Dân nghèo khốn khổ vì hai bản án không đúng với sự thực khách quan

Dù chồng bà Đoan đang nằm viện, nhưng vì nỗi oan khuất của gia đình, hằng tuần bà vẫn lên TAND Cấp cao ở Hà Nội để đề nghị giám đốc thẩm hai bản án…

Hai bản án của các cấp tòa ở tỉnh Hưng Yên dựa trên chứng cứ then chốt là Quyết định thu hồi đất, tuy nhiên lại viện dẫn sai, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở tỉnh Hưng Yên.

Quyết định thu hồi đất, không ghi thu hồi đất gia đình Quyết, bà Đoan

Theo hồ sơ vụ việc, gia đình ông Đặng Sỹ Quyết và Nguyễn Thị Đoan có một thửa đất số 06 (72), tờ bản đồ số 01 diện tích 783m2, ghi mục đích sử dụng là đất trồng lúa. Ngày 10-9-2004, trên diện tích đất này, gia đình ông có Biên bản thỏa thuận nhượng lại với số tiền 20 triệu đồng cho Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) Tân Phúc (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) diện tích 368m2 để xây trụ sở và cho gia đình anh Đặng Sỹ Nhị và Nguyễn Thị Hạnh thuê 160m2 đất trong 49 năm. Phần còn lại của thửa đất trên, gia đình bà Đoan vẫn đang sử dụng đến nay.

Tuy nhiên trong quá trình sử dụng có tranh chấp xảy ra, Quỹ TDND cho rằng, họ có quyền sử dụng 528m2 đất (trong tổng diện tích 738m2 đất của hộ gia đình ông Quyết bà Loan) nên đã làm đơn ra tòa, đòi nốt cả phần đất mà gia đình bà Loan cho gia đình anh Đặng Sĩ Nhị và Nguyễn Thị Hạnh thuê. Quỹ TDND xã Tân Phúc đã khởi kiện ra tòa án yêu cầu anh Nhị và chị Hạnh trả đất. Họ cho rằng, từ ngày 2-2-2005, UBND tỉnh Hưng Yên có Quyết định 245/QĐ-UB về việc thu hồi 528m2 đất ở thửa số 88, tờ bản đồ số 2 của gia đình ông Quyết và bà Đoan để thực hiện dự án xây dựng Trụ sở Quỹ TDND Tân Phúc. Sau đó, Quỹ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên vào năm 2014.

Dựa trên Quyết định thu hồi đất, Bản án sơ thẩm số 01/2014/DSST ngày 18-12-2014 của TAND huyện Ân Thi và Bản án Phúc thẩm số 16/2015/DSPT ngày 27-4-2015 của TAND tỉnh Hưng Yên tuyên gia đình anh Nhị, chị Hạnh và bà Đoan phải trả đất cho Quỹ TDND xã Tân Phúc, đồng nghĩa với việc bà Đoan và ông Quyết mất đất. Bà Loan bức xúc cho biết: Bản thân tôi chưa bao giờ được nhìn thấy Quyết định thu hồi đất của gia đình mình. Tháng 5-2019, sau khi yêu cầu chính quyền địa phương nhiều lần, gia đình tôi mới được nhìn thấy Quyết định 245/QĐ-UB ngày 2-2-2005 này. Tại Điều 1 Quyết định ghi rõ: “Thu hồi 528m2 đất 2 vụ lúa thuộc địa phận xã Tân Phúc, huyện Ân Thi để thực hiện dự án xây trụ sở làm việc Quỹ TDND xã Tân Phúc. Vị trí thu hồi đất tại thửa số 88 tờ Bản đồ địa chính số 02 tỉ lệ 1/2000 xã Tân Phúc huyện Ân Thi”. Như vậy, rõ ràng theo Quyết định thu hồi đất trên không thu hồi đất của gia đình tôi. Số hiệu thửa đất bị thu hồi cũng không trùng với thửa đất có trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình tôi.

Theo bà Đoan, đến nay bà chỉ xác nhận được nhận số tiền là hơn 20 triệu đồng từ Biên bản thỏa thuận của Quỹ TDND xã Tân Phúc (biên bản có trước thời điểm Nhà nước thu hồi đất) chứ chưa từng nhận được tiền bồi thường do Nhà nước thu hồi đất theo Quyết định 245/QĐ-UB ngày 2-2-2005. Trong biên bản thỏa thuận đó cam kết, Quỹ TDND cam kết chỉ lấy 368m2 và bớt lại cho gia đình tôi là 160m2. Theo các thỏa thuận dân sự trên, gia đình tôi không thể mất đất.

Gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, cần sự công tâm của Tòa cấp cao…

Bức xúc với các bản án của tòa án, gia đình bà Đoan và ông Quyết đã nộp đơn đề nghị kháng nghị từ năm 2015 đến nay, nhưng chưa nhận được bất cứ hồi âm nào từ TAND cấp cao tại Hà Nội. Trao đổi với PV, bà Đoan cho rằng chồng bà là người đứng đơn đề nghị kháng nghị vụ án trên, nhưng bây giờ sức khỏe tinh thần ông Quyết rất yếu, hằng tháng phải nhận trợ cấp người khuyết tật của địa phương…

Điều đáng nói, với hai bản án được xét xử sơ thẩm và phúc thẩm trong năm 2014 và 2015 ở hai cấp tòa án ở Hưng Yên không chỉ không đúng với sự thực khách quan mà còn không thể đưa bản án vào thi hành. Bởi từ năm 2006, gia đình bà Đoan và ông Đặng Sỹ Nhị và Nguyễn Thị Hạnh đã ký Hợp đồng cho thuê đất với nhau. Gia đình anh Nhị và chị Nguyễn Thị Hạnh đã xây dựng nhà ở kiên cố trên diện tích đất trên trước khi có hai bản án của Tòa án.  

Một điểm đáng chú ý nữa là hai bản án trên Hội đồng xét xử tuyên Hợp đồng cho thuê đất đó vô hiệu, nhưng không xử lý hậu quả của hợp đồng nên các công trình trên đất vẫn chưa được xử lý. Để thi hành các bản án trên, hiện Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ân Thi đang ra các quyết định thi hành án, nhưng xử lý cả các công trình không có trong nội dung các bản án, điều này sẽ vấp phải sự phản đối gay gắt từ người dân (theo quy định của pháp luật thì Tòa án cần giải thích rõ bản án hoặc cơ quan thi hành án cần đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm với bản án - PV).

Thiết nghĩ, để giải quyết công bằng, đúng luật vụ việc của gia đình bà Đoan, các cơ quan thi hành án của tỉnh Hưng Yên cần đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm. Các sai lầm nghiêm trọng về nội dung và tố tụng tại Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2014/DSST ngày 18-12-2014 của TAND huyện Ân Thi và Bản án dân sự Phúc thẩm số 16/2015/DSPT ngày 27-4-2015 của TAND tỉnh Hưng Yên ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của công dân. Người dân và công luận đề nghị Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội sớm xem xét kháng nghị toàn bộ hai bản án trên. Và vụ án này cần được trả về TAND tỉnh Hưng Yên để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm. Bên cạnh đó cần làm rõ Quyết định số 245 ngày 2-2-2005 là thu hồi đất của ai, ở đâu, đã đúng trình tự hay chưa? Đây chính là mấu chốt để kết luận đúng đắn ai là người có quyền sử dụng đất, qua đó mới bảo vệ quyền lợi chính đáng cho những người dân được!

Chính Nhi