Tính hợp lý của Ðiều 4 trong Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) (20/02/2013)
Từ khi các phương tiện thông tin đại chúng của nước ta đăng toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để lấy ý kiến toàn dân, có một số ý kiến đề nghị bỏ Ðiều 4 hoặc thay bằng quy định chung về các đảng chính trị theo hướng đa nguyên, đa đảng.
Ðể làm rõ những bổ sung, phát triển Ðiều 4 trong Dự thảo Hiến pháp năm 1992, chúng tôi xin nêu một số ý kiến về những vấn đề nêu trên.
- Quy định về đảng chính trị trong hiến pháp mang tính phổ biến
Chúng ta đều biết, ngày nay, đảng chính trị đã trở thành hiện tượng phổ biến trên thế giới, có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội và là nhân tố không thể thiếu trong quá trình chính trị và đời sống chính trị của hầu hết các nước. Nước nào cũng có đảng phái chính trị.
Hiến pháp của nhiều nước có những quy định về đảng chính trị. Chẳng hạn, Hiến pháp của U-dơ-bê-ki-xtan có 3 điều, Hiến pháp của các nước Thổ Nhĩ Kỳ, U-crai-na, Ba Lan có 2 điều, Hiến pháp của các nước Thụy Sĩ, Cộng hòa Liên bang Ðức, Trung Quốc, Hàn Quốc, v.v... có một điều quy định về đảng chính trị.
Hiến pháp của một số nước khẳng định việc thành lập các đảng chính trị là điều hết sức cần thiết để góp phần hình thành nên ý kiến, nguyện vọng, ý thức, ý chí chính trị của nhân dân. Chẳng hạn, Ðiều 137, Hiến pháp Thụy Sĩ quy định: "Các đảng chính trị đóng góp vào việc hình thành ý kiến và nguyện vọng của nhân dân". Ðiều 8, Hiến pháp Hàn Quốc quy định: "Các chính đảng phải bảo đảm tính dân chủ trong mục tiêu, tổ chức và hoạt động và phải có cách thức tổ chức cần thiết để người dân có thể tham gia vào quá trình hình thành nên ý chí chính trị". Ðiều 21, Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Ðức quy định: "Các đảng chính trị tham gia vào việc hình thành ý thức chính trị của nhân dân", v.v...
Khi đề cập đến các đảng chính trị, hiến pháp các nước cũng xác định nguyên tắc, cách thức thành lập; cách thức tổ chức của đảng; nguyên tắc hoạt động của các đảng chính trị. Chẳng hạn, Ðiều 5, Hiến pháp Trung Quốc quy định: "Tất cả các cơ quan nhà nước và lực lượng vũ trang, các đảng phái chính trị và đoàn thể xã hội; các doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đều phải tuân thủ hiến pháp và pháp luật. Mọi hành vi của mọi tổ chức hoặc cá nhân đều không được vượt quá quy định của Hiến pháp và pháp luật". Ðiều 3, Hiến pháp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào quy định: "Các quyền của những người đa sắc tộc là người đứng đầu đất nước được thực hiện và bảo đảm thông qua các chức năng của hệ thống chính trị cùng với Ðảng Nhân dân Cách mạng Lào như là hạt nhân hàng đầu của mình".
Hiến pháp Việt Nam năm 1980, năm 1992 và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có một điều quy định về Ðảng là phù hợp, thể hiện xu hướng phổ biến của thế giới.
- Chế độ một đảng hay nhiều đảng do thực tiễn của mỗi nước, do đặc điểm từng giai đoạn quy định
Hiện nay, số lượng đảng chính trị ở mỗi nước rất đa dạng, tùy thuộc vào hoàn cảnh lịch sử, truyền thống văn hóa và đặc điểm xã hội của mỗi nước. Một số nước có nhiều đảng chính trị, Hoa Kỳ có 112 đảng, Anh có 97 đảng, Tây Ban Nha có 87 đảng, Pháp có 76 đảng,... Nhưng nhiều nước khác lại chỉ có một đảng chính trị, như: Cu-ba, Lào, Triều Tiên, Ăng-ti-goa, A-rập Xê-út, Ba-ren, Bê-li-xê, Bô-xni-a, Bốt-xoa-na, Bê-nanh, Phi-gi, Găm-bi-a, Ê-ri-tơ-ri-a, Gha-na, Ghi-nê, Ha-i-ti, Cốt Ði-voa, Li-bi, Cư-rơ-gư-xtan, Ma-đa-ga-ca, Mô-na-cô, Tát-gi-ki-xtan, v.v...
Ai cũng biết rằng, số lượng các đảng chính trị hoàn toàn không phải là thước đo chế độ dân chủ, tự do ở từng nước. Ở Hoa Kỳ có 112 đảng, nhưng chỉ có hai đảng Cộng hòa và Dân chủ thay nhau cầm quyền. Xin-ga-po có nhiều đảng, nhưng chỉ có Ðảng Nhân dân hành động Xin-ga-po cầm quyền. Ở Trung Quốc, ngoài Ðảng Cộng sản Trung Quốc còn có tám đảng dân chủ. Tám đảng này đều thừa nhận Ðảng Cộng sản Trung Quốc là đảng duy nhất lãnh đạo nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời, không tranh giành quyền lãnh đạo với ai. Trong hơn 80 năm qua, ở Việt Nam cũng có thời kỳ đa đảng. Năm 1946, ngoài Ðảng Cộng sản còn có sự tồn tại của hai đảng đối lập (Việt Nam Quốc dân Ðảng, Việt Nam Cách mạng đồng minh hội); khi quân Tưởng Giới Thạch rút khỏi Việt Nam, hai đảng đó cũng cuốn gói chạy theo. Có thời kỳ ngoài Ðảng Cộng sản Việt Nam, còn tồn tại Ðảng Dân chủ Việt Nam, Ðảng Xã hội Việt Nam. Cả hai đảng này đều thừa nhận vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó hai đảng này đã tuyên bố tự giải tán và chỉ còn Ðảng Cộng sản Việt Nam. Vai trò độc quyền lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam là một sản phẩm tự nhiên, mang tính khách quan của lịch sử đất nước.
Nhân dân Việt Nam đã thừa nhận Ðảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất lãnh đạo, không chấp nhận đa nguyên, đa đảng. Ðảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân che chở, xây dựng. Nhân dân Việt Nam trìu mến gọi Ðảng Cộng sản Việt Nam là "Ðảng ta". Bài học từ sự sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và Ðông Âu còn nguyên giá trị. Từ khi chấp nhận bỏ Ðiều 6, Hiến pháp Liên Xô, đã dẫn đến tình trạng xuất hiện đa đảng và hậu quả là Ðảng Cộng sản Liên Xô mất quyền lãnh đạo, chế độ XHCN ở Liên Xô sụp đổ. Các tầng lớp nhân dân Việt Nam nhận thức rõ hơn ai hết, nếu chấp nhận đa đảng, chế độ XHCN sẽ sụp đổ, đất nước sẽ rối loạn, đời sống nhân dân cả vật chất và tinh thần rơi vào tay các thế lực không trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc ta.
- Vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam đã được khẳng định trong thực tiễn cách mạng
Vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam đã được thực tế kiểm nghiệm, nhất là vào những bước ngoặt của lịch sử.
Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã giải quyết thành công cuộc khủng hoảng đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Ðảng Cộng sản Việt Nam là Ðảng duy nhất lãnh đạo các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, đưa sự nghiệp đó đến thắng lợi hoàn toàn.
Ðảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo thành công sự nghiệp phát triển đất nước sau ngày 30-4-1975.
Khi chủ nghĩa xã hội thế giới lâm vào khủng hoảng, các đảng cộng sản ở Liên Xô và Ðông Âu đã tiến hành cải tổ, cải cách nhưng không thành công; bị đổ vỡ do đánh mất vai trò lãnh đạo của mình. Ðảng Cộng sản Việt Nam đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, giải quyết thành công cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội vào những năm 80 của thế kỷ 20, đưa đất nước vững bước trên con đường đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đến giữa thế kỷ 21 trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
"Ðảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên CNXH với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Với những thắng lợi đã giành được trong hơn 80 năm qua, nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường XHCN; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn nhiều.
Trong lãnh đạo, Ðảng có lúc cũng phạm sai lầm, khuyết điểm, có những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng do giáo điều, chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan. Ðảng đã nghiêm túc tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, tự đổi mới, chỉnh đốn để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên" (1).
- Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã sửa đổi, bổ sung các quy định đúng đắn, hợp lý về Ðảng
Ðiều 4 Hiến pháp năm 1980 quy định: "Ðảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam, được vũ trang bằng học thuyết Mác - Lê-nin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội; là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Ðảng tồn tại và phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam.
Các tổ chức của Ðảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp".
Kế thừa và phát triển Hiến pháp năm 1980, Ðiều 4 Hiến pháp năm 1992 quy định: "Ðảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Mọi tổ chức của Ðảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".
Kế thừa và phát triển bản Hiến pháp năm 1992, Ðiều 4, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định:
"1. Ðảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
-
Ðảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
-
Các tổ chức của Ðảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".
So với Hiến pháp năm 1992, quy định về Ðảng trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ba bổ sung, phát triển quan trọng.
Một là, khẳng định Ðảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân, mà đồng thời còn là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Bởi lẽ, Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời là thành quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Ðây là nét sáng tạo đột phá phù hợp với đặc điểm Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên thực tế, Ðảng ta ra đời, tồn tại và phát triển là vì lợi ích không chỉ của giai cấp công nhân mà còn vì lợi ích của nhân dân lao động, của toàn dân tộc. Ðảng ta không có lợi ích tự thân.
Hai là, bổ sung quy định: "Ðảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình". Sự bổ sung này quy định bản chất, trách nhiệm của Ðảng đối với nhân dân.
Ba là, khẳng định không chỉ các tổ chức của Ðảng mà còn quy định thêm về việc tuân thủ, thi hành Hiến pháp và pháp luật đối với mọi đảng viên. Ðảng viên phải tự giác, gương mẫu, thực hiện, chấp hành Hiến pháp và pháp luật.
Những bổ sung, phát triển trên càng cần thiết khi hiện nay, bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Ðảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Ðảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Ðảng và sự tồn vong của chế độ. Nổi lên một số vấn đề cấp bách sau đây:
Một là, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Hai là, đội ngũ cán bộ cấp trung ương, cấp chiến lược rất quan trọng, nhưng chưa được xây dựng một cách cơ bản.
Ba là, nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Ðảng đã xác định: "Ðể tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng Ðảng trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện tốt tám nhiệm vụ trong công tác xây dựng Ðảng mà Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng đã đề ra, coi đó là những nhiệm vụ vừa cơ bản, vừa lâu dài và phải thực hiện thường xuyên, có hiệu quả, đồng thời tập trung cao độ để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt ba vấn đề cấp bách sau đây:
Một là, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Ðảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Ðảng.
Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Ba là, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng.
Trong ba vấn đề trên, vấn đề thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách
nhất" (2).
Như vậy việc bổ sung, phát triển Ðiều 4 trong Hiến pháp là hoàn toàn đúng đắn.
PGS, TS NGUYỄN VIẾT THÔN****G
Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ươn**g
Theo NDĐT
(TH)