"Tìm bạn về” - Tiếng lòng thổn thức

Ngày 6-1-1972, thầy trò lớp 10G Trường Chu Văn An bùi ngùi tiễn đưa Vũ Duy Hùng và Đặng Trần Cảnh - hai chàng trai hiền lành, học giỏi, mới 17 tuổi đời lên đường ra trận. Nối bước Hùng và Cảnh, theo tiếng gọi của miền Nam, sau này nhiều học sinh Trường Bưởi tiếp tục có mặt ở chiến trường; nhưng hầu hết đều trở về, cho dù có người mang trên mình đầy thương tích. Riêng Vũ Duy Hùng và Đặng Trần Cảnh vĩnh viễn không về, để lại trong lòng bạn bè một khoảng trống khó gì khỏa lấp. Vũ Duy Hùng hy sinh trên chiến trường Quảng Trị, còn Đặng Trần Cảnh hy sinh ở Rạch Giá.
Đầu năm 2016, các bạn cùng lớp quyết định chọn việc đi tìm Cảnh và Hùng về là việc có ý nghĩa nhất phải làm trong năm đầu tiên cả bọn cùng khóa nghỉ hưu. Ngay sau đó ra đời nhóm "Tìm bạn", có Bá Dũng, Trần Anh Tuấn, Hạ Hồng Hà. Về sau, có thêm CCB Trần Tường Huấn (có thời gian chiến đấu ở chiến trường miền Tây Nam Bộ cùng chiến trường với Cảnh)... và đổi thành "Tìm bạn về".
Ngày 30-5-2016, nhóm "Tìm bạn về" và bạn bè đồng môn lớp G đến gia đình Đặng Trần Cảnh (ở phố Thụy Khuê, Hà Nội) và gia đình Vũ Duy Hùng (ở phố Giang Văn Minh, Hà Nội), thắp hương cho hai bạn và xin phép gia đình được đi tìm bạn về. Mẹ của Cảnh nay đã 94 tuổi, vẫn minh mẫn và hơn bốn chục năm ròng khắc khoải thương con hy sinh khi tóc còn xanh quá, không biết bấy nhiêu năm nằm ở nơi nào?
Hành trình tìm bạn về vô cùng khó khăn, bởi giấy báo tử của Cảnh không có phiên hiệu đơn vị, nơi chiến đấu và nơi chôn cất, lại sai cả tên liệt sĩ và tên bố... Cục Chính sách Bộ Quốc phòng cũng không lưu hồ sơ quân nhân của Cảnh và Hùng. Giữa mênh mông mơ hồ, vô vọng đó thì từ Ngô Thúy Hằng - Trung tâm Hỗ trợ thông tin các gia đình liệt sĩ Việt Nam cho biết Đặng Trần Cảnh chiến đấu, bị thương và hy sinh "tại khu vực kênh 2 Út, Rạch Giá". Lập tức, cả nhóm tìm mọi cách tìm kiếm, liên hệ với các CCB từng chiến đấu ở vùng kênh 2 Út những năm 1972-1973. Các CCB đều nhiệt tình giúp đỡ, đặc biệt trong số đó có CCB Nguyễn Phương Bình (lính của e20, f330), quê Đông Anh, Hà Nội; sau chiến tranh anh Bình lấy vợ và sinh cơ lập nghiệp ở Giồng Riềng, Rạch Giá, Kiên Giang. Được sự trợ giúp của anh Bình, cả nhóm tìm đến NTLS Giồng Riềng - nơi có hài cốt liệt sĩ 6 nghĩa trang ở vùng kênh 2 Út chuyển về, nhưng không hề mảy may một thông tin về ĐặngTrần Cảnh. Lại lần mò sang NTLS Gò Quao, cả nhóm vừa đi vừa cầu khấn Cảnh "sống khôn thác thiêng, đưa đường dẫn lối để tìm bạn về". Rồi như một linh ứng, đến NTLS Gò Quao, mọi bế tắc gần như được hóa giải. Xin dẫn một đoạn bút ký của nhóm "Tìm bạn về" để minh chứng cho sự linh ứng đó:
"Ngày 2: th2, 13.6.16:
diện mộ liệt sĩ....k.khí nặng nề.
9h đến NTLS Gò Quao, vừa chào hỏi, chưa ai kịp ngồi, đã nghe anh quản trang (Trần Khả Năng - BT) nói tắp lự khi cầm tên Đăng Trần Cảnh trên tay: Tôi biết rõ các NTLS. Không có ở đây, cũng không có ở NTLS tỉnh KG đâu". Tuấn Vile cố gắng hỏi: "Chúng tôi quan tâm đến cả những mộ vô danh". Anh ấy trả lời: "Vô danh thì lấy đâu hồ sơ?!". HH bật khóc và nhắc đến mẹ già của Cảnh, đến các NT đều hoành tráng với toàn bộ mộ vô danh... Tự nhiên anh Năng thay đổi thái độ, mặt căng thẳng, tập trung cao độ vào việc gọi điện thoại khắp nơi và giở bản đồ liên tục. Chỉ có một mình Lã Hòa thắp hương, tìm mộ. Bốn chúng tôi ngồi lại để "quây" anh quản trang. Anh vẫn cứ: "K có đâu"...
Cuối cùng, chợt anh đi vào cuối phòng, với tay lên nóc tủ lấy hộp tài liệu, mở ra và bật lên: "70% đây rồi!".... Chúng tôi xúm lại đọc tờ giấy kẻ viết bằng tay, và đờ hết cả ra khi chính mắt thấy ở ngay hàng đầu tiên, cột dọc thứ 6 dòng chữ mất nét "Đặng Trần Cảnh, hs. 23.9.73, qq Bưởi, Hà Nội". Thực sự là không nói cười gì được nữa, thấy như Bạn mình ở đây, đang dẫn giắt nhau đi... Nếu là bình thường, liệu có ai còn có "cảm nhận sao đó" để ngồi bám níu, tìm ra thông tin ở nơi không liên quan gì cả như thế này không?
Trấn tĩnh lại, nhóm hết lòng cảm ơn anh Trần Khả Năng. Hóa ra anh nguyên là PPLĐTBXH Gò Quao, năm xưa, có việc gia đình về vùng Vĩnh Hòa Hưng Bắc, vô tình thấy ở Ủy ban xã và xin chụp tấm sơ đồ NTLS ấp 6 Kim, của ông Tư Quắm, người chịu trách nhiệm chôn cất LS và lập ra từ năm 1973. Rất có thể ông Tư này đã chôn cất cho bạn chúng ta?...".
Dĩ nhiên phần 30% còn lại để xác định được nơi chôn cất, xác định danh tính của liệt sĩ Đặng Trần Cảnh còn không ít khó khăn. Nhưng được sự giúp đỡ có hiệu quả của nhiều cá nhân, tập thể, đặc biệt là Cục Người có công Bộ LĐTBXH, mộ liệt sĩ Cảnh đã được xác định chính xác tại NTLS tỉnh Kiên Giang.
Phút giây đón nhận kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ Đặng Trần Cảnh, nhóm "Tìm bạn về" và tập thể cựu học sinh lớp G Trường Bưởi như thấy Cảnh trở về trong vòng tay mình. Hiện nay, "Tìm bạn về" đang rốt ráo vào Quảng Trị tìm mộ Vũ Duy Hùng và mong một ngày không xa Hùng cũng sẽ trở về trong vòng tay gia đình và bè bạn.
Tường Huấn