Tinh giản được không?
Có Đại biểu Quốc hội đã nói: “Chúng ta không còn đường lùi”. Đúng vậy! Thử làm phép so sánh để thấy rõ. Công chức nước ta hiện là 2,8 triệu người, đó là chưa kể số làm hợp đồng, bán chuyên trách công cũng hưởng lương từ ngân sach nhà nước lên đến… 11 triệu người, trong khi nước Mỹ dân số gấp nước ta 3,5 lần; diện tích gấp hơn 30 lần thì lại chỉ có 2,1 triệu công chức.
Tính ra cứ khoảng 8,5 người dân Việt Nam, cả người già và trẻ sơ sinh, đã có một người sống nhờ ngân sách. Thật khủng khiếp! Bởi vậy mà nguồn thu ngân sách chủ yếu dùng vào chi thường xuyên để nuôi bộ máy hành chính, còn rất ít để đầu tư phát triển. Tình trạng “làm chỉ đủ ăn” thế này thì làm sao đất nước thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu. Trong khi năng suất lao động xã hội của chúng ta thuộc hàng thấp nhất trong khu vực; bộ máy hành chính của chúng ta tuy đông nhưng cồng kềnh, chồng chéo, kém hiệu quả.
Vậy bằng cách nào để có thể tinh giản biên chế theo Nghị quyết T.Ư 6 (Khóa XII)? Có nhiều cách, nhưng trước hết chúng tôi xin đề xuất chúng ta cần quyết liệt đổi mới bộ máy hành chính theo mô hình công vụ việc làm.
Trên thế giới hiện này có hai mô hình cơ bản về tổ chức công vụ: công vụ chức nghiệp (Career system) và công vụ theo việc làm (Job system). Nước ta hiện nay cơ bản đang áp dụng theo mô hình chức nghiệp. Mô hình này là lựa chọn người vào một nghề cụ thể nào đó và tham gia công việc cụ thể trong tổ chức hành chính có thể theo người đó suốt đời.
Mô hình chức nghiệp tạo ra sự ổn định, người công chức được đào tạo bài bản nhưng lại quá chú trọng đến văn bằng, chứng chỉ và thâm niên công tác làm mất đi tính linh hoạt, năng động của công chức. Đội ngũ công chức chia ra nhiều ngạch, bậc theo chương trình được đào tạo nên thường trì trệ, khó thích ứng với thực tế, nhất là đáp ứng với thị trường đang vận động từng giờ. Người công chức cũng dễ an phận, ít phấn đấu vươn lên vì họ được nâng bậc lương chủ yếu là do thâm niên công tác.
Nền công vụ chức nghiệp tự bản thân nó hình thành chế độ đẳng cấp về chuyên môn nên không phát huy được năng lực thực tế của các công chức trẻ. Vì mô hình này đánh giá, xếp ngạch công chức chủ yếu dựa vào học vấn. Tình trạng chạy bằng cấp để thăng tiến mà không chú ý tới năng lực thực dẫn đến nhiều bất công... Đặc biệt là, mô hình này khó xác định được số lượng nhân viên cần thiết cho mỗi ngạch, dẫn tới việc biên chế hành chính luôn có xu hướng tăng liên tục.
Trong xu hướng cải cách hành chính, những nước có nền công vụ chức nghiệp trên thế giới đang dịch chuyển sang nền công vụ theo việc làm với các mức độ khác nhau.
Trong mô hình tổ chức công vụ theo việc làm, các công chức được tuyển dụng cụ thể và trực tiếp vào các vị trí công việc cần được thực hiện trong bộ máy công vụ. Cách thức tổ chức này đảm bảo tìm được đúng người phù hợp với công việc, hoạt động tuyển dụng vào công vụ diễn ra công bằng và khách quan hơn. Ngoài ra, cách thức tổ chức công vụ theo việc làm còn khích thích được sự cạnh tranh lẫn nhau trong đội ngũ nhân viên hành chính, giúp hiệu quả công vụ được nâng lên, công chức phấn đấu để khẳng định năng lực của mình và qua đó có thể thăng tiến nhanh hơn.
Tuyển người vào bộ máy nhà nước thực chất là tuyển vào vị trí trống của một công việc nhất định, cho phép các cơ quan nhà nước dễ dàng thay đổi vị trí công tác của công chức theo yêu cầu công việc dựa theo thành tích, công trạng và năng lực thực tế của bản thân công chức.
Công chức khi thực thi công vụ sẽ năng động, thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường hiện nay. Mô hình này tận dụng hết khả năng của người công chức thông qua môi trường cạnh tranh trong và ngoài nền công vụ, thu hút được tài năng bên ngoài công vụ. Hơn nữa, mô hình cho phép thể chế hóa và lượng hóa các tiêu chí của quy trình công vụ như tuyển dụng, đào tạo, đánh giá thành tích công tác, trả lương… của công chức thực thi công vụ.
Chỉ có đổi mới mô hình tổ chức bộ máy hành chính thì chúng ta mới thích nghi với nền kinh tế thị trường. Nhưng đổi mới mô hình này lại tước đi khá nhiều lợi ích của nhiều cơ quan quản lý cán bộ, cho nên sẽ là rất khó.
Khó nhưng rất cần làm, vì “Chúng ta không còn đường lùi”!
TS. Nguyễn Hồng