Tình cảm, đạo lý đối với những người con ở xa Tổ quốc (03/10/2012)
Có thể nói, vai trò quan trọng của kiều bào trong ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và đặc biệt là ngoại giao văn hoá ngày càng được khẳng định. Ngày càng có nhiều người, nhất là lớp trẻ, thành đạt trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, kinh tế,
VH-XH. Tại các nước phát triển như Mỹ, Ca-na-đa, Ô-xtrây-lia, Đức... một số kiều bào đã bước đầu tham gia chính trường, trở thành niềm tự hào của cộng đồng tại nước sở tại, làm rạng danh nòi giống tiên, rồng. Hơn 100 ý kiến phát biểu, tham luận với nội dung phong phú, thẳng thắn và tâm huyết; đồng thời chỉ ra những mặt còn hạn chế và kiến nghị các phương hướng, giải pháp thiết thực trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay. Tiếp thu những ý kiến đầy tâm huyết đó, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng nhiều chủ trương, chính sách phù hợp, tạo động lực và bước đột phá cho công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Công tác vận động kiều bào được triển khai tích cực với nhiều hình thức, nội dung phong phú, gắn với các sự kiện chính trị, xã hội lớn của đất nước, giúp bà con ngày càng gắn bó với đất nước.
Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục tăng về số lượng và mở rộng địa bàn cư trú. Đến nay có hơn 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập tại 103 nước và vùng lãnh thổ. Những năm gần đây, số lao động xuất khẩu theo hợp đồng có thời hạn, du học sinh và cô dâu Việt Nam lấy chồng người nước ngoài tăng nhanh. Cùng với sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhiều tổ chức, hội mới của kiều bào được thành lập. Nội dung sinh hoạt phong phú, đáp ứng nhu cầu tập hợp cộng đồng. Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, nhiều kiều bào ở Mỹ, Pháp, Đức và đặc biệt là ở các nước Đông Âu chọn giải pháp về Việt Nam đầu tư, kinh doanh. Tại nhiều địa phương, các dự án hiệu quả, quy mô lớn xuất hiện ngày càng nhiều, khẳng định vị thế của kiều bào trong đời sống kinh tế của đất nước.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hằng năm có khoảng 500 nghìn lượt kiều bào về nước, trong đó có không ít chuyên gia, trí thức về làm việc và nhiều người về tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh. Hiện có trên 3.500 doanh nghiệp trong nước được thành lập hoặc góp vốn của kiều bào với tổng số vốn đăng ký khoảng 8,4 tỷ USD. Kiều hối gửi về nước tăng trung bình 10-15%/năm. Riêng năm 2011, lượng kiều hối đạt trên 9 tỷ USD,chiếm gần 1/10 GDP, đưa Việt Nam trở thành một trong số 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất. Theo thống kê sơ bộ, trong 6 tháng đầu năm 2012, lượng kiều hối đạt khoảng 6,4 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào việc ổn định cán cân thanh toán và kinh tế của đất nước. Đa số kiều bào mang trong mình tinh thần tự tôn dân tộc, hướng về cội nguồn, hoan nghênh chính sách đại đoàn kết, ủng hộ sự nghiệp đổi mới, ngày càng tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo hướng về quê hương. Thực tế trên là một minh chứng khẳng định tài trí của những người con đất Việt ở xa Tổ quốc. Đó cũng chính là nguồn lực vừa hữu hình vừa vô hình đối với sự phát triển của đất nước. Vấn đề ở chỗ là cả người Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam ở xa Tổ quốc, đồng lòng nhất trí, tổ chức khai thác tốt nguồn lực vô giá đó cho sự phát triển bền vững và trường tồn của Tổ quốc Việt Nam.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã vạch ra những quyết sách quan trọng để đưa đất nước ta tiến lên trên con đường CNH, HĐH. Trong quá trình thực hiện mục tiêu, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, việc huy động nguồn lực to lớn của kiều bào ta ở nước ngoài là một điều tất yếu. Đó không chỉ là vấn đề thuần túy kinh tế mà còn thể hiện đạo lý: "Đồng bào định cư ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.
Chăm lo đến nguyện vọng chính đáng của đồng bào ở xa Tổ quốc, Đảng ta đã chỉ rõ: “Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách để hỗ trợ giúp đỡ đồng bào ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, góp phần tăng cường hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước, tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, dân tộc, hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng đất nước". Vậy nên, động viên và phát huy hơn nữa các nguồn lực quý giá của đồng bào ta ở nước ngoài đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới, không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước mà còn là tình cảm, đạo lý của toàn dân tộc đối với những người con ở xa Tổ quốc.
Đình Anh