Tín dụng đen đang “hút máu” người DTTS Tây Nguyên
Gia đình chị Siu H’Min kiệt quệ vì “tín dụng đen”.
Mỗi lần con cái đau ốm hay gia đình hết gạo, chị H’Min lại tìm đến nhà bà C để ứng tiền. “Mình ứng 300 nghìn đồng, sau này đến vụ, bà C sẽ đến lấy 3 bao khoai mì (sắn lát) khô. Gần đến lúc thu hoạch bà ấy sẽ ghé nhà, đưa trước cho mình mấy cái bao cỡ lớn để mình đựng khoai mì vào đó. Đúng ngày bà ấy sẽ cho xe đến chở về nhà” - chị H’Min nói.
Em gái H’Min là Siu H’Len vừa lấy chồng cũng phải vay 60 triệu đồng của bà C, nguy cơ không thể trả nổi. Bà C cảnh báo nếu đến năm 2019 Siu H’Len không thanh toán được khoản nợ trên thì cả 2 sào đất thổ cư và 6 sào đất rẫy của gia đình Siu H’len sẽ bị “thu hồi”.
Ở cùng buôn, chị Ksor H’Máo - lao động chính trong gia đình có 11 người chia sẻ: Mỗi lần hết gạo, chị đều qua nhà V là người cùng xã lấy, mỗi bao V tính 700 nghìn đồng, trong khi đó nếu mua ngoài đại lý, trả tiền luôn thì chỉ 450 nghìn đồng. Nếu được ứng 1 triệu đồng sẽ phải trả 10 công làm, trong khi mỗi công làm thời điểm này được trả 200 nghìn đồng. Biết là mình bị ép, nhưng lúc người nhà bị đau ốm thì cũng phải cắn răng mà vay. “Hiện tại để trang trải cuộc sống, sau khi đi làm về, chồng em ra sông Ba bắt cá để kiếm thêm thức ăn cho gia đình, vì không có tiền mua thịt. Toàn bộ tài sản của nhà em bây giờ chỉ có 200 trăm nghìn, chính là khoản tiền em vừa đi vay”- chị H’Máo ngậm ngùi.
Ông Rơ Ô Loan - Trưởng thôn buôn Chai cho biết: Trong buôn có 204 hộ dân thì 190 hộ sa vào bẫy “cung ứng” từ 5 đầu mối tín dụng đen, trong đó, đầu mối lớn nhất là bà Th đã hoạt động gần 20 năm. Theo vị Trưởng thôn này, mới đây, có gia đình anh Ksor Plông phải nuôi 6 miệng ăn, do túng thiếu nên vay 20 triệu đồng với lãi suất cao, vì không có khả năng trả nên đã phải gán cho bà Th 1 héc-ta đất.
Xem ra, các văn bản do UBND tỉnh Gia Lai ban hành từ trước tới nay nhằm ngăn chặn hoạt động tín dụng đen dường như không mấy hiệu quả. Những đầu mối tín dụng đen vẫn đang “hút máu” đồng bào DTTS nơi đây.
Tiến Lê