Tìm ân nhân thời chiến tranh (22/10/2009)

Trung tá CCB Nguyễn Văn Duy, ở A1, Khu tập thể Bộ Tư lệnh đặc công Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội gửi thư về tòa soạn như sau:

“Chiến tranh đã qua đi, đất nước thanh bình, gia đình chúng tôi muốn tìm lại người đã cứu vợ tôi qua cơn hoạn nạn. Qua câu chuyện mà tôi sắp kể sau đây, những mong Ban biên tập và bạn đọc có thể giúp gia đình chúng tôi tìm lại ân nhân.

Đó là vào ngày đầu năm 1973, trên đường từ Hà Nội đi Sơn Tây, vợ tôi là Lưu Thị Căng, có gặp một đơn vị bộ đội mang quân kỳ và rất nhiều cờ đỏ sao vàng trên đường hành quân, đúng lúc đó vợ tôi bị cảm nặng, ngã xuống đường bất tỉnh. Khi tỉnh lại, vợ tôi mới biết là đơn vị bộ đội ấy đã đưa vợ tôi vào cấp cứu ở bệnh viện huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (cũ) (lúc đó bệnh viện ở trên một cánh đồng). Một trong những người đã trực tiếp giúp vợ tôi là bác sĩ Nguyễn Thế Châu (quê anh ở Nghệ An). Hôm đó, đơn vị anh đóng quân ở một địa điểm gần bệnh viện, nên anh Châu đã cử một y tá và một chiến sĩ nuôi quân vào thăm vợ tôi (nhưng do sức khoẻ yếu, nên vợ tôi không biết tên hai người đó) và qua đó vợ tôi mới biết được hòm thư và người bác sĩ đầy lòng nhân ái đã trực tiếp giúp đỡ vợ tôi là anh Nguyễn Thế Châu. Sau khi sức khoẻ ổn định, vợ tôi được gia đình đưa về quê hương là xã Trưng Vương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Bố vợ tôi đã thay mặt gia đình viết một lá thư theo địa chỉ trên cảm ơn đơn vị và anh Châu.

Một thời gian sau, trong dịp nghỉ phép, anh Châu đã đến Việt Trì thăm gia đình chúng tôi, anh có kể rằng: Anh được thưởng phép là do trường Đại học quân y (nay là Học viện quân y) nhận được lá thư của gia đình chúng tôi, đã tổ chức buổi học tập nêu gương người tốt, việc tốt trong phong trào thi đua quyết thắng xây dựng người cán bộ quân y vừa hồng, vừa chuyên. Sau đó mấy tháng, mẹ vợ tôi cùng vợ tôi đã đến trường Đại học quân y thăm anh, được anh Châu dưa đến nhà bà cụ ở xã Thanh Liệt nghỉ ngơi. Hôm sau, anh còn đưa vợ tôi đi thăm phố phường Hà Nội và đến nhà chị Mỳ (anh bảo chị Mỳ là người yêu của anh). Sau lần đó, vì điều kiện sức khoẻ, công tác và cũngkhông nhớ thật cụ thể quê anh (ở huyện Diễn Châu, hay Quỳnh Lưu), bởi cuốn sổ ghi địa chỉ quê anh và hòm thư đơn vị đã bị thất lạc, nên gia đình chúng tôi không liên lạc được với anh. Đối với gia đình chúng tôi, anh là một ân nhân, một con người đáng kính. Bây giờ vợ chồng tôi còn giữ lại một tấm ảnh mà anh đã tặng gia đình chúng tôi trong lần anh đến Việt Trì. Qua thời gian tấm ảnh đã hoen ố, loang lổ, nhưng đối với chúng tôi nó là mộ kỷ vật quý hơn vàng. Chúng tôi sẽ cố gắng phục chế để lưu lại cho con cháu sau này.

Bây giờ vợ chồng chúng tôi đã nghỉ hưu sau những năm tháng phục vụ trong QĐND Việt Nam, nhưng nỗi trăn trở chưa được gặp lại ân nhân vẫn còn đó. Hy vọng qua bài viết này kính mong Ban biên tập cùng bạn đọc và bạn bè, đồng đội của anh Châu giúp đỡ chúng tôi.

Ban Công tác Hội