Tiểu đoàn 335 Công binh Trường Sơn ôn lại những chiến công lịch sử

Ban liên lạc Tiểu đoàn 335 Công binh Trường Sơn chụp ảnh lưu niệm.

Sáng 23/4, tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh (T.P Hà Nội), Ban liên lạc Tiểu đoàn 335 Công binh Trường Sơn đã tổ chức buổi gặp mặt lần thứ 3 để kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), 66 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh, ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2025).

Trước giờ khai mạc, các đại biểu thành kính dâng hương các liệt sỹ Trường Sơn. Dành phút mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, các hội viên thành kính bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước những cống hiến, hy sinh lớn lao của các anh hùng liệt sĩ trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đem lại cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

BLL Tiểu đoàn 335 thành kính dâng hương các liệt sỹ Trường Sơn.

Tham dự buổi gặp mặt có các đồng chí: Thiếu tướng Võ Sở - Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn Việt Nam; Đại tá Thái Sầm – Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn – Ngành Chính trị; Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Đạt - nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Than Đông Bắc - Bộ Quốc phòng, nguyên cán bộ đại đội của Tiểu đoàn 335… cùng hơn 130 hội viên Ban liên lạc Tiểu đoàn 335 Công binh Trường Sơn. Nhiều đồng chí đã lớn tuổi như hội viên Lương Mạnh Trác – Nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn thời kỳ 1971-1973, năm nay đã 93 tuổi nhưng vẫn đến tham dự. Nhiều hội viên đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Hưng Yên… cũng góp mặt.

Đại tá Thái Sầm chia sẻ tại buổi gặp mặt.

Tại sự kiện, Đại tá Thái Sầm chia sẻ, Tiểu đoàn 335 – Công binh, tiền thân là 2 Tiểu đoàn 33 và 35 công binh (thành lập tháng 10 năm 1966 theo chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu, nhằm bổ sung lực lượng cho Binh trạm 16 thuộc Bộ Tư lệnh 500); sau này Tiểu đoàn 335 được điều về các Binh trạm, Trung đoàn thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn, thực hiện nhiệm vụ chính là công binh mở đường, đảm bảo giao thông thông suốt trong những năm chiến tranh ác liệt và xây dựng cầu đường ở Quảng Trị, cuối năm 1973. Tiểu đoàn 335 là một tiểu đoàn công binh tiêu biểu của Bộ đội Trường Sơn; Lịch sử chiến đấu và xây dựng của Tiểu đoàn 335 – Công binh Trường Sơn là những trang sử vẻ vang.

Trong 9 năm (1966 – 1975) Tiểu đoàn làm nhiệm vụ chiến đấu, mở đường, bảo đảm giao thông trên một diện rộng từ Đông sang Tây Trường Sơn và ngược lại, luôn thay đổi qua nhiều đơn vị, cơ động phục vụ chiến đấu. Có lẽ, hiếm có một đơn vị nào, 9 năm chiến đấu lại qua 9 đơn vị, mỗi đơn vị đều tích cực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao: “Năm 1967, hợp nhất, Tiểu đoàn thuộc Bộ Tư lệnh 500,  chiến đấu mở đường, đảm bảo giao thông trên trục đường 15, đường 16, từ ngã ba Thạch Bàn đến Làng Ho;  cuối năm 1968, Tiểu đoàn được điều tăng cường cho Binh trạm 14, đảm nhận nhiệm vụ giao thông trên tuyến đường 20 Quyết Thắng (đoạn Km0- Km 16, khai thông trọng điểm Chà Ang (K12); cuối năm 1969, Tiểu đoàn được Bộ Tư lệnh Trường Sơn điều tăng cường cho Binh trạm 32, làm nhiệm vụ  mở đường 20C, 20D, 20E, QZ25… từ biên giới qua 2 tỉnh Khăn Muộn và Xavanakhet (Lào); năm 1970, Tiểu đoàn lại được điều về Binh trạm 14, với  nhiệm vụ đảm bảo giao thông trên các trọng điểm tuyến đường 128; năm 1971, Tiểu đoàn được điều về thành lập Binh trạm 15, đảm bảo giao thông tuyến đường 128 từ ngã ba Lùm Bùm đến  K86 đường 128A trên đất nước bạn Lào; năm 1972 giải thể Binh trạm 15 thành lập Trung đoàn 15 đảm bảo giao thông tuyến đường 9, Tiểu đoàn được điều trở lại Binh trạm 14, đảm bảo giao thông trên các trục đường do Binh trạm 15 để lại; đầu  năm 1973, Tiểu đoàn được Bộ Tư lệnh Trường Sơn điều về thành lập Trung đoàn 99, đảm nhận nhiệm vụ mới là mở đường, bắc cầu trên trục đường 15, đường 9; tháng 12 năm 1974, lần thứ 9, khi không còn phiên hiệu Tiểu đoàn 335...”.

Tiểu đoàn 335- Công binh, với một chặng đường lịch sử công tác, chiến đấu tham gia ở nhiều đơn vị, nhiều địa bàn hoạt động, nhiều tuyến đường quan trọng với những trọng điểm ác liệt, gian khổ khó khăn, từ Đông sang Tây Trường Sơn và ngược lại... Tiểu đoàn  đều chiến đấu dũng cảm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, lập nhiều chiến công xuất sắc; nhiều tập thể được công nhận là tập thể tiên tiến, vững mạnh; nhiều đồng chí cán bộ chiến sĩ được  tôi luyện trong chiến đấu, đã trưởng thành, thành những  sĩ quan ưu tú của quân đội; nhiều cá nhân đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua, Chiến sĩ Quyết Thắng của Bộ đội Trường Sơn. Song, bên cạnh đó, còn nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh trở thành liệt sỹ, không bao giờ trở về, nhiều đồng chí trở về là những thương bệnh binh, nạn nhân chất độc hóa học, hoàn cảnh rất khó khăn.

Hôm nay, nhiều người sau 50 năm mới gặp lại nhau, nhưng mỗi khi khi nhắc đến các địa danh như Nông trường Quyết Thắng (Vĩnh Linh); Trà Ang - Km12, Trọng điểm ATP (Đường 20 Quyết Thắng); dốc Tam Đảo, Đường 20C, 20D, 20E, QZ25; đường 128A, QA3, QA5- Luôn Bùm, Km74, Km82, Cung đường 128A... không ai không thầm nhớ và tự hào. Những địa danh lịch sử ấy đã gắn bó cùng Tiểu đoàn với những thành tích vẻ vang và cả những giọt nước mắt đầy vơi, ai còn ai mất... trong những năm tháng chiến đấu ác liệt, sống chết bên nhau trên tuyến lửa Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Anh hùng.

Võ Hóa