Tin ở sức người “sỏi đá cũng thành cơm” (22/07/2013)

Nhiều người biết anh Lai và chỉ lên một quả đồi xanh vời vợi. Quả đồi như một ngọn tháp bút khổng lồ: Những cây thông tỏa vươn hình mâm xôi, lá nhọn, bốn bề gió reo. Lạc vào đây phảng phất một mùi thơm thoảng của nhựa thông, làm tôi thư thái hơn. Có mấy con đường mòn lên núi, dấu xưa của bà con qua lại. Nhưng theo tay của một người mẹ bồng con chỉ lên một chiếc lán nhỏ xinh xắn, tôi cứ nhằm thẳng mà leo lên, gặp một người tầm thước, mặc bộ quần áo lính bạc màu sương gió.

Đoán là anh Lai, nên tôi lên tiếng trước:

  • Chào anh! Tôi xin hỏi anh Lai.

  • Tôi đây! Anh cần việc gì?

Người đàn ông hoạt bát, nhanh nhẹn, giọng trầm ấm, xởi lởi:

  • Mời anh vào xơi nước!

  • Thưa anh, tôi nghe nói anh trồng được nhiều rừng cây nơi sỏi đá khô cằn, nên muốn đến tận nơi xem.

Anh cười đôn hậu: Cũng chỉ mới bước đầu, còn khiêm tốn thôi.

Tôi theo anh vào rừng, vừa đi anh vừa nói chuyện. Tôi theo kịp anh khá vất vả, dù trước kia tôi đã từng sống, làm việc nhiều năm ở miền đồi; đôi chân đã quen lên dốc, xuống dốc.

Lên cao, tôi phóng tầm mắt ra xa. Thật tuyệt vời! Những quả đồi lô nhô hiện lên như bát úp. Một màu xanh sự sống đang trải rộng. Xa xa là đường 1A, thấp thoáng mầu ngòi đỏ, nhà cao tầng…

Anh Lai chậm rãi kể: Trước kia nơi đây chỉ là vùng đồi sỏi đá một mầu mốc thếch. Mùa mưa nhìn lên những quả đồi trọc, con nước trắng đổ xuống như thác. Mùa gió hanh heo cuốn bụi mờ trắng, chỉ có những cây chịu hạn giỏi như sim, mua, lau lách là mọc được, nhưng cỗi cằn. Dưới cái nắng nóng, gió tây như rang cát thì không mấy ai đi lại được trên vùng đồi sỏi đá bỏng rát này.

Anh nói vui. Tôi chậm chân nên cũng vất vả hơn; “trâu chậm uống nước đục mà”. Mãi năm 1981 tôi mới rời quân ngũ về làng. Bạn bè cùng lứa người còn, người mất sau chiến tranh, người thì thành đạt, còn mình chỉ có hai bàn tay trắng, gia đình đông con, đói nghèo đeo bám mãi. Nhiều đêm nằm trăn trở, nhìn qua những chỗ dột trên mái nhà lá, thấy ánh sao trời mà nghĩ suy rất lung. Mình là người nông dân thì ruộng đất là cái nuôi sống mình. Nhưng những lô đất tốt, màu mỡ phì nhiêu đều đã có chủ, có người nhận cả rồi. Xoay xở đủ kiểu, làm thuê, cửu vạn, nghề phụ… mà vẫn không thoát nghèo. Cuối cùng, tôi bàn bạc với cả nhà, quyết tâm nhận thầu 28 ha trồng rừng phòng hộ. Giọng anh sôi nổi: Được sự đồng thuận, gia đình lại đông người nên mọi việc đều liệu lo được. Cả nhà hàng chục lao động lớn bé tập trung cải tạo đất, phát dọn. Những chỗ đất bằng được cày, cuốc làm ải, rồi đào lỗ, mua phân bón, trồng rừng…

Biết mấy nhọc nhằn, quê nghèo vất vả nỗi đời chênh chông, công sức của cả nhà gần chục năm ròng, đắp hào, làm đường, đào rãnh thoát nước để chống xói mòn, đất lở… Là trụ cột của gia đình, chăm chút từ gốc cây, nâng tỉa cành không để trâu, bò phá, giữ không cho “thần hỏa” nổi giận… Anh đã biết khai thác sử dụng triệt để những đồng tiền giá trị với hiệu quả cao của Nhà nước hỗ trợ: Giống cây và 2 triệu đồng/ha. Do đó, gia đình anh không phải vay mượn thêm bạn bè, ngoài số tiền hỗ trợ của dự án.

Phải lấy ngắn nuôi dài anh ạ! Anh Lai kể: Qua tìm hiểu yêu cầu thị trường và thổ nhưỡng, tôi đã chọn cây khoai môn – loại cây dễ trồng, cho năng suất cao, mỗi sào khoai môn cho thu hoạch 6 tạ/ mỗi năm 2 vụ, cho thu nhập 12 triệu đồng; rất dễ tiêu thụ. Thêm một số loại cây quay vòng như: bắp cải, cà chua, kiệu… rồi chăn nuôi gia cầm: lợn, bò, trâu, gà, vịt, dê… “Lấy rừng để nuôi rừng phát triển”. Anh lại cười.

Cũng may trời phú cho sức khoẻ, chứ nếu tôi mà quỵ ngã thì cơ ngơi đâu còn gì? Có lẽ thứ thuốc thần diệu là “chuối rừng ngâm rượu” – Anh nói: Đây là thứ rượu công hiệu chữa nhức xương cốt, giúp tôi lội rừng, băng dốc.

Với đàn vịt đẻ 250 con, mỗi ngày cho 70 quả trứng, 10 con bò sinh sản (mỗi năm bán thu được 30 triệu đồng tiền bê giống), rồi đàn gà đẻ, gà thịt 200 con, 2 ha ao nuôi cá, kết hợp trồng lúa. Mỗi năm gia đình anh có nguồn thu hơn 100 triệu đồng, trừ mọi chi phí, vẫn thực lãi từ 60-70 triệu đồng. Khi gia đình đã có cuộc sống ổn định, kinh tế dư dôi, đủ đồng vốn thuê nhân công, mua máy bơm chủ động tưới tiêu… anh càng có điều kiện đầu tư cho trồng và chăm sóc rừng. Là người ham học hỏi tiếp thu KHKT mới vào trồng rừng, làm cho rừng sinh sôi phát triển, ở anh Lai có một đức tính đáng quý là khiêm tốn, cầu thị, hễ nơi nào có giống cây mới, có cách làm hay, không quản ngại, anh lặn lội tìm đến học tập.

Những quả đồi trọc trước đây nay đã được phủ xanh bằng hàng vạn cây thông, hàng vạn cây keo và 2.000 cây bạch đàn… Vừa qua, hội làm vườn huyện đã trồng thử nghiệm trên diện tích 2 ha đất của anh 1.000 gốc tre bát bộ đã lên xanh. Chia tay anh Lai, tôi càng cảm phục về nghị lực của một người lính trên mặt trận mới, dám nghĩ, dám làm, dám tiến công vào những nơi gian khó, không ai dám nhận. Anh góp thêm cho đời một vùng rừng xanh tốt, nhân lên niềm tin “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”

Bùi Vũ Liêm