Tỉnh Hậu Giang: Phum sóc chuyển mình

Có thể khẳng định rằng những chính sách được tỉnh Hậu Giang triển khai trên địa bàn thời gian qua đã và đang phát huy những mặt tích cực, đời sống của đồng bào dân tộc Khơ-me đang đổi thay từng ngày, bộ mặt nông thôn ở các phum sóc cũng như đời sống của đồng bào Khơ-me đã thay đổi rõ nét… Tỷ lệ hộ nghèo theo đó cũng được giảm mạnh, từ trên 41% (năm 2004) đến nay giảm còn 35,5%.
Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, tỉnh Hậu Giang đã tích cực triển khai thực hiện các chính sách, chương trình dự án và đạt được nhiều kết quả khích lệ nhất là trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo. Công tác “an cư” trong đồng bào dân tộc Khmer luôn được Hậu Giang đặc biệt quan tâm, đã xây dựng mới trên 700 căn nhà tình thương, sửa gần 1.480 căn nhà cho đồng bào dân tộc Khmer gặp khó khăn. Thực hiện Quyết định 74/QĐ-TTg đã hỗ trợ cho 1.952 hộ, trong đó 88 hộ đất ở; 720 hộ đất sản xuất; 1.146 hộ giải quyết việc làm (số lao động có nhu cầu đào tạo nghề là 67 lao động, số hộ có nhu cầu chuyển đổi ngành nghề là 40, mua máy móc công cụ kinh doanh ngành nghề khác 1.077 hộ) với tổng kinh phí trên 29 tỷ đồng; trong đó vốn Trung ương hỗ trợ là 11 tỷ đồng, vốn vay không lãi xuất là trên 17 tỷ đồng, vốn đối ứng địa phương 176 triệu đồng. Song song đó, nhiều dự án còn tập trung mạnh cho việc hỗ trợ phát triển sản xuất để đồng bào dân tộc Khmer vươn lên thoát nghèo như: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất Trung ương đã phân bổ cho tỉnh trên 4,6 tỷ đồng, qua đó xây dựng được 90 mô hình (nuôi heo, trâu, nuôi cá, trồng rau…) đầu tư 28 dự án để mua sắm trang thiết bị máy móc công cụ phục vụ cho phát triển nông nghiệp… Từ đó, giúp nhiều gia đình có chỗ ở vững chắc, yên tâm sản xuất.
Về với xóm “Khơ-me giàu” ở ấp 5 (Vĩnh Trung, Vị Thủy), người dân nơi đây rất khen ngợi CCB Thạch Rươl bởi cái tính chịu khó làm ăn. Qua câu chuyện tâm tình với ông được biết: Năm 2010 nhờ được tạo điều kiện vay vốn làm ăn, ông đã mạnh dạn vay tiền đầu tư xây 1 lò sấy lúa. Thấy hiệu quả, một năm sau ông tiếp tục đầu tư xây thêm một lò sấy nữa. Ngoài ra lò sấy của gia đình ông còn giải quyết việc làm cho khoảng 25 lao động ở địa phương. Có được vốn, không để đất nằm yên, ông Rươl lại đầu tư mua thêm đất. Đến nay, gia đình ông có trên 4ha đất trồng lúa. Ông Rươl nhẩm tính, mỗi năm, thu nhập từ 2 lò sấy và 4ha lúa, trừ chi phí, gia đình ông cũng thu được 200 triệu đồng. “Bây giờ máy móc, công nghệ đủ cả, cứ chịu khó và mạnh dạn làm ăn sẽ giàu thôi…”, ông Rươl chia sẻ.
Còn anh Lâm Sa Uôl ở ấp 3 (Sà Phiên, Long Mỹ) là một trong những thanh niên “đáng nể”. Nhờ chịu khó làm ăn, tích lũy nên hiện nay gia đình anh đang sở hữu gần 3ha đất ruộng, nhà cửa khang trang. Một năm gia đình anh làm tới 3 vụ lúa, lãi trên 100 triệu đồng, bên cạnh đó, còn mạnh dạn đầu tư máy gặt đập liên hợp và máy xới vừa để phục vụ nhu cầu sản xuất của gia đình, vừa cho thuê mướn.
Bài và ảnh: Phương Nghi