Tình bạn già của người xưa
“Có cô Tư cuối làng nhà nghèo nhưng dáng mắn con, nếu bác chịu, tôi sẽ làm mối cho”.
Ông 70:
“Mình già rồi, ai người ta chịu lấy. Mà nếu có lấy thì chắc gì đã thực bụng…”.
Ông 71 tủm tỉm ngắt lời bạn:
“Việc ấy bác cứ để tôi lo”.
Vài hôm sau, nhân đến lấy thuốc cho mẹ ốm, cô Tư than vãn cảnh nhà nghèo khó, thầy lang 71 bèn ướm lời:
“Ông phú hộ 70 trong làng vừa chết vợ, nếu cô lấy ông ta thì chẳng lo gì nghèo đói.”
Cô gái lắc đầu trả lời:
“Cháu lấy ông già sắp đến cõi để làm gì?”.
Thầy lang nói ngay:
“Ông ấy uống thuốc tôi. Tôi sẽ cắt thuốc cho ông ấy sớm “đi” để cô lấy chồng khác”.
Cô gái tần ngần nhưng rồi cũng chấp thuận.
Cưới xong, lần nào đến lấy thuốc cho ông chồng già, thầy lang 71 cũng dặn cô:
“Uống thuốc này ăn kèm với lòng lợn và bún thì sức công phạt mạnh, kiến hiệu như thuốc thần”.
Chẳng dè thuốc toàn những vị bổ (sâm nhung, quế phụ...) lại kèm với thức ăn bổ, thành ra ông già 70 trở nên sung sức, ham việc chăn gối nên chẳng bao lâu cô vợ trẻ có chửa, sinh được cậu con trai.
Tuy nhiên, sự sung sức của ông già 70 chỉ bừng lên như “nắng quái chiều hôm”. Ông biết quỹ thời gian của mình chẳng còn được mấy, bèn đến tâm sự với ông 71:
“Nhờ bác mà em đã có được mụn con “chống gậy”. Sau khi em mất, chắc vợ chồng thằng rể sẽ sinh chuyện để tranh giành gia tài điền sản. Xin bác tìm cách chu toàn cho mẹ con nó, giúp em”.
Dường như đã có sự chuẩn bị sẵn, ông 71 cẩn thận rút trong túi áo ngực ra mảnh giấy, rồi ân cần trả lời: “Trước hết, bác hãy đặt tên cho cháu là Phi. Ở đây “tai vách mạch rừng” không tiện nói ra, bác hãy về làm theo lời tôi viết trong giấy”.
Không lâu sau ông 70 mất. Nhưng trước đó, theo sự chỉ vẽ của bạn, ông đã kịp soạn tờ di chúc, vẻn vẹn có 22 từ:
“Thất thập tuế sinh phi ngô tử dã gia tài điền sản giao nhữ tử tế ngoại nhân bất đắc vọng tranh”.
Tờ di chúc viết theo lối cổ, liền mạch không có dấu chấm câu, không viết hoa, nên đã xảy ra vụ kiện: đòi gia sản giữa vợ chồng người con gái ông 70 và cô vợ trẻ.
Thầy kiện bên người con gái và chàng rể ngắt câu trong di chúc như sau và giải thích:
“Thất thập tuế sinh, phi ngô tử dã. Gia tài điền sản giao nhữ tử tế, ngoại nhân bất đắc vọng tranh”
(Bảy mươi tuổi mà sinh con, nó không phải là con ta. Gia tài điền sản giao cho con rể, người ngoài không được tranh giành một cách sai trái).
Theo lối ngắt câu này thì ông 70 không công nhận cậu bé là con mình. Nhưng thầy kiện bên phía người vợ trẻ cũng không vừa, bèn ngắt câu chúc thư theo cách khác và giải thích như sau:
“Thất thập tuế sinh Phi, ngô tử dã. Gia tài điền sản giao nhữ tử, tế ngoại nhân bất đắc vọng tranh”.
(Bảy mươi tuổi sinh thằng Phi, nó là con ta vậy. Gia tài điền sản giao cho thằng con, rể là người ngoài không được tranh giành một cách sai trái).
Quan huyện thấy lời giải thích của hai bên đều có lý, bèn xử:
“Gia sản giao cho con gái và rể tạm thời quản lý, nhưng phải chia một nửa lợi tức cho người vợ trẻ để nuôi con là Phi”.
Phán quyết trên tuy chẳng có gì sáng suốt, nhưng nhờ đó mà gia sản được bảo toàn và chị vợ trẻ nghèo không được nắm tài sản trong tay, nên đành phải đứng lại để được lĩnh hoa lợi hằng năm nuôi con ăn học. Năm Phi 18 tuổi, cậu bèn đứng đơn kiện đòi gia sản. Lúc này tại địa phương đã có viên tri huyện khác đến trị nhậm. Viên quan mới được dân chúng ca tụng là anh minh, nghiên cứu kỹ hồ sơ, đọc đi đọc lại bản di chúc rồi hỏi Phi:
“Ngoài chúc thư ra, khi cha ngươi còn sống có thường hay nói điều gì không?”
Cậu Phi trả lời:
“Mẹ con kể lại rằng: cha thường ru con:
Thương con cha
để trong lòng.
Phải đâu áo ướt
mà phong ra ngoài.
Viên tri huyện gật gù: “Trong lòng” người chết tức trong chiếc bài vị! Bèn sai lính đến bàn thờ lấy bài vị người cha đem chẻ ra - ngay tại công đường. Quả nhiên trong bài vị có tờ di chúc ngắt câu như sau:
“Thất thập tuế sinh Phi, ngô tử dã. Gia tài điền sản giao nhữ tử, tế ngoại nhân bất đắc vọng tranh”.
(Bảy mươi tuổi sinh thằng Phi, nó là con ta vậy. Gia tài điền sản giao cho thằng con, rể là người ngoài không được tranh giành một cách sai trái).
Nhờ chúc thư này, cậu Phi con trai ông già 70 được thừa kế gia sản. Và người vợ trẻ cũng chẳng dại gì mà đi bước nữa, trở thành người quả phụ thủ tiết thờ chồng “bất đắc dĩ”.
Câu chuyện trên càng ngẫm càng thấy: Tình bạn giữa hai ông già 70 và 71 thật chí cốt. Với kiến thức tích lũy được trong đời làm nghề bốc thuốc, ông 71 đã giúp bạn 70 có con trai, làm thỏa lòng mong ước bấy lâu của bạn là có người nối dõi tông đường. Rồi đến chuyện chỉ vẽ cho bạn lập hai bản di chúc, một bản công khai không có dấu chấm câu, ý nghĩa mơ hồ muốn hiểu thế nào cũng được, Đây là một kế sách hòa hoãn nhằm bảo vệ cậu con trai bé bỏng, đồng thời cũng bảo toàn được gia sản. Bởi: nếu di chúc, ngay cho con trai như bản bí mật cất trong bài vị thì chàng rể và cô con gái sẽ tìm cách làm hại cậu con trai nhỏ dại. Và có thể cô vợ trẻ sẽ bán gia sản rồi ôm tiền, ôm con đi bước nữa. Đây là một câu chuyện đẹp về tình bạn già chân thành, tốt bụng, sâu sắc, rất có ý nghĩa nhân văn, đáng để cho người đời, nhất là những ai còn coi đồng tiền hơn đồng chí lấy đó suy ngẫm, sửa mình.
Nguyễn Văn Cự (sưu tầm)
- Ghi chú: Những câu trong bản di chúc (kể cả lời dịch)