Tỉnh Bắc Giang: Bất cập trong giải quyết tranh chấp đất đai, tước đoạt quyền lợi của gia đình liệt sĩ!
Ông Thọ và chị gái bên thửa đất ao bị tranh chấp.
Ông Phạm Văn Thọ, trú tại thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang có đơn kêu cứu gửi về Báo CCB Việt Nam phản ánh: Ông là con liệt sĩ, sống gương mẫu (từng hiến máu, hiến thận cứu người), thuộc đối tượng gia đình chính sách, nhưng khi giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi của gia đình ông, một số cán bộ thuộc UBND tỉnh Bắc Giang, các cơ quan chuyên môn có dấu hiệu tắc trách, dẫn đến giải quyết tranh chấp đất đai không thấu tình đạt lý….
Lãnh đạo các cấp chính quyền và rắc rối về quyền sử dụng đất của gia đình liệt sĩ Phạm Văn Lợi…
Trong đơn gửi về Báo CCB Việt Nam, ông Thọ cho biết: Bố đẻ của ông là Phạm Văn Lợi - liệt sĩ, khi còn sống đã khai hoang thửa đất số 40, tờ bản đồ số 56, diện tích 297,4m2. Loại đất là đất ao. Đây là thửa đất ngay cạnh căn Nhà tình nghĩa địa phương xây dựng cho gia đình liệt sĩ mà ông Thọ đang sử dụng.
Liệt sĩ Phạm Văn Lợi có 6 người con (5 con gái, 1 con trai), sau khi ông Lợi hy sinh, thửa đất trên được các con thay nhau sử dụng để sinh nhai. Năm 2008, khi địa phương đo đạc bản đồ địa chính đã lập hồ sơ xác định chủ sử dụng thửa đất là Phạm Văn Thọ (con trai liệt sĩ).
Thế nhưng năm 2022, ông Phạm Văn Dính là công dân cùng địa phương đã tự ý đo, làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất trên. Điều đáng nói là các cán bộ địa phương “tắc trách” đã xác nhận, lừa ông Thọ ký giáp ranh để đi cấp giấy chứng nhận (GCN) cho ông Dính. Sau này ông Thọ biết, đã có đơn gửi Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai. Ngày 13-7-2023, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa ra Quyết định 3078/QĐ-UBND giải quyết tranh chấp (gọi tắt là Quyết định 3078): Công nhận thửa đất thuộc những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Phạm Văn Lợi (cha đẻ của ông Phạm Văn Thọ) theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.
Tìm hiểu chúng tôi được biết nguyên nhân để Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa có quyết định, công nhận thửa đất trên là của liệt sĩ Phạm Văn Lợi đã bán cho gia đình ông Dính nhưng không có giấy tờ bán (ông Dính có nhiều lời khai khác nhau khi giải quyết tranh chấp - PV); cuộc họp của cán bộ địa phương đã xác nhận liệt sĩ khi còn sống khai hoang, sử dụng vào mục đích làm ao trước 1960; từ năm 1983, liệt sĩ Phạm Văn Lợi hy sinh, không để lại di chúc, không chuyển quyền sử dụng đất cho bất cứ cá nhân nào… Quá trình sử dụng đất thì qua ý kiến tại hội nghị dân cư xác định có thời điểm chị Lộc (con liệt sĩ Lợi sử dụng), có lúc ông Dính, có lúc ông Thọ sử dụng…
Sau khi có quyết định giải quyết 3078 của UBND huyện Hiệp Hòa, ông Phạm Văn Dính khiếu nại tới UBND tỉnh Bắc Giang. Ngày 23-11-2023, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang có Quyết định 1818/QĐ-UBND quyết định giải quyết tranh chấp đất đai giữa ông Phạm Văn Thọ với ông Phạm Văn Dính (trú tại TDP Việt Hùng, thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) do ông Phó chủ tịch Lê Ô Pích ký thay. Theo đó, Quyết định của Phó chủ tịch tỉnh Bắc Giang ký đã quyết định “thu hồi, hủy bỏ Quyết định 3078 của Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa; công nhận khiếu nại của ông Dính là có cơ sở”.
“Đảo chiều” - liệu có vi phạm về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại?
Liên quan đến quyết định giải quyết tranh chấp đất đai giữa ông Phạm Văn Thọ với ông Phạm Văn Dính của UBND tỉnh Bắc Giang, trao đổi với PV, luật sư Phan Thị Tĩnh - Đoàn luật sư T.P Hà Nội cho biết: Khoản 2 Điều 204 Luật Đất đai 2013 quy định: “Việc giải quyết khiếu nại Quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo Quy định của Luật Khiếu nại”. Đồng thời Điều 39 Luật Khiếu nại 2011 và Điều 28 Nghị định 124/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại quy định rõ: Trong khiếu nại lần hai thì phải tổ chức đối thoại, người có thẩm quyền là Chủ tịch UBND tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh và Thủ trưởng cơ quan đơn vị trực thuộc. Tuy nhiên khi tổ chức đối thoại giải quyết khiếu nại, người không đủ thẩm quyền là ông Ngô Văn Xuyên - Phó giám đốc Sở TNMT tỉnh Bắc Giang đã tổ chức đối thoại qua loa, không đúng trình tự và không lập biên bản theo quy định pháp luật khiến công dân bức xúc.
Vẫn theo luật sư Tĩnh, nội dung Quyết định 1818 còn chung chung, không rõ ràng, khó có thể thực thi. Tại mục 2.1 trong phần Quyết định nêu: “Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện phối hợp với UBND thị trấn Thắng rà soát lại về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất, hiện trạng đối chiếu với quy định hiện hành, hướng dẫn công dân hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 40, tờ bản đồ 56 diện tích 294,4m2 (nếu công dân tiếp tục có nhu cầu), trên cơ sở xem xét theo thẩm quyền.
“Quyết định 1818 là quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND tỉnh, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai thì cần xác định rõ công dân là ai. Nếu ghi công dân chung chung như vậy thì cần suy luận và hiểu thế nào? Quyết định yêu cầu rà soát lại hàng loạt mục, như nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất, hiện trạng đối chiếu với quy định hiện hành, phải chăng là chưa xác định được đất là của ai? Chưa công nhận quyền sử dụng đất cho ai? Thế thì Chủ tịch tỉnh giải quyết tranh chấp đất đai kiểu gì?” - luật sư Tĩnh chỉ ra những mẫu thuẫn trong cách thức giải quyết khiếu nại tại Quyết định 1818.
Theo luật sư Tĩnh, các lập luận và căn cứ trong quyết định giải quyết khiếu nại 1818 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang không dựa trên các căn cứ pháp luật về giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo khoản 1 Điều 91 của Nghị định 43/NĐ-CP ngày 15-4-2014 về Hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013; đặc biệt là căn cứ về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và chính sách đất đai đối với gia đình chính sách. Việc lật ngược quyết định trước đó của Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của gia đình liệt sĩ…
(còn nữa)
Bài, ảnh: Tư Hoành