Tỉnh Hà Giang: 5 năm chỉ tìm được 56/2.500 hài cốt liệt sĩ - nguyên nhân ở đâu? 56/2.500: Nguyên nhân vì đâu?
Nguyên nhân từ đâu mà việc quy tập hài cốt liệt sĩ ở đây ít hiệu quả như vậy? Trong Hội nghị trao đổi về công tác vận động, tuyên truyền cung cấp thông tin, nâng cao hiệu quả tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ do Đoàn công tác liên ngành T.Ư Hội CCB Việt Nam và Bộ CHQS tỉnh Hà Giang tổ chức vừa qua, các đại biểu mổ xẻ vấn đề này và đưa ra nguyên nhân chủ yếu là: Mặc dù nhiệt tình cao nhưng bởi các địa bàn mà hài cốt liệt sĩ nằm lại đang ô nhiễm vật cản nổ dày đặc nên hầu như không có ai dám đi tìm các liệt sĩ đã hy sinh.
Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc những năm 1979-1989 mà Hà Giang là tỉnh bước ra khỏi cuộc chiến sau cùng của cả nước, để lại hậu quả nặng nề do có khoảng 100 nghìn héc-ta đất nằm dọc theo chiều dài biên giới Việt-Trung bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ. Nhất là khu vực gần điểm cao chiến lược các huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Yên Minh, Đồng Văn… Năm 2012, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh tiến hành điều tra lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên địa bàn toàn tỉnh, kết quả diện tích ô nhiễm tới 85.944,26 ha. Trong đó hơn 25.000 ha bị ô nhiễm nặng. Đặc biệt tại chiến trường huyện Vị Xuyên, có tới gần 9.100 ha cần rà phá khẩn cấp, không chỉ liên quan tới phát triển kinh tế, quốc phòng mà còn nhằm phục vụ công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ tại đây.
Thông tin về liệt sĩ có nhờ may mắn
CCB Hoàng Thế Cường - Trưởng ban liên lạc Sư đoàn 356, nguyên làm công tác tham mưu trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở mặt trận Vị Xuyên nên nắm khá rõ những địa điểm còn nhiều vật cản nổ, những nơi có nhiều liệt sĩ còn nằm lại. Ông bảo: “Biết thế nhưng không ai dám đi tìm bởi nguy hiểm tới tính mạng khi chưa có sự rà phá làm sạch ô nhiễm bom mìn”. Ông cho biết, trong số 7 bộ hài cốt liệt sĩ Vị Xuyên tìm được trong năm 2017 có 3 bộ do Ban liên lạc cung cấp thông tin. Nhưng không phải do các ông phát hiện mà là từ người dân đi chăn thả dê, làm ruộng… phát hiện, thông báo cho CCB và kết hợp với hiểu biết của mình mà ông chuyển thông tin tới Ban CHQS huyện Vị Xuyên để xác định, tìm kiếm và quy tập.
Việc phát hiện hài cốt các liệt sĩ hầu như là do người dân vô tình phát hiện trong lúc đi làm. Như CCB Tráng Văn Ghệt ở thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, người phát hiện 10 bộ hài cốt liệt sĩ, cũng là trong lúc đi tìm dê mà thấy chứ không phải chủ tâm đi tìm kiếm. Anh Ghệt trước là bộ đội công binh nên có kinh nghiệm vào bãi mìn. Anh cho biết, kinh nghiệm đi tìm dê, để tránh mìn, cần di chuyển trên các hòn đá, tránh chỗ đất mềm. Khi cần thiết phải quan sát kỹ. Cũng bởi kiến thức của công binh, anh bảo: “Gặp mìn mình có thể tự tháo được”. Tuy nhiên, không phải ai cũng có kiến thức như anh Ghệt. Sự nguy hiểm bởi ô nhiễm vật cản nổ thể hiện qua con số gần 400 trường hợp thương vong bởi mìn trong toàn tỉnh mà Sở LĐTBXH Hà Giang đã thống kê. Vì mưu sinh, nhiều người không kể nguy hiểm tới mạng sống mà lần mò vào khu vực có mìn. Ở vùng đất địa đầu, ông Bồn Văn Hòn (SN 1969) ở Nậm Ngặt được nhiều người biết đến. Ở tuổi 48, ông Hòn khỏe mạnh và vâm váp, nhưng ông lại bị cụt cả hai chân. Thủ phạm chỉ là mìn. Năm 2000 cụt một chân, năm 2004 cụt nốt chân nữa trên đồi 685. Con rể ông Hòn cũng là nạn nhân của bom mìn: anh Triệu Văn Nguyên, vào tháng 8-2008, một chân của anh đã vĩnh viễn mất đi khi anh giẫm trúng mìn 652A. Ông Bồn Văn Giàng là bố vợ của anh Bồn Văn Hòn. Ông Giàng có 4 cô con gái và 2 người con trai. Hai người con trai của ông đều là nạn nhân thê thảm của những vụ nổ mìn kinh hãi nhất. Con trai đầu trúng mìn chết, còn người con trai út của ông Giàng bị mìn nổ cướp đi một bên chân, chịu cảnh què quặt suốt đời…
Tuy nhiên, những thông tin về hài cốt liệt sĩ, trong 5 năm qua, oái ăm thay lại may mắn mới có nhờ sự mưu sinh trong hiểm nguy của người dân để lực lượng chức năng tìm được và quy tập về nghĩa trang.
(còn nữa)
Bài và ảnh: Quang Vinh