“Tiểu đội Nguyên Bình” - Những chuyện để đời
Bộ đội thông tin sửa chữa máy thu để bảo đảm liên lạc thông suốt trên chiến trường.
Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, 1 tháng học kỹ thuật thông tin hữu tuyến điện, tháng 8-1972 tôi được điều sang Đại đội 36 thông tin, thuộc Binh trạm 11, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần, tại chiến trường Xiêng Khoảng, Lào.
Tôi được biên chế về tiểu đội 1, thuộc Trung đội 3 do chuẩn úy Nguyễn Văn Đệ làm Trung đội trưởng. Tiểu đội có Tổng đài 10 cửa, mang tên Nguyên Bình, nên anh em cũng quen gọi là “Tiểu đội Nguyên Bình”. Tiểu đội trưởng là anh Bùi Thanh The, anh Phạm Hồng Kỳ làm Tiểu đội phó và các anh: Bạo, Chính, Thăng, Ngoạn, Thắng, Thanh là chiến sĩ.
Tôi tân binh mới vào chiến trường nên các anh rất thương tôi, dặn dò, chỉ bảo cặn kẽ từng li, từng tý. Cũng phần chính vì thế mà những kỷ niệm vui, buồn của tiểu đội tôi không bao giờ quên. Nhất là những chuyện vui, chuyện buồn cười đến khó tin, như chuyện anh Thắng đánh cờ.
Hôm ấy, tiểu đội đi vắng cả, chỉ còn tôi cùng anh Thắng được phân công ở nhà trực tổng đài. Anh Thắng nhập ngũ năm 1970, hơn tôi 2 tuổi, hơi trầm, ít nói.
Chừng 9 giờ, anh mang bộ bàn cờ tướng ra, rủ tôi chơi. Tôi bảo: Em mới biết chơi, anh đợi khi nào các anh ở nhà anh chơi cho xứng. Anh không nghe cứ bày cờ ra, tôi đành ngồi xuống.
Anh bảo tôi đi trước, tôi giục anh đi trước. Anh lại bảo tôi đi. Tôi bảo “kính lão đắc thọ”, thế là anh phải đi trước. Nhưng thật lạ lùng, anh cầm quân “tướng” đi lên, tôi tưởng anh nhầm, bảo: “Sao anh lại thượng tướng? Anh bảo: đi đi, tôi vào “pháo” đầu, anh cũng vào pháo đầu. Từ đó, tôi đi nước nào, anh đi nước ấy, chỉ mấy nước sau là anh thua.
Tôi thấy mắt anh đỏ rần, tay gạt mạnh, đám quân cờ vung ra tung tóe, làm tôi sợ quá. Anh đứng dậy đi ra ngoài, nói to, giọng đầy bực tức: “Mày đếch lịch sự, tao thượng tướng, mày không thượng tướng chào tao, lại vào pháo đánh luôn nên tao thua”.
Tôi không dám cãi lại anh, nhưng ấm ức lắm. Mấy hôm sau, nhân lúc anh Thắng ra ngoài, tôi đem chuyện này kể lại, mọi người bỗng cười ầm lên, một anh bảo: “Thắng có biết chơi cờ đâu. Có lần nó hỏi tao chơi cờ đi nước gì trước, tao đùa bảo, phải thượng tướng chào nhau… Nó tưởng thật, hôm nay mới “thượng tướng” thế…
Còn anh Vũ Hoàng Bạo, quê xã Thượng Hiền, Kiến Xương, Thái Bình. Với cách nói chuyện dí dỏm, hóm hỉnh, lại biểu cảm qua khuôn mặt, cử chỉ nên chuyện gì anh kể cũng cuốn hút.
Một lần anh kể chuyện ông Mỡi quê anh, cái gì cũng biết, nói như trạng nên dân gọi là “Trạng Mỡi”. Có lần anh về phép gặp nhau trên đường, ông hỏi: Giờ chú đóng quân ở đâu? Em ở đường 7, bên Lào. Ông nói luôn: “À, đường 7 à, trời ơi! Đường ấy đèo dốc quanh co, khúc khuỷu lắm, mà nhiều đá nữa, đá mọc tua tủa, chìa ra đường, cành như cành mít nhà chú. Xe ô tô đi qua, roạt một cái, quay lại đã mất cả thùng xe rồi”.
Anh bình luận: Ông chưa đi ra khỏi làng mà nói vậy chả trạng là gì! Chưa xong, anh kể tiếp: “Ông hỏi, bây giờ chú cấp hàm gì?”, tớ thật thà bảo “Em làm lính ấy mà”. Ông nói luôn “Ừ, làm quan có số đấy chú ạ. Thằng con tôi mới đi bộ đội được 3 tháng mà tiến bộ thật, giờ nó toàn đi với ông tiểu đoàn. Ông ấy chết nó mới chết được...”. Tôi về, hỏi người nhà mới biết, con ông làm liên lạc cho tiểu đoàn...
Còn anh đùa thì thật thông minh, dí dỏm. Người được đùa chắc nhớ mãi không thôi. Đấy là lần, có tốp dân công hỏa tuyến gồm 5 - 6 cô gái và 1 bác trai tuổi chừng 50 vào chơi. Bộ đội ở rừng, lâu ngày gặp chị em vui như mở hội, chuyện trò thật rôm rả. Trong lúc mọi người tập trung vào mấy cô gái thì anh Bạo quay sang nói chuyện với bác trai. Anh hỏi: Bác quê ở đâu? Tôi quê Can Lộc, Hà Tĩnh.
Anh chợt thốt lên: Quê bác giờ mất truyền thống cách mạng rồi. Bác này giật bắn người lên, mặt đỏ rần, dằn giọng: “Chú nói răng?”. “Tôi nói quê Bác giờ không còn là quê hương cách mạng nữa rồi” - anh nói. “Chú nói chi nghe lạ rứa?”. Anh lại hỏi: “Bác có tin báo, đài không?”. “Báo, đài là tiếng nói của Đảng, sao tôi lại không tin?”.
Không khí giữa hai người có vẻ căng thẳng, mọi ánh mắt dồn về phía họ. Anh tiếp tục tấn công: “Đấy, bác nói bác tin báo, đài nhé. Thế bác có nghe Đài hát bài: Tiếng hò trên đất Nghệ An của Dân Huyền không?”. “Có chứ!”. “Bác có nhớ người ta hát là: Tiếng ai hò trên quê ta đó nhặt khoan, ấy tiếng dân quân luyện tập giữ làng, giữ trời Xô viết Nghệ An... rồi, Ơ chứ nước Sông Lam biết khi mô cho cạn, cũng như tinh thần cách mạng của dân ta. Dù cho bão nổi, mưa sa, Nghệ An Xô Viết vẫn là Nghệ An. Bác nhớ lịch sử chứ: Phong trào Xô viết chống thực dân Pháp nổ ra năm 1930 mở đầu ở 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh nên gọi là Xô viết Nghệ Tĩnh, nhưng nay Hà Tĩnh không giữ được truyền thống nên người ta mới nói Nghệ An Xô viết vẫn là Nghệ An, chứ đúng ra phải là: Nghệ An Xô viết vẫn là Hà Tĩnh”. Đến đây mọi người mới biết anh đùa, tất cả cười ầm lên, vui vẻ.
Tôi nghĩ chỉ có lính ta mới vui và dí dỏm như thế.
Đỗ Công Huynh