Tỉnh Bình Định: VỤ BẮT GIỮ VÀ TỊCH THU 434 TẤN TITAN CỦA CÔNG TY AN TRƯỜNG AN. (24/07/2012)
Quyền lợi của doanh nghiệp bị xâm phạm!
Công ty An Trường An có trụ sở tại 347 đường Trần Hưng Đạo TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Công ty có chức năng, ngành nghề khai thác, chế biến khoáng sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Công ty đã được UBND tỉnh Bình Định cấp nhiều giấy phép khai thác sa khoáng titan trên địa bàn tỉnh, trong đó có giấy phép khai thác sa khoáng titan tại thôn Hòa Hội Nam, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ.
Ngày 5-1-2012, Giám đốc công ty có quyết định điều động số titan khai thác được tại mỏ Hòa Hội Nam về kho của công ty thuê tại khu công nghiệp Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn để cân, trên cơ sở đó thanh toán tiền lương cho công nhân về quê ăn tết (vì công ty trả lương cho công nhân theo hình thức khoán sản phẩm). Thực hiện hợp đồng vận chuyển số 20/ĐVCHH, ngày 10-1-2012, đoàn xe 15 chiếc tập kết tại mỏ Hòa Hội Nam để bốc titan chuyển về kho tại Khu công nghiệp Nhơn Bình. Theo quy định, các doanh nghiệp khi vận chuyển titan phải có phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ do công ty tự in theo mẫu của Bộ Tài chính. Vào
thời điểm công ty vận chuyển số titan nói trên là những ngày áp tết nguyên đán, cần phải thanh toán tiền lương cho công nhân, trong khi đó, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ theo mẫu của Bộ Tài chính công ty đã đặt hàng nhưng đơn vị in chưa thực hiện xong. Vì thế công ty đã báo cáo với Cục thuế Bình Định cho sử dụng tạm thời phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ do công ty tự in.
Ngày 11-1-2012, khi 15 xe vận chuyển titan về làm thủ tục cân và nhập kho tại Khu công nghiệp Nhơn Bình thì Đội quản lý thị trường (QLTT) số VII thuộc Chi cục QLTT tỉnh Bình Định ập vào kho kiểm tra và yêu cầu công ty xuất trình giấy tờ.Ngay lập tức, công ty đã xuất trình đầy đủ các loại giấy tờ theo yêu cầu của Đội QLTT, bao gồm giấy đăng ký kinh doanh, giấy phép khai thác khoáng sản số 10/GP-UBND do UBND tỉnh Bình Định cấp ngày 17-2-2009, báo cáo đánh giá tác động môi trường, kết quả thẩm định thiết kế cơ sở, Quyết định số 2233/QĐ-CTUBND ngày 20-10-2008 của UBND tỉnh Bình Định, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ do công ty tự in, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng thuê kho. Những loại giấy tờ trên hoàn toàn đủ cơ sở để chứng minh Công ty An Trường An đang được phép khai thác titan, và tất nhiên được quyền vận chuyển sản phẩm khai thác được về kho nội bộ của mình một cách hợp pháp. Tuy nhiên, với lý do công ty sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ không theo mẫu của Bộ Tài chính, Đội QLTT quy kết là 434 tấn Titan của công ty An Trường An không có nguồn gốc hợp pháp nên lập biên bản tạm giữ số hàng trên cùng với 15 xe vận tải trong vòng 10 ngày để điều tra.
Đến ngày 31-1-2012, Đội QLTT tiếp tục ra Quyết định số 0007393/QĐKDTGTVPT tạm giữ số titan trên đến ngày 10-4-2012 để tiếp tục điều tra làm rõ. Trong thời gian bị tạm giữ hàng hóa, mặc dù Công ty ATA đã nhiều lần gởi văn bản kiến nghị, giải trình về nguồn gốc hợp pháp của số titan trên và đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành phúc tra làm rõ để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp nhưng đều không được xem xét. Cơ quan QLTT hầu như cũng không có bất cứ động thái gì gọi là điều tra để làm rõ nguồn gốc. Đến ngày 22-3-2012, UBND tỉnh Bình định ra công văn số 824/UBND-KTN đề nghị Chi cục QLTT làm thủ tục xử phạt hành chính và tịch thu toàn bộ số titan nói trên của công ty ATA, đồng thời trả 15 xe vận tải cho chủ sở hữu. Ngày 30-3-2012, Công ty ATA gửi đơn đến UBND tỉnh, trong đơn, một lần nữa công ty đã đưa ra nhiều bằng chứng để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành phúc tra lại vụ việc.
Ngày 4-4-2012, UBND tỉnh có công văn số 1005/ UBND-KTN đề nghị sở Công thương, Chi cục QLTT tiến hành phúc tra để có cơ sở giải quyết đơn kiến nghị của công ty trước ngày 10-4-2012. Nhưng cũng trong ngày 4-4-2012, UBND tỉnh Bình Định ra Quyết định số 642/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu toàn bộ 434 tấn titan của Công ty ATA. Công ty ATA tiếp tục có đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh đề nghị xem xét lại vụ việc. Ngày19-4-2012, UBND tỉnh có văn bản số 1256/UBND-KTN chỉ đạo Thanh tra tỉnh tiến hành xác minh để có cơ sở giải quyết đơn kiến nghị của công ty. Ngày 11-5-2012, Chánh thanh tra tỉnh có Quyết định số 245/QĐ-TTr về việc xác minh nội dung khiếu nại của công ty An Trường An. Sau hơn một tháng tiến hành thanh tra, xác minh lại toàn bộ vụ việc, ngày 25-6-2012, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp với thành phần gồm Thanh tra tỉnh, các thành viên trong Ban chỉ đạo 127 ( Ban phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại gồm các thành viên Sở Công thương, Chi cục QLTT) do phó Chủ tịch UBND tỉnh-Trưởng Ban chỉ đạo 127 Hồ Quốc Dũng chủ trì với mục đích giải quyết đơn kiến nghị phúc tra của Công ty ATA. Đây là cuộc họp được công ty ATA và những người quan tâm đến vụ việc này trông đợi nhất vì tin rằng, sau hơn một tháng tiến hành kiểm tra, xác minh, chắc chắn Thanh tra tỉnh sẽ có những ý kiến xác thực về bản chất vụ việc, trên cơ sở đó sẽ giúp cho UBND tỉnh đưa ra cách giải quyết thấu tình đạt lý, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp. Rất tiếc, tại cuộc họp quan trọng này, ý kiến về kết quả kiểm tra, xác minh của Thanh tra tỉnh đã không được thể hiện, hoặc có thể hiện nhưng không được ghi nhận. Bằng chứng là, trong công văn số 2328/UBND- KTN ngày 26-6-2012 của UBND tỉnh Bình Định trả lời đơn kiến nghị phúc tra của Công ty An Trường An chỉ căn cứ vào ý kiến của các thành viên trong Ban chỉ đạo 127 để khẳng định Quyết định số 642/QĐ-XPHC ngày 4-4-2012 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc xử phạt hành chính và tịch thu 434 tấn titan của Công ty An Trường An là hoàn toàn đúng pháp luật. Kết quả kiểm tra, xác minh của Thanh tra tỉnh như thế nào, tại sao lại UBND tỉnh không xem xét đến ý kiến của Thanh tra tỉnh là một dấu hỏi lớn đang được dư luận hết sức quan tâm.
**Sản phẩm của Cty An Trường An là hợp pháp. **
Công ty An Trường An được UBND tỉnh Bình Định cấp nhiều giấy phép khai thác khoáng sản titan, trong đó có mỏ tại thôn Hòa Hội Nam, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, tất cả các giấy phép đó vẫn còn hiệu lực. Như vậy, việc khai thác titan của Công ty An Trường An tại địa chỉ trên là một hoạt động hợp pháp, được pháp luật bảo vệ. Và 434 tấn titan của công ty bị Đội QLTT số VII bắt giữ và sau đó UBND tỉnh ra quyết định tịch thu chính là sản phẩm khai thác được từ hoạt động hợp pháp đó, điều này được khẳng định bởi một số chứng cứ cụ thể như sau:
Thứ nhất, từ ngày được cấp phép khai thác titan đến thời điểm Đội QLTT số VII kiểm tra lập biên bản tạm giữ 434 tấn titan, hoạt động khai thác của Công ty An Trường An tại mỏ Hòa Hội Nam diễn ra bình thường. Từ các chứng từ như hóa đơn tiền điện của công ty từ tháng 1-2011 đến tháng 12-2011; bảng kê khai nộp thuế tài nguyên nước; bảng lương hàng tháng của công nhân; bảng báo cáo nộp thuế hàng tháng; bảng báo cáo sản lượng khai thác hàng tháng và cả năm 2011 cho thấy, Công ty An Trường An duy trì hoạt động khai thác titan tại mỏ Hòa Hội Nam đều đặn, ổn định với tổng sản lượng khai thác được trong năm 2011 là 24.000 tấn titan thô (trong đó có 434 tấn đã bị thu giữ). Cân đối giữa tổng sản lượng khai thác trong năm 2011 với lượng hàng hóa xuất bán và hàng tồn kho là hoàn toàn phù hợp. Nghĩa là 434 tấn titan của công ty An Trường An bị Đội QLTT số VII bắt giữ và sau đó UBND tỉnh Bình Định ra quyết định tịch thu tại kho của công ty ở Cụm công nghiệp Nhơn Bình là có nguồn gốc từ mỏ Hòa Hội Nam do công ty tổ chức khai thác hợp pháp.
Thứ hai, ngay sau khi tiến hành kiểm tra và thu giữ 434 tấn titan, Đội QLTT số VII đã tiến hành lấy lời khai của 15 tài xế vận chuyển số titan này; trong biên bản làm việc, tất cả 15 tài xế đều khẳng định họ nhận hàng vận chuyển từ mỏ Hòa Hội Nam của Công ty An Trường An chở về nhập kho tại Cụm công nghiệp Nhơn Bình. Một tình tiết cũng rất đáng chú ý đó là, ngay khi đoàn xe trên vừa lăn bánh chưa ra khỏi khu vực mỏ Hòa Hội Nam thì có 3 xe (trong số 15 xe nói trên) bị một số người chặn lại xin tiền, công ty An Trường An phải nhờ Công an địa phương đến can thiệp, tại biên bản lập ngày 10-1-2012 của Công an xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ đã thể hiện điều này. Rõ ràng, 434 tấn titan vận chuyển trên 15 xe tải nhập tại kho Nhơn Bình của công ty An Trường An là có nguồn gốc từ mỏ Hòa Hội Nam.
Thứ ba, sau khi bị bắt giữ số titan nói trên, mặc dù đã cung cấp nhiều giấy tờ để chứng minh nguồn gốc titan và đề nghị phúc tra lại vụ việc nhưng đều không được các cơ quan chức năng xem xét, Công ty An Trường An đã nhờ chính quyền địa phương xác nhận sự thật về quá trình khai thác, vận chuyển titan của mình tại mỏ Hòa Hội Nam. Tại văn bản đề ngày 7-4-2012, các cấp chính quyền từ thôn, xã, huyện, công an, mặt trận ở huyện Phù Mỹ; với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước địa phương đã xác nhận rằng, Công ty An Trường An đã hoạt động khai thác titan hợp pháp tại mỏ Hòa Hội Nam trong suốt thời gian qua. Ngoài ra công ty chưa hề có vi phạm trong việc mua bán titan trôi nổi trên địa bàn. Đây là một bằng chứng nữa để khẳng định rằng 434 tấn titan mà UBND tỉnh tịch thu có nguồn gốc từ mỏ Hòa Hội Nam do công ty khai thác hợp pháp.
Từ những dẫn chứng trên cho thấy, Công ty An Trường An có chức năng khai thác titan và đã được UBND tỉnh Bình Định cấp phép khai thác tại mỏ Hòa Hội Nam, quá trình khai thác là có thật, sản lượng titan khai thác được tại mỏ này cũng là có thật; công ty hoàn toàn không có vi phạm gì trong hoạt động mua bán titan trôi nổi. Như vậy, 434 tấn titan của Công ty An Trường An bị bắt giữ và tịch thu là có nguồn gốc từ quá trình khai thác hợp pháp tại mỏ Hòa Hội Nam, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ. Nếu nói 434 tấn titan này không có nguồn gốc hợp pháp, vậy thử hỏi, nguồn gốc của nó ở đâu? Các cơ quan chức năng ở Bình Định không có bất cứ một chứng cứ nào cho thấy 434 tấn titan không được lấy lên từ mỏ Hòa Hội Nam.
Tại điểm d, khoản 1, điều 55 luật Khoáng sản số 60/2010/QH 12 quy định, các tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản có quyền cất giữ, vận chuyển, tiêu thụ, xuất khẩu khoáng sản đã khai thác theo quy định của pháp luật. Công ty An Trường An vận chuyển 434 tấn titan khai thác được tại mỏ Hòa Hội Nam về cất giữ tại kho là hoàn toàn đúng quy định pháp luật; không thể nói là bất hợp pháp được.
Được biết, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, Công ty An Trường An đã gởi đơn kêu oan đến nhiều cơ quan chức năng . Báo Cựu chiến binh Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định xem xét và giải quyết sao cho thấu tình đạt lý những kiến nghị của Công ty An Trường An.
Dương Quốc