Vắc xin phòng sởi, quai bị, rubella tại trung tâm y tế ở Haverstraw, Rockland, New York, Mỹ, ngày 5/4/2019.

Các loại vaccine được phát minh và đưa vào sử dụng hàng chục năm qua đã chứng minh lợi ích rõ ràng trong việc bảo vệ tính mạng và sức khỏe con người. Ấy nhưng, những thông tin sai lệch về vaccine trong thời đại thông tin mạng bùng nổ như hiện nay lại như một loại virus hiểm độc khiến người dân hoài nghi về việc sử dụng vaccine.

Ngày 28-6, phát biểu tại cuộc hội thảo về tình trạng thiếu thông tin cho vaccine và các biện pháp nhằm xây dựng lòng tin, Giám đốc điều hành của UNICEF - Henrietta Fore dẫn số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đây là biện pháp giúp ngăn chặn từ 2 đến 3 triệu người chết hằng năm. Thế nhưng, bà Giám đốc cũng cảnh báo ước tính có khoảng 20 triệu trẻ sơ sinh bỏ lỡ các lợi ích từ việc tiêm phòng mỗi năm, khiến chúng có nguy cơ mắc các loại bệnh và đẩy các cộng đồng cùng nhiều nước vào nguy cơ bùng phát các đại dịch.

Vì sao có chuyện đó? Theo bà Fore, thông tin sai lệch đóng vai trò quan trọng trong sự ác cảm của người dân với việc tiêm phòng vaccine. “Giống như các dịch bệnh mà vaccine có thể phòng ngừa, thiếu thông tin về vaccine có thể lan truyền nhanh chóng, đặc biệt là trực tuyến. Chúng ta không thể để cho tình trạng thiếu lòng tin và thiếu thông tin đẩy lùi những tiến bộ quan trọng đạt được trong quá trình ngăn ngừa các loại bệnh”, bà Fore nói.

Như vậy, để tăng niềm tin của người dân khi sử dụng vaccine, vai trò của các cơ quan truyền thông chính thống rất quan trọng nhằm khắc phục việc thiếu thông tin về vaccine cũng như bác bỏ những thông tin sai lệch về việc tiêm phòng, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân.

Nam Long