Tỉnh Đắc Lắc thu rừng dân trồng để… giao cho doanh nghiệp: CCB trồng rừng có nguy cơ trắng tay
BQL, quản lý, bảo vệ hơn 9 nghìn héc-ta rừng, trong đó có gần 5 nghìn héc ta rừng sản xuất, rừng trồng và được giao khoán cho các hộ dân theo Quyết định số 661/QĐ-TTg, ngày 29-7-1998 của Thủ tướng Chính phủ. Trong số 28 hộ nhận khoán, có 12 hộ được BQL lập hồ sơ, khế ước giao khoán vào ngày 16-6-2001 với thời gian là 50 năm. Còn lại 16 hộ, có hợp đồng trồng và chăm sóc rừng. Các hộ nhận trồng rừng cũng được hưởng quyền lợi theo Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg, ngày 12-11-2001 của Thủ tướng Chính phủ: 3 năm đầu được Nhà nước đầu tư 4 triệu đồng/ha (bao gồm cả tiền cây giống); từ năm thứ 4 trở đi được chi trả 100 nghìn đồng/ha/năm cho công tác bảo vệ rừng trồng; kinh phí, công lao động 30 triệu đồng/ha. Như vậy, về mặt pháp lý, các hộ dân nhận khoán là chủ rừng và hoàn toàn được quyền hưởng lợi từ rừng.
Thế nhưng, từ tháng 10-2008 đến nay, đã xảy ra tranh chấp giữa 28 hộ dân nhận khoán với Công ty CP trồng rừng Trường Thành. Nguyên nhân là do ngày 3-10-2008 UBND tỉnh Đắc Lắc Quyết định thu hồ 568,43ha đất của BQL để giao cho Công ty CP trồng rừng Trường Thành thuê (Quyết định số 2572/QĐ-UBND)
Trước khi ban hành quyết định trên, tỉnh Đắc Lắc đã tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra thực địa. Tại biên bản phúc tra ngày 7-4-2008, ông Nguyễn Thế Anh Sơn, trên cương vị Giám đốc BQL đã đề nghị không giao diện tích đất đã giao khoán hợp pháp cho 28 hộ dân.
Trong các ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5-2014, chúng tôi tìm hiểu hiện trạng rừng do 28 hộ dân đầu tư trồng, chăm sóc thì thấy, cây thông đang vào thời kỳ khai thác nhựa, cây keo đã đến tuổi khai thác, nhưng do xảy ra tranh chấp nên hiện bà con chưa khai thác được.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Đình Triều, thôn Tam Hà, xã Cư Klông bức xúc nói: “Gia đình tôi phải vay ngân hàng hơn 200 triệu đồng để đầu tư trồng rừng. Cây sắp khai thác được thì xảy ra tranh chấp, khiến gia đình tôi lâm vào cảnh nợ nần”.
Còn nhóm bốn hộ CCB: Phan Khắc Văn, Ngô Văn Vực, Hà Thế Việt và Đồng Phúc Chính thì “mạnh tay” bỏ vốn đầu tư 61ha, mỗi héc-ta khoảng 30 triệu đồng; 3,5 tỷ đồng xây dựng 4 hồ đập thủy lợi, 5 km đường nội bộ với hy vọng làm giàu từ rừng… nhưng nay tranh chấp không được giải quyết, rừng đã đến tuổi khai thác mà không khai thác được, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Thậm chí rừng keo quá 10 tuổi chưa khai thác được đang có hiện tượng rỗng ruột!
Trong khi đang xảy ra tranh chấp, thì ngày 24-5-2014, Công ty CP trồng rừng Trường Thành cử tốp 7 công nhân, do ông Uông Xuân Thu, sinh năm 1956 chỉ huy, sử dụng 2 cưa lốc vào rừng thông do nhóm hộ của CCB Phan Khắc Văn (trú xã Cư Klông) trồng tại tiểu khu 316 thuộc xã Ea Tam để chặt hạ rừng. Theo biên bản hiện trường do Công an xã Ea Tam lập vào hồi 17 giờ ngày 24-5-2014, đã xác nhận: “Tại tiểu khu 316, có khoảng 700-800 cây thông trồng từ năm 2006 bị cắt thành từng khúc có chiều dài 2m trên diện tích bị chặt 8.000m2...”. CCB Phan Khắc Văn ước tính tổng thiệt hại do Công ty CP Trường Thành gây nên khoảng hơn 300 triệu đồng.
Sau khi rừng trồng bị chặt hạ trái pháp luật, nhóm hộ CCB Phan Khắc Văn đã có đơn tố giác tội phạm tới cơ quan chức năng huyện Krông Năng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lương, Phó giám đốc BQL cho biết: “Hiện 28 hộ đang làm các thủ tục kiện ra tòa án”.
Chúng tôi đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắc Lắc phải vào cuộc ngay có giải pháp khắc phục những sai trái trong định Quyết định số 2572/QĐ-UBND của UBND tỉnh theo hướng không đưa diện tích rừng các hộ dân đã trồng theo Chương trình 661 vào diện tích thu hồi để giao cho Công ty CP trồng rừng Trường Thành; đồng thời xử lý nghiêm hành vi tổ chức hủy hoại tài sản mà Công ty CP trồng rừng Trường Thành gây ra; bảo vệ quyền lợi chính đáng cho 28 hộ dân bỏ công sức, tiền của trồng 486ha rừng theo đúng quy định của pháp luật.
Bài và ảnh:
Kiều Bình