Tỉnh Hà Tĩnh: Đau lòng từ tranh chấp đất rừng Hương Khê

Vừa qua, dư luận nhân dân trên địa bàn huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh rất bất bình về việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình CCB Phan Văn Hiến ở xóm 4, xã Hòa Hải với một số hộ dân cùng xóm không triệt để, kéo dài dẫn đến các hộ tranh chấp phải “dùng dao” để giải quyết và xảy ra đổ máu, tù tội…
Tắc trách và hệ lụy
Năm 1998, gia đình CCB Phan Văn Hiến được ông Phan Tích, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê ký Quyết định số 91/QĐ/1998 giao 19ha đất rừng ở lô số 6 và 7 tại xã Hòa Hải (diện giao theo chương trình 5 triệu héc ta rừng phủ kín đồi trọc của Chính phủ). Việc giao đất cho gia đình ông Hiến được tiến hành đúng thủ tục quy định của pháp luật, đầy đủ ban bệ từ xã tới huyện ký xác nhận, có các điểm giáp ranh. Nhưng đến năm 2000, bỗng dưng có một số hộ dân sống cùng xóm đến tranh chấp đất đai với gia đình ông Hiến và chiếm giữ khoảng 6,7ha đất. Ông Hiến đã làm đơn khiếu nại lên các cơ quan chức năng từ huyện đến tỉnh Hà Tĩnh. Ngày 13-11-2006, UBND huyện Hương Khê có Quyết định số 1776 cho rằng khi giao đất cho gia đình ông Hiến không trồng rừng đúng như quy định nên thu hồi lại Quyết định số 91 mà UBND huyện đã ký. Không đồng tình với việc thu hồi lại quyết định giao đất của UBND huyện Hương Khê, ông Hiến tiếp tục làm đơn khiếu nại lên UBND tỉnh Hà Tĩnh. Ngày 19-11-2007, UBND tỉnh Hà Tĩnh ký Quyết định số 3012 thu hồi, hủy bỏ Quyết định 1776 của UBND huyện Hương Khê, trong quyết định nêu rõ “Xử lý nghiêm các hộ lấn chiếm đất rừng và phá rừng”. Mặc dù đã có Quyết định số 3012 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, nhưng các cấp chính quyền từ xã tới huyện không xử lý triệt để nên để các hộ dân vẫn tiếp tục tranh chấp đất đai.
Chém nhau vì tranh chấp đất rừng
Sự việc tranh chấp đất đai giữa các hộ dân với gia đình ông Hiến ngày càng phức tạp và căng thẳng, từ năm 2000 đến 2014 có tới 17 hộ liền kề sang lấn chiếm đất rừng của gia đình ông Hiến.
Ngày 8-2-2010, bà Đặng Thị Hoài (vợ ông Hiến) và anh Phan Văn Lĩnh (con trai ông Hiến) đi kiểm tra đất rừng phát hiện đối tượng Thái Văn Sỹ và Thái Văn Loan người ở xã Hòa Hải đang chiếm đất phá rừng của gia đình, bà Hoài, anh Lĩnh ra ngăn cản thì bị hai đối tượng Sỹ và Loan vác dao đánh chém bà Hoài bị thương tích 32%, anh Lĩnh 17%. Sự việc đánh người gây thương tích của đối tượng Sỹ và Loan đã bị công an huyện Hương Khê ra quyết định khởi tố và đưa ra xét xử. Đối tượng Sỹ bị phạt 24 tháng tù giam, đối tượng Loan được tại ngoại…
Sự việc đau lòng trên của người dân Hòa Hải tưởng chừng sẽ được chính quyền tỉnh Hà Tĩnh quan tâm hơn, nhưng đáng tiếc sự việc lại rơi vào im lặng và tranh chấp tiếp tục xảy ra gay gắt hơn.
Điển hình như ngày 7-7-2013, gia đình ông Đăng Hữu Thìn ở cùng xóm đã đưa máy ủi vào đào và san ủi trên khu đất của gia đình bà Hoài được giao theo Quyết định 91. Khoảng 7 giờ ngày 8-7-2013, ông Thìn tiếp tục cho máy ủi đào đất lên khu vực đồi keo, sau đó bà Hoài có gọi điện báo cho Chủ tịch UBND huyện Hương Khê. Chủ tịch huyện Hương Khê sau đó chỉ đạo ông Trương Quốc Hiến, trưởng công an xã Hòa Hải và ông Nguyễn Tất Thắng, cán bộ địa chính xã xuống hiện trường kiểm tra, xem xét giải quyết.
Mặc dù bà Hoài đã có thông báo sự việc tới lãnh đạo huyện, nhưng vẫn xảy ra một trận “mưa dao” giữa các đối tượng người nhà ông Thìn với người nhà ông Hiến. Hậu quả dẫn đến các đối tượng bị thương tật, cụ thể: anh Phan Văn Lĩnh bị thương tật 26,53%, anh Phan Văn Cát bị thương tật 7,8%, anh Đặng Văn Long bị thương tật 40,16%, Đặng Văn Nam không đi viện nên không giám định được thương tật (những người này là con trai và em vợ ông Hiến).
Bên phía gia đình ông Thìn cũng bị thương tật, cụ thể: anh Đặng Hữu Tâm là 37,18%, Đặng Hữu Quyết là 8,74% và ông Đặng Hữu Thìn 2,98%. Căn cứ vào thương tật của mọi người và tính chất nguy hiểm của vụ việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hương Khê đã ra Quyết định khởi tố vụ án và khởi tố các bị can Đặng Hữu Thìn, Đặng Hữu Quyết, Đặng Hữu Tâm, Phan Văn Lĩnh, Phan Văn Cát và Đặng Văn Nam và bắt tạm giam các bị can.
Ngày 28-3-2014, Viện kiểm sát nhân dân huyện Hương Khê có Cáo trạng số 14/CTr-KSĐT truy tố các bị can trên về tội “Cố ý gây thương tích”, quy định tại Điều 104, Bộ luật hình sự. Điều đáng chú ý trong cáo trạng nêu rất rõ những vật chứng bị thu giữ bao gồm gậy gộc, rựa sắt và một túi ni lông đựng vôi bột trắng. Như vậy, ngoài hung khí có thể gây sát thương ra còn có cả túi ni lông vôi bột.
Theo đơn của bà Đặng Thị Hoài gửi Báo CCB Việt Nam thì túi ni lông vôi bột là của gia đình nhà ông Đặng Hữu Thìn sử dụng, tức là gia đình ông Thìn đã có sự chuẩn bị từ đầu. Như vậy đủ thấy rằng, trận “hỗn chiến” giữa gia đình ông Thìn với gia đình ông Hiến là có chủ đích… Nhưng điều ngạc nhiên, dù vụ án chưa đưa ra xét xử nhưng các bị can người nhà ông Thìn thì được tại ngoại, còn một số bị can người nhà ông Hiến thì vẫn bị tạm giam.
Trao đổi với Trưởng Công an huyện Hương Khê, Đại tá Đặng Quốc Vượng cho biết, sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can và hoàn tất hồ sơ điều tra vụ án, công an huyện đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho Viện kiểm sát huyện phê chuẩn, ra cáo trạng truy tố. Việc một số bị can được tại ngoại là do phía Viện kiểm sát và tòa án quyết định…
Tuy nhiên, chính vì việc người nhà ông Thìn được tại ngoại, trong khi theo bà Hoài cho biết, rất nhiều lần gia đình bà cũng có đơn xin tại ngoại cho con trai bà là Phan Văn Lĩnh nhưng không hiểu sao không được chấp thuận. Vì vậy, dư luận đang đặt nghi vấn có hay không có việc “chạy án” của một số bị can? Được biết, ngày 12-6-2014, TAND huyện Hương Khê sẽ đưa vụ án ra xét xử.
Bài và ảnh: Thanh Nghĩa